Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách
Đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan báo chí với tư cách là một chủ thể quan trọng của truyền thông chính sách, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí truyền thông đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp cho việc thực thi chính sách được thuận lợi thông qua việc thực hiện các chiến dịch, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin, kiến thức để người dân biết, hiểu, thực hiện cũng như tham gia giám sát quá trình thực thi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thông qua các chuyên mục, các diễn đàn mở trên báo chí, nêu những vấn đề nảy sinh, những vấn đề còn có các quan điểm chưa thống nhất để các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách cũng như các nhóm đối tượng chịu tác động của chính sách phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình đến các cấp ủy đảng, chính quyền, giúp các cơ quan nhà nước nắm được thực trạng thực thi chính sách, có thể đưa ra các điều chỉnh nếu cần thiết.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí truyền thông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc điều tiết dư luận xã hội, tránh việc xung đột về quan điểm, nhận thức của các nhóm đối tượng trong xã hội nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi thực thi các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò là lực lượng chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền, các cơ quan báo chí tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu mục đích tốt đẹp mà chính sách mang lại, thuyết phục họ hy sinh lợi ích trước mắt để hướng tới lợi ích to lớn, lâu dài hơn trong tương lai từ đó đạt đến sự đồng thuận xã hội trong việc thực thi chính sách.
Hạn chế trong công tác truyền thông chính sách qua các cơ quan báo chí
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn hạn chế, khuyết điểm của một số chủ thể truyền thông chính sách cả từ phía một số bộ, ngành, địa phương cũng như các cơ quan báo chí. Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, những hạn chế đó tập trung vào các vấn đề chính sau:
Thứ nhất, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với Ban Tuyên giáo và các cơ quan báo chí chưa đầy đủ và chưa tốt. Nhiều đơn vị, địa phương chưa làm tốt công tác phối hợp phối hợp với ban tuyên giáo trong công tác tư tưởng, chưa chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, không có kịch bản truyền thông phù hợp khi xây dựng các đề án, dự án nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến tư tưởng, đời sống của đông đảo người dân trong vùng dự án hoặc tác động của chính sách.
Trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin, nhiều công cụ kỹ thuật đa phương tiện, không gian mạng rộng mở nhưng nhận thức và phương thức truyền thông của nhiều cơ quan, bộ ngành còn lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa chủ động trong phát hiện, nắm bắt các vấn đề của thực tiễn trên bình diện quốc tế và trong nước; chưa có những phân tích đối với các tình huống, sự kiện phát sinh cũng như vận dụng các bài học kinh nghiệm, phối hợp thiếu thường xuyên và chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí từ đó dẫn đến việc chưa đưa ra được giải pháp truyền thông thích hợp, nhất là đối với các vụ việc, sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm tác động nhiều chiều, những sự việc có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, xuyên tạc từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình phát triển kinh tế xã hội của bộ ngành, địa phương. Không ít chủ thể là các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời để làm chủ thông tin, lấy thông tin tích cực, chính thống để đấu tranh chống lại các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet.
Thứ hai, một số cơ quan báo chí chưa quan triệt tinh thần chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; thiếu chủ động tuyên truyền kịp thời, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chưa quan tâm, xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa tính định hướng chính trị tư tưởng và việc đáp ứng yêu cầu thông tin của công chúng. Trong một số trường hợp cụ thể, lực lượng báo chí chính thống chưa thực sự chiếm lĩnh được trận địa thông tin, làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội.
Thứ ba, một số cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực còn thiếu sự tìm tòi sáng tạo, chưa đa dạng hóa các hình thức thông tin; chất lượng nội dung thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, chưa góp phần đáng kể nâng cao dân trí, hình thành và định hướng dư luận xã hội lành mạnh, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị và hành động của nhân dân; chưa thường xuyên biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; chưa tích cực, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; chưa phát huy vai trò giám sát, phản biện của các chủ thể truyền thông chính sách, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.
Thứ tư, nhiều cơ quan báo chí còn chưa có cơ chế khuyến khích khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của thông tin điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet phù hợp với lợi ích công cộng. Chưa thường xuyên tuyên truyền tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; chưa làm tốt việc dự báo, định hướng phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ năm, vẫn còn tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí; tình trạng tư nhân lợi dụng liên kết để chi phối nội dung, thông tin không phù hợp tư tưởng chỉ đạo, định hướng báo chí, xa rời nhiệm vụ chính trị, hạ thấp chức năng tuyên truyền, giáo dục. Việc quản lý phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên còn lỏng lẻo; một bộ phận lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, mơ hồ, ngộ nhận trong nhận thức về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của báo chí; công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí chưa được coi trọng đúng mức... những hạn chế này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực truyền thông chính sách của các cơ quan báo chí, giảm khả năng thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là trong công tác truyền thông đối với những chương trình, dự ánh trọng điểm ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách qua các cơ quan báo chí
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ, hoạt động báo chí truyền thông đã có những đóng góp quan trọng trong công tác chính trị tư tưởng nói chung, công tác truyền thông chính sách nói riêng. Để phát huy vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XIII của Đảng về chủ trương xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông, bảo đảm báo chí, truyền thông tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa, là lực lượng tiên phong, là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng của Đảng. Phải xác định rõ, mục tiêu quan trọng của quy hoạch là để báo chí truyền thông phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí.
Hai là, cần tiếp tục nhận thức, quán triệt thật sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí với tư cách là một thành tố quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng; là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là diễn đàn của Nhân dân. Chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện đó, chúng ta mới có thể đặt niềm tin, qua đó xây dựng, triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông chính sách một cách chủ động, tích cực, sáng tạo và hiệu quả, thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân
Ba là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí theo hướng tăng cường trách nhiệm; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Cần tiến hành rà soát toàn diện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với báo chí; để từ đó đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu chỉ đạo, quản lý và thực tiễn phát triển báo chí, phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan báo chí với tư cách là một chủ thể quan trọng của truyền thông chính sách, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống cũng như nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án, đề án phát triển kính tế xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh./.