Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Trường Thanh| 30/11/2022 14:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, Đảng ta xác định tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 29/11, tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, có sự tham gia của gần 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ ở 3 điểm cầu Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TP. HCM.

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi, xuyên suốt đó là phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới - Ảnh 1.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo

Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, Đảng ta xác định phải tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới và coi đây là một trong những nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cách đây đúng một năm, ngày 24/11/2021 tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm".

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2, Tổng Bí thư đã định hướng: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".

Hệ giá trị con người là nội dung cốt lõi, quyết định chất lượng nguồn nhân lực

Theo PGS, TS Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hệ giá trị con người là nội dung cấu thành quan trọng nhất, quyết định nhất đối với chất lượng nhân lực và nguồn lực con người trong mọi thời đại. Dù nhận thức và sử dụng có ý thức được vai trò của nó hay không thì đây vẫn là điều tất yếu. Hệ giá trị con người có mặt trong tất cả các cấu phần của nguồn lực con người, của nhân lực: thể lực, trí lực, tâm lực và kỹ lực.

PGS, TS Lương Đình Hải cho biết, nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết phải là nguồn nhân lực có hàm lượng hệ giá trị con người và các hệ giá trị Việt Nam rất cao. Nếu muốn đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể không có giáo dục, trao truyền, khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam và các hệ giá trị Việt Nam khác.

Liên quan đến xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị con người trong giai đoạn hiện nay, PGS, TS Lương Đình Hải lưu ý cần tập trung vào tháo gỡ "điểm nghẽn" là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đề cập nội dung hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam trong các chủ trương, chính sách về con người và nguồn nhân lực; xác định hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

Chuẩn mực con người là chuẩn mực xã hội

GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội cho rằng: Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng đồng, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiêm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ... xã hội.

Hiện nay, nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức, mà còn cả về chuẩn pháp lý. "Chính vì thế vấn đề xây dựng chuẩn mực con người được đặt ra một cách cấp thiết. Kỳ vọng được giả định là nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đẳn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội... thì hành vi và hoạt động của con người sẽ có căn cứ để điều chỉnh và tự điều chỉnh, xã hội sẽ bớt đi những hiện tượng lệch chuẩn" - GS.TS Hồ Sĩ Quý chia sẻ.

Hệ giá trị gia đình là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc

TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu rõ, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam.

"Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc, xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người", TS Trần Tuyết Ánh cho biết.

Để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, PGS. TS Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh cần phát huy yếu tố tích cực trong giáo dục các chuẩn mực đạo đức, nhân cách trong gia đình; đồng thời phát huy các giá trị tâm lý, tình cảm: Tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu quê hương, đất nước…

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Viện trưởng Viện Tâm lý học cũng nhận diện những giá trị gia đình cốt lõi cần được chú trọng giữ gìn, phát triển trong thời kỳ mới, gồm giá trị ấm no, giá trị hạnh phúc, giá trị tiến bộ, giá trị văn minh.

Đề cập một số vấn đề cần quan tâm để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam, PGS. TS Đặng Thị Hoa cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá về hệ giá trị gia đình Việt Nam; tuyên truyền và giáo dục truyền thông nhằm coi trọng giáo dục trong gia đình; xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới…

Để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn tới, GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế - xã hội. Các chính sách kinh tế - xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình nói chung.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình. Quan tâm hơn đến các mối quan hệ tâm lý - tình cảm của vợ chồng, đặc biệt trong bối cảnh của tình trạng phân ly gia đình hiện nay.

Cùng với đó, quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Tăng cường giáo dục, tạo dựng quan niệm bình đẳng giữa con trai và con gái trong trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già. Có các hình thức thích hợp nâng cao kiến thức và kỹ năng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực của cha mẹ đối với trẻ em.

Đồng thời, xã hội cần chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu chăm sóc trẻ em và người cao tuổi; tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia vào việc chăm sóc trẻ em và hỗ trợ người cao tuổi…

GS.TS Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh, các gia đình cần giáo dục và phát huy mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau trong quan hệ anh chị em ruột để khắc phục những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong việc hỗ trợ giải quyết bất hòa trong gia đình riêng. Việc các cấp chính quyền, đoàn thể ở mỗi địa phương có những hình thức sinh hoạt câu lạc bộ gia đình, đưa chủ đề củng cố mối hệ quan hệ anh chị em ruột vào trao đổi là cần thiết.

Cùng với đó, tiến hành các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội. Có cơ chế bảo đảm tiến hành các nghiên cứu khoa học xã hội một cách hệ thống trước khi hoạch định chính sách kinh tế - xã hội.

Đồng thời, cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO