Chuyển đổi số

Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

Hoàng Linh 29/03/2023 21:09

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và là quốc gia có nhận thức về CĐS song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Chiều 29/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có đã có buổi làm việc tại Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và cho biết CĐS là một trong ba nội dung xuyên suốt chủ đề chung của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và là một trong ba phiên thảo luận chuyên đề có sự tham gia, phối hợp chuẩn bị nội dung ngay từ đầu của Bộ TT&TT.

Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Tại buổi làm việc làm việc, Chủ tịch Quốc hội thông báo hội nghị lần này có chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua CĐS và đổi mới sáng tạo (ĐMST)” tập trung vào vai trò, đóng góp của giới trẻ, trong đó có các nghị sĩ trẻ nhằm giải quyết những thách thức phát triển thông qua CĐS và ĐMST, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và con người để thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG) đến năm 2030.

Nội dung nói trên phù hợp mục tiêu của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và ưu tiên của Việt Nam nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Được biết, trên cơ sở chủ đề chung, các phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị dự kiến tập trung vào 3 nội dung: CĐS; Khởi nghiệp và ĐMST; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững...

ctqh-phat-bieu.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: CĐS là một trong ba nội dung xuyên suốt chủ đề chung của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ TT&TT phối hợp trong công tác tổ chức Hội nghị; cử đại diện lãnh đạo Bộ tham gia Ban Tổ chức Hội nghị; tham gia Tiểu ban Nội dung và Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền Hội nghị; cử cán bộ tham gia Tổ giúp việc của các Tiểu ban liên quan.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ phối hợp chuẩn bị nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại phiên họp toàn thể và thảo luận chuyên đề liên quan CĐS; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, Trung ương Đoàn và các cơ quan liên quan trong công tác thông tin, truyền thông trước, trong và sau hội nghị.

Yêu cầu ngày càng cao đối với ngành TT&TT

Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, tại Nghị quyết 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, qua đó chỉ rõ mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển đất nước; trong đó để cập các mục tiêu này đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày càng cao đối với ngành TT&TT.

Chủ tịch Quốc hội đề cập những nội dung cụ thể đối với ngành TT&TT. Đó là: Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật phát triển hạ tầng số tiến tới chuyển đổi số quốc gia thông qua việc xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao; mô hình kinh tế chia sẻ; giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số; đầu tư mạo hiểm; các phương thức thanh toán mới; hệ thống xác thực và định danh điện tử.

Yêu cầu quan trọng nữa là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, ĐMST và những thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, ngành đầu tư thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông để góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bộ TT&TT thời gian qua nỗ lực cố gắng, “từ đó có những bước chuyển mình rất quan trọng”.

Bên cạnh các lĩnh vực trước đây Bộ đã phụ trách như: Báo chí, bưu chính, viễn thông, an toàn thông tin mạng, Bộ còn được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý mới trên 4 lĩnh vực: CĐS quốc gia; chính phủ số; kinh tế số và xã hội số; công nghiệp ICT...

toan-canh-buoi-lam-viec-29032023_2.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Truyền thông, báo chí truyền tải Việt Nam năng động, giàu tiềm năng phát triển

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành TT&TT trong 5 năm vừa qua là 12,4%, gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành là 3.893.595 tỷ đồng (khoảng 168 tỷ USD); tổng nộp ngân sách toàn ngành là 98.982 tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD); tổng số lao động toàn ngành là trên 1,5 triệu người; tổng số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn ngành là gần 85.000 đơn vị với khoảng trên 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, công nghệ số, v.v. và khoảng 15.000 đơn vị sự nghiệp, đơn vị khác (bao gồm các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành, phát thanh truyền hình, các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, xã).

bo-truong-nguyen-manh-hung-29032023(1).jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội, tạo sự đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.

“Truyền thông, báo chí đã góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội: Công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới mang tính bước ngoặt theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để lưu chiểu điện tử, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin tích cực, tiêu cực, kịp thời định hướng nhắc nhở, chấn chỉnh những vấn đề trên không gian báo chí, truyền thông và trong hoạt động báo chí.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập kết quả “tường minh hóa” các vấn đề của báo chí để cả xã hội cùng nhận biết, cùng giám sát và đấu tranh; ban hành tiêu chí nhận diện và có kế hoạch, biện pháp xử lý bài bản, cương quyết tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí...

Nội dung quan trọng khác được Chủ tịch Quốc hội đề cập và biểu dương Bộ TT&TT, đó là tích cực tham mưu cho Chính phủ để thay đổi nhận thức, cách làm trong công tác truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước theo quan điểm: truyền thông chính sách phải được coi là một việc, một chức năng của chính quyền; bên cạnh đó đã nỗ lực quét sạch “rác” trên không gian mạng.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ TT&TT đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại Kỳ họp thứ 4.

Hiện nay, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), do Bộ là đơn vị chủ trì soạn thảo đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với những thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bộ TT&TT tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, nỗ lực, luôn là một trong những cơ quan đi đầu trong ĐMST, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm triển khai hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO