Diễn đàn

Thanh niên nhiệt huyết đi đầu trong chuyển đổi số

Ánh Dương 16:47 22/03/2023

Sáng 22/3, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”.

Đây là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, khát vọng vươn lên làm chủ khoa học công nghệ để xây dựng đất nước.

12.jpg

Thanh niên Việt Nam đối diện với 4 chuyển đổi, không nâng cao năng lực sẽ tụt hậu

Nêu vấn đề phát triển khoa học công nghệ sẽ làm giảm lao động thủ công, lao động đơn giản. Vì vậy nhiều lao động cần có nhu cầu đào tạo lại, trang bị thêm kỹ năng. Từ đầu cầu Cà Mau, đồng chí Nguyễn Văn Tú, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau bày tỏ mong Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ lao động trẻ được đào tạo lại nghề và trang bị các kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường lao động hiện nay.

Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho rằng chưa bao giờ lực lượng thanh niên mạnh như hiện nay. Chúng ta không chỉ mạnh về số lượng mà chất lượng, lực lượng lao động của Việt Nam cũng như của thanh niên Việt Nam cao hơn.

Tuy nhiên, dù dân số trẻ, lao động trẻ, nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia lại chưa mạnh, năng suất lao động chưa cao, lao động phi chính thức còn nhiều, kỹ năng lao động, kỹ năng sống còn nhiều vấn đề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thì chỉ 26,1% có chứng chỉ, ở mức thấp so với các nước. Dẫn tới có sự phân hóa trong xã hội rất lớn khi nước ta có 20 triệu thanh niên và dân số trẻ, nhưng cũng đứng trước nguy cơ của dân số già.

Do đó, theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, thanh niên Việt Nam phải đối diện với 4 chuyển đổi, nếu không thay đổi sẽ tụt hậu. Đó là việc chuyển đổi công nghệ làm thay đổi quản trị quốc gia, sẽ làm thay đổi lối sống giới trẻ. Chuyển đổi không gian giúp thúc đẩy đô thị hóa, làm thay đổi cơ cấu việc làm, điều kiện sống và cung cách làm việc. Chuyển đổi xanh làm thay đổi mô hình kinh tế và chuyển đổi mô hình xã hội, từ dân số trẻ bước sang dân số già.

“Chúng ta cần nắm bắt cơ hội dân số vàng nếu không sẽ tụt hậu. Chuyển đổi xã hội sẽ làm gia tăng tầng lớp trung lưu có vai trò dẫn dắt nhưng tạo ra sự phân hóa xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận.

Do đó, với các chủ trương về phát triển nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay mới đây Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, trọng tâm ưu tiên là đột phá nhân lực chất lượng cao với hệ thống trường đại học, trường nghề chất lượng cao.

“Muốn CĐS nhanh phải đào tạo nhân lực. Hiện nay, chúng ta đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực trong khu vực công nghệ. Đây là vấn đề phải làm rất nhanh vì ta muốn đi nhanh phải đào tạo con người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần tập trung kiến tạo chính sách cho 3 nhóm đối tượng thanh niên để có điều kiện học hành vươn lên, quan tâm hệ thống chính sách phụ cận như việc xây dựng 1 triệu căn nhà cho công nhân, từ đó tạo nền tảng và chăm lo phúc lợi xã hội để công nhân, thanh niên và những người lao động trẻ yên tâm cống hiến.

34.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việc định hướng nghề nghiệp phải thích ứng xu thế, hoàn cảnh là rất quan trọng. Cùng với việc đào tạo, thì việc tự mày mò, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo là rất quan trọng, đây cũng là điều nằm trong "nhiệt huyết" của thanh niên. (Ảnh: VGP)

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, CĐS len lỏi vào mọi góc cạnh của cuộc sống, tạo ra nhiều cơ hội và thuận lợi nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức như các cuộc tấn công mạng.

Do đó, chúng ta phải có chính sách đào tạo nhân lực thích ứng với các xu thế mới như CĐS, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Thủ tướng khẳng định, việc định hướng nghề nghiệp phải thích ứng xu thế, hoàn cảnh là rất quan trọng. Cùng với việc đào tạo, thì việc tự mày mò, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo là rất quan trọng, đây cũng là điều nằm trong "nhiệt huyết" của thanh niên.

Cũng trả lời vấn đề này Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thường khi có một cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mới thì nhiều thứ đảo ngược lại. CĐS là cuộc CMCN lần thứ 4 và liên quan nhiều đến trí tuệ nhân tạo (AI). Ứng dụng của nó giống như là mỗi người có một trợ lý, khi mình làm việc, mình cần gì thì AI giúp, nó giúp con người nhiều hơn là thay con người.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, khi cái mới xuất hiện thì thường có nhiều cơ hội, tất nhiên đi kèm với đó là những thách thức. Nhưng thanh niên sẽ là phù hợp nhất để thích ứng vì có nhiều năng lượng và không sợ sai. Tuổi trẻ có năng lượng mạnh mẽ với cái mới. Thanh niên lúc này là đang sống trong cơ hội trăm năm có một và sống trong thời kỳ chuyển đổi thì nên đi đầu.

Đi đầu thì mới thay đổi được thứ hạng quốc gia, còn nếu đi sau thì chúng ta đứng đâu vẫn đứng đấy. “Tôi rất mong muốn các bạn thanh niên hãy coi mình sinh ra vào giai đoạn này là may mắn, khi xảy ra một cuộc CMCN mới và đặc biệt là CĐS thì các bạn nên đi đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn.

img7427-16794648616411770928709.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT: Tôi rất mong muốn các bạn thanh niên hãy coi mình sinh ra vào giai đoạn này là may mắn, khi xảy ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới và đặc biệt là CĐS thì các bạn nên đi đầu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Dọn "rác" trên môi trường số có trách nhiệm của "công dân số"

Trả lời câu hỏi về giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cũng như đời thực, không gian mạng cũng có cái tốt và xấu. Tạm gọi tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng là "rác", thì đầu tiên là phải xử lý người xả rác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện đã có nghị định xử lý hành chính với các vi phạm này, cao hơn là xử lý hình sự. Tuy nhiên, cũng có người vô tình lan truyền do không biết đấy là tin sai sự thật, vì thế Bộ TT&TT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, có cẩm nang hướng dẫn người dân, cẩm nang về phòng chống tin giả và đã cho ra mắt một nền tảng trực tuyến cho người dân về những kỹ năng số cơ bản, trong đó có cách phân biệt tin giả.

"Muốn dọn rác phải phát hiện ra rác. Bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong đời thực thì không gian mạng tương tự, phát hiện và dọn rác trong lĩnh vực của mình, địa phương mình trên mạng. Nếu gặp khó khăn thì Bộ TT&TT sẽ là đơn vị hỗ trợ, nhất là các nền tảng xuyên biên giới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Bộ trưởng TT&TT, không gian mạng chỉ lành mạnh khi tỷ lệ tin xấu độc thấp. Đây là việc của tất cả chúng ta, đặc biệt là thanh niên vốn là công dân số từ khi sinh ra.

Ngoài ra, đây còn là trách nhiệm của các công ty vận hành các nền tảng số, phải chủ động loại bỏ rác. Các công ty như Facebook, YouTube thu được nhiều tiền nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Nhiều người dùng cũng cho rằng không gian mạng là ẩn danh nên thiếu trách nhiệm khi lan truyền tin rác.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, tới đây Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về trách nhiệm của các công ty số cũng như người dùng, trong đó có định danh người dùng. Phải chung tay làm lành mạnh không gian mạng, không có ai ngoài chúng ta thực hiện điều này./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên nhiệt huyết đi đầu trong chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO