Chính phủ số

Phát triển chính phủ điện tử: Bài học từ Hy Lạp

Minh Vân 08:35 17/08/2023

Mô hình chính phủ điện tử tại Hy Lạp có thể là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển chính phủ điện tử.

Hy Lạp, quốc gia có số lượng người dùng Internet tính đến đầu năm 2023 là 8,71 triệu người, tương đương với 84,1 % tổng dân số. Ngoài ra, Hy Lạp cũng có đến 14,95 triệu thuê bao Internet di động trong đầu năm 2023. Tốc độ đường truyền Internet di động trung bình tại Hy Lạp là 61,4 Mbps, xếp thứ 31 trên tổng số 139 quốc gia dựa trên số liệu từ Ookla.

411-202308041206001.jpg
Nguồn: biometricupdate.com

Từ năm 2001, Hy Lạp đã đặt nền móng xây dựng chính phủ điện tử với dự án Mạng lưới hành chính công quốc gia (Syzefxis) nhằm mục đích xây dựng hạ tầng dữ liệu phục vụ cho dịch vụ công. Dự án bao gồm cả việc thiết lập và duy trì mạng máy tính nhanh và ổn định cho các khu vực công. Trong đó, dự án cung cấp đến 2000 đầu nút mạng kết nối dữ liệu và giọng nói, Internet băng thông rộng và email, hạ tầng khoá công khai,… Không những thế, mạng lưới được kết nối theo mô hình trục bánh xe và nan hoa, được chia thành 6 khu vực gọi là “đảo nhỏ”. Điểm trung tâm là đảo số 1: thủ đô Athens và từ đó kết nối toả ra các khu vực, thành phố khác.

Tuy nhiên đến năm 2009, việc xây dựng chính phủ điện tử tại Hy Lạp mới có sự đột phá khi Cổng thông tin điện tử hành chính công (Ermis) được ra mắt, cung cấp đến 100 dịch vụ công, đảm bảo tính bảo mật cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia. Ermis được trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại, có khả năng tương tác giữa các hệ thống máy tính của các dịch vụ công cũng như sự an toàn trong thông tin giao dịch chung.

Hy Lạp tạo bước ngoặt trong việc phát triển chính phủ điện tử khi đưa Cổng thông tin điện tử hành chính công duy nhất Gov.gr đi vào hoạt động kể từ năm 2020. Cổng thông tin Gov.gr là trung tâm kết nối dịch vụ công của 19 bộ, 68 cơ quan/tổ chức chính phủ và 7 cơ quan độc lập. Không những thế, Gov.gr còn cung cấp 11 nhóm dịch vụ chính phủ điện tử với 1119 liên kết riêng lẻ tới các dịch vụ thuộc doanh nghiệp với chính phủ, chính phủ với người dân. Trung tâm dữ liệu của Gov.gr có thể lưu trữ được khoảng 1300 tegabyte. Tất cả những dịch vụ công cung cấp trên Gov.gr đều được hiển thị dựa trên những sự kiện trong đời của người sử dụng ví dụ như: sinh nhật, bảo hiểm, khởi nghiệp,… Không chỉ có vậy, người dân có thể gửi thắc mắc, phản ánh kiến nghị liên quan đến dịch vụ công hoặc những vấn đề khác thông qua biểu mẫu điện tử bằng việc tìm kiếm những từ khoá phù hợp.

Người dân Hy Lạp có thể thực hiện mọi thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công Gov.gr, đa dạng trên nhiều nền tảng và thiết bị từ website cho đến ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đặc biệt, chính phủ Hy Lạp cũng đưa dịch vụ chữ ký số vào trong các giao dịch hành chính công trong năm 2021. Người dân và doanh nghiệp hoàn toàn được tạo chữ ký số ngay trong cổng dịch vụ công Gov.gr sau khi đăng tải tài liệu lên và hoàn thành việc nhập mã xác thực được gửi về số điện thoại nhằm giúp tạo ra sự thuận tiện cho việc thực hiện các dịch vụ công trên nền tảng số. Thêm vào đó, Cổng thông tin điện tử này còn luôn được bố trí một lực lượng kỹ sư túc trực nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công mạng.

Hiện nay, theo bảng xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Liên Hiệp Quốc, Hy Lạp đang đứng thứ 33 trên 193 quốc gia. Hy Lạp luôn không ngừng nâng cấp và cải tiến dịch vụ công điện tử và những hạ tầng kỹ thuật số khác nhằm đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, đặc biệt là nền tảng cung cấp dịch vụ công và an ninh mạng.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm xây dựng và phát triển chính phủ điện tử tại Hy Lạp là bài học để Việt Nam có những giải pháp phù hợp trong việc phát triển chính phủ điện tử.

Thứ nhất, hiện nay tại Việt Nam, các ứng dụng về dịch vụ công trên điện thoại thông minh ngày càng được phổ biến đến người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển chính phủ điện tử, các ứng dụng về dịch vụ công cần được đẩy mạnh phát triển hơn nữa nhằm tối ưu hoá sự thuận tiện của dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, những ứng dụng về dịch vụ công cần được nâng cấp thường xuyên về giao diện và tiện ích để giúp người dân và doanh nghiệp thao tác và sử dụng các dịch vụ công dễ dàng hơn.

Thứ hai, dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam chủ yếu được cung cấp trên website. Điều này đôi khi gây ra những trở ngại cho người sử dụng trong trường hợp không có thiết bị thích hợp để truy cập, điển hình là việc gặp khó khăn khi thao tác trên điện thoại. Do đó, một số dịch vụ công trực tuyến cần được mở rộng trên các nền tảng khác như tạo ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng,… Đồng thời cần có sự đồng bộ giữa các thiết bị truy cập nhằm tiết kiệm thời gian cho người sử dụng trong quá trình thực hiện.

411-202308041206002.png
Nguồn: Pixabay

Thứ ba, các dịch vụ công trực tuyến hiện nay ngày một được nhân rộng, do đó, cần có sự phát triển về hạ tầng Internet và đảm bảo an toàn thông tin. Khi lượt truy cập vào các cổng thông tin hành chính công tăng, tình trạng nghẽn mạng, quá tải hoặc những sự cố khác ngoài ý muốn sẽ xảy ra. Vì thế, cần có sự nâng cấp và phát triển nhằm đảm bảo tốc độ ổn định của Internet nhằm hạn chế tối đa những lỗi, sự cố gây trở ngại cho người truy cập để sử dụng.

Không những thế, an toàn thông tin cho người sử dụng cũng là một vấn đề cần được ưu tiên. Hiện nay, việc lộ lọt thông tin cá nhân hoặc tấn công mạng rất dễ xảy ra khi tội phạm mạng ngày một manh động và tinh vi. Do đó, bảo đảm an ninh mạng cần được đặt lên hàng đầu trong việc phát triển chính phủ điện tử.

Thứ tư, trong thời đại số hiện nay, cũng cần đẩy mạnh lan rộng sự phổ biến của chữ ký số, đặc biệt là chữ ký số cá nhân. Khi các văn bản hay các hoạt động dịch vụ công được diễn ra trên không gian số, việc sử dụng chữ ký số là điều tất yếu, nhất là khi chữ ký số cũng là một trợ lực bảo đảm an toàn thông tin. Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng chữ ký số cá nhân tại Việt Nam vẫn đang ở mức độ khiêm tốn. Do đó, cần được đẩy mạnh và phát triển hơn nữa trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân.

Hy Lạp với việc sớm xây dựng chính phủ điện tử từ dự án Syzefxis trong những năm đầu thập niên 2000 đã có những bước tiến nhanh trong việc phát triển chính phủ điện tử. Bằng việc cho ra đời và duy trì hoạt động Cổng thông tin điện tử hành chính công duy nhất Gov.gr được sử dụng trên cả website lẫn ứng dụng di động đã mang đến sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình là việc hiển thị dịch vụ công phù hợp dựa trên sự kiện trong đời của người sử dụng cùng với việc dễ dàng tạo chữ ký số ngay trên cổng thông tin.

Không chỉ có vậy, Hy Lạp cũng luôn ưu tiên việc đảm bảo an toàn thông tin cho người sử dụng khi truy cập vào các dịch vụ công. Từ bài học kinh nghiệm đó, Việt Nam cần rút ra những giải pháp nhằm phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số. Đặc biệt là việc phát triển những ứng dụng dịch vụ công, mở rộng nền tảng cung cấp, phát triển hạ tầng internet và đẩy mạnh an toàn thông tin. Song song với đó, chữ ký số cá nhân cũng cần được phát huy và lan rộng./.

Tài liệu tham khảo:

https://knepublishing.com/index.php/KnE-Social/article/view/12655/20448

https://academic-publishing.org/index.php/ejeg/article/view/441/404

http://iobe.gr/docs/pub/PRE_N.MICHALOPOULOS_01062017_PUB_GR.pdf

https://www.speedtest.net/global-index/greece

https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Data/Country-Information/id/67-Greece

https://joinup.ec.europa.eu/sites/default/files/document/2015-03/egov_in_greece_-_january_2015_-_v_17_0.pdf

https://en.wikipedia.org/wiki/Syzefxis

https://greekcitytimes.com/2021/11/20/digital-signature-service-greece/

https://www.lse.ac.uk/Hellenic-Observatory/Assets/Documents/Publications/GreeSE-Papers/GreeSE-168.pdf

https://ict.hatinh.gov.vn/pho-cap-chu-ky-so-ca-nhan-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-1685495157.html

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chính phủ điện tử: Bài học từ Hy Lạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO