Truyền thông

Phát huy hiệu quả các ngành công nghệp văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội - Kinh nghiệm từ Hưng Yên

T.H 23/09/2024 07:49

Nhằm phát huy hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và đất nước, Hưng Yên đã và đang đẩy mạnh công tác xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, con người Hưng Yên toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương.

Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, vốn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và văn hiến, là nơi sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước, Hưng Yên hiện lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử phong phú, đặc sắc, những yếu tố đó góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất, con người Hưng Yên.

Nhận thấy vai trò của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Những năm qua, Hưng Yên đã chú trọng đầu tư và xây dựng các chiến lược cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa) với phương châm phát triển văn hóa, con người; chú trọng đầu tư, khai thác và phát huy các nguồn lực văn hóa, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch.

Qua đó, giúp Hưng Yên tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế địa phương. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa của vùng đất văn hiến cách mạng, góp phần vào sự phát triển chung của văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp và hội nhập quốc tế sâu rộng.

du-lich-hung-yen-14.jpg
Đầu tư trồng nhãn - sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo tiêu chuẩn VIETGAP.

Văn hóa du lịch mở ra những cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã có cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại, hỗ trợ triển lãm nghệ thuật và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa nhằm quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ra cả nước và thế giới. Tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động công tác thông tin đối ngoại theo kế hoạch thông tin đối ngoại hàng năm trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã bám sát nhiệm vụ đề ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trong đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Tỉnh cũng đã xây dựng trang thông tin đối ngoại để thuận tiện giới thiệu quảng bá về mảnh đất, con người Hưng Yên, những thành tựu, tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư vào tỉnh.

Các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh đã phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức thành công các lễ hội, hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm quảng bá văn hóa, con người, sản vật của Hưng Yên đến với khách hàng trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả “Đề án Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025”: Tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến Du lịch tỉnh Hưng Yên; tham gia Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam VITM- Hà Nội và xúc tiến quảng bá du lịch tại lễ hội đền Đậu An (Tiên Lữ)… xây dựng thương hiệu du lịch địa phương qua các biển quảng cáo tấm lớn, in tờ rơi, pano; xây dựng các tour, tuyến du lịch kết hợp với làng nghề truyền thống tại các huyện: Ân Thi, Khoái Châu, Văn Giang, Phù Cừ.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng nghiên cứu, biên soạn, phát hành, phổ biến các tờ gấp, ấn phẩm tuyên truyền về một số Di sản văn hóa tiêu biểu như: Đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch, chùa Chuông, chùa Thái Lạc, Văn Miếu, đền Trần, đền Mẫu, Lễ hội đền Dạ Trạch, Lễ hội truyền thống đền Tân La,… và một số cuốn sách như: Hưng Yên - Di tích lịch sử văn hoá; Nhà tưởng niệm danh nhân Hưng Yên; Di tích lăng đá tỉnh Hưng Yên; Bảo vật Quốc gia tỉnh Hưng Yên; Cây Di sản tỉnh Hưng Yên; Lễ hội đền Phù Ủng…

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; ký liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch trong vùng,… Phát triển các tour du lịch nội tỉnh như: Tour du lịch xanh (khám phá thương cảng Phố Hiến xưa - cây Nhãn tổ - Vườn Nhãn - Hồ An Vũ); tour khám phá đất và người xứ Nhãn (tìm hiểu danh nhân Hưng Yên - Làng cổ Đại Đồng - Thương cảng Phố Hiến xưa); du lịch homestay (khám phá vùng đất Văn Giang, Khoái Châu: Vườn cam đường canh, làng nghề Bánh răng bừa, làng nghề trồng hoa, cây cảnh, vườn nhãn sinh thái); Nét văn hóa Phố Hiến (Văn Miếu Xích Đằng - Chùa Chuông - Đền Mẫu - Đình, chùa Hiến - cây Nhãn tổ)…

Xây dựng chương trình, tour, tuyến du lịch liên tỉnh như: Tuyến Hà Nội - Bắc Ninh - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình; Tuyến du lịch chuyên đề lễ hội, tâm linh: Hà Nội - Đền Ghênh - làng Nôm - chùa Thái Lạc (Hưng Yên) - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh; tuyến du lịch đường sông: Hà Nội - Hưng Yên (chùa Bồ Đề - đền Dầm - đền Đại Lộ - đền Đa Hòa - khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến); Phố Hiến (Hưng Yên) - Chùa Hương (Hà Nội) - Tam chúc Ba Sao (Hà Nam)…

Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch, đưa các sản phẩm du lịch, tour, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa các thành viên trong liên kết vào nội dung các hoạt động xúc tiến du lịch của địa phương. Năm 2014, toàn tỉnh đón trên 300 nghìn lượt khách, trong đó gần 10 nghìn lượt khách quốc tế. Năm 2018, đón trên 900 nghìn lượt, trong đó trên 20 nghìn lượt khách quốc tế. Năm 2023, đón trên 800 nghìn lượt khách, tăng 78% so với năm 2022. Du lịch của tỉnh phát triển đã góp phần hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá

Tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các Nghị quyết của Trung ương đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Quyết định 581/QĐ-TTg, ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2020; Những năm qua, thực hiện Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 14/4/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm văn hóa hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa.

Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng: quảng bá hình ảnh đất và người Hưng Yên với những sản phẩm, thương hiệu đặc trưng riêng biệt, hấp dẫn ra các tỉnh trong cả nước và quốc tế như: đầu tư trồng nhãn, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo tiêu chuẩn VIETGAP; trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của các tác giả người Hưng Yên tới khách tham quan trong và ngoài tỉnh; Tổ chức Đoàn khảo sát phát triển du lịch làng nghề Hưng Yên tại làng nghề làm hương Thôn Cao (TP. Hưng Yên), làng nghề đan đó Thủ Sỹ (Tiên Lữ), chạm bạc Huệ Lai, đúc đồng Lộng Thượng, long nhãn sấy, làng hoa, cây cảnh Xuân Quan, Phụng Công, thị trấn Văn Giang, vườn nhãn theo tiêu chuẩn VIETGAP (Khoái Châu)... Giới thiệu các điểm du lịch di tích đền Phù Ủng, huyện Ân Thi; điểm du lịch đền Dạ Trạch, huyện Khoái Châu; điểm du lịch đền Đậu An, huyện Tiên Lữ và điểm du lịch Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang....với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong toàn quốc; Tích cực mời một số doanh nghiệp của tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương tại các Hội chợ du lịch trong toàn quốc; Hình thành các đơn vị, công ty tổ chức sự kiện, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thủ công mỹ nghệ…

du-lich-hung-yen-11.jpg
Nghề làm hương truyền thống ở làng Thôn Cao. (Ảnh: Internet).

Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn hóa ở các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, triển lãm, sản phẩm du lịch. Đây là ngành kinh tế mới tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, chất lượng văn hóa cao, hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Định hướng, tuyên truyền và vận động nhân dân nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh, tinh hoa của nhân loại, truyền thống văn hóa dân tộc. Bài trừ văn hóa lai căng, độc hại, đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và văn hóa nhân loại. Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài cũng như quảng bá về các di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm văn hóa thế mạnh của tỉnh Hưng Yên.

Bên cạnh đó, Hưng Yên luôn quan tâm, hỗ trợ một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cũng như ban hành chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác các lợi thế so sánh của địa phương. Kết nối giữa cung và cầu, giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với các nhân tài là các nhà khoa học, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và người hưởng thụ văn hóa là các tầng lớp nhân dân trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Để phát huy hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh và đất nước, Hưng Yên đã và đang đẩy mạnh công tác xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, con người Hưng Yên toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh.

Xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, địa phương, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc của Hưng Yên, phù hợp với xu thế thời đại.

Tập trung đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để văn hóa, con người Hưng Yên phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, xây dựng các đề án, kế hoạch, phát động các phong trào, hành động cụ thể để thực hiện các Nghị quyết về văn hóa sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả các ngành công nghệp văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội - Kinh nghiệm từ Hưng Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO