Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách giúp người dân thoát nghèo bền vững
Trong những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang luôn là một trong những điểm tựa vững chắc cho nhiều gia đình nghèo, cận nghèo và nhiều đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Theo đó, nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình đã xuất hiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang đã triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xoá đói giảm nghèo bền vững.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Hoàng Thị Như, thôn Nà Chang, xã Năng Khả, huyện Na Hang đã từng bước phát triển kinh tế, trở thành tấm gương thoát nghèo, làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Là một trong số nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách, Chị Như chia sẻ “Từ khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đầu tư vào phát triển chăn nuôi trồng trọt. Nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi bớt đi một phần gánh nặng về kinh tế, có động lực hơn nữa để thoát nghèo.”
Gia đình chị Ma Thị Thao, thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả, huyện Na Hang trước đây có cuộc sống khó khăn. Gia đình thu nhập không ổn định nên cuộc sống còn bấp bênh. Năm 2021, biết đến nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Thao mạnh dạn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn. Qua bình xét, gia đình bà đủ điều kiện và được vay 50 triệu đồng. Từ số vốn trên, gia đình chị Thao đầu tư cải tạo chuồng trại, chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hiện nay gia đình chị đã phát triển đàn lợn lên gần 100 con.
Không chỉ chị Như, chị Thao, những năm qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách được ví như “bà đỡ” của nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, đem các nguồn lực tài chính của Nhà nước cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, nguồn tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả, đến đúng đối tượng thụ hưởng và sử dụng đúng mục đích góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, phát triển sản xuất, kinh doanh.../.