Truyền thông

Phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam xứng tầm, chiếm lĩnh thị trường thế giới

P.V 09:09 26/07/2023

Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao thị phần vận tải hàng hóa, nhất là vận tải hàng hóa quốc tế bởi hiện nay 90% hàng hóa xuất, nhập khẩu phụ thuộc vào các hãng tàu ngoại. Trong đó, tập trung các giải pháp chiến lược như: phát triển cảng biển, đội tàu đẳng cấp quốc tế và chất lượng dịch vụ quốc tế cùng giá cả cạnh tranh.

Ngành vận tải biển đối mặt với nhiều thách thức

Theo đánh giá, quy mô của ngành logistics Việt Nam hiện nay khoảng 60 - 70 tỷ USD/năm, trong đó hoạt động vận tải được xác định chiếm tới 60% (tương đương khoảng 35 - 40 tỷ USD/năm), do đó việc giảm chi phí vận tải, đặc biệt là lĩnh vực vận tải biển (chiếm 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta) có vai trò rất quan trọng nhằm kéo giảm chi phí logistics nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

vai-tai-duong-bien-the-gioi-9262-1644466691_860x0.jpg
Quy mô của ngành logistics Việt Nam hiện nay khoảng 60 - 70 tỷ USD/năm, trong đó hoạt động vận tải được xác định chiếm tới 60%.

Hiện nay, đội tàu biển Việt Nam đang giảm về số lượng so với năm 2022 chủ yếu là tàu chở hàng rời và hàng tổng hợp với 686 tàu chiếm 69,57%, tuổi trung bình 16,7 năm; 178 tàu chở dầu, hóa chất, tuổi trung bình 17,9 năm; 20 tàu chở khí hóa lỏng, tuổi trung bình 23,7 năm; 44 tàu chở container, tuổi trung bình 18,4 năm…).

Tuy nhiên, ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong những năm qua, ngành vận tải biển toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Trong năm 2023, do suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn, một phần do sức mua giảm sút vì lạm phát và kinh tế phục hồi chậm, thêm vào đó giá cước vận tải đang giảm mạnh, đội tàu vận tải được đóng mới và đưa vào khai thác nhiều.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 362,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 48.700 lượt, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài đối mặt với thị trường kinh doanh khó khăn, việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đang làm nhiều doanh nghiệp vận tải biển “đau đầu”. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng ban Vận tải biển thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) như Phụ lục VI Công ước MARPOL quy định về nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5%; Lắp đặt thiết bị kiểm soát nước dằn tàu BWM; Quy định về Chỉ số hiệu quả năng lượng với tàu hiện có (EEXI), Chỉ thị cường độ Carbon (CII)… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các chủ tàu nhỏ và các nước nhỏ.

Đại diện VIMC cho rằng, để đạt được chỉ số CII trong 3 năm liên tiếp từ 2023 - 2026 và các năm tiếp theo, phải giảm phát thải CO2 ít nhất 2%. Để thực hiện được điều này, chủ tàu phải trang bị thêm các thiết bị hoặc phải thực hiện các biện pháp hoán cải lớn về kết cấu. Còn với chỉ số EEXI theo yêu cầu của IMO, hầu hết các tàu cũ đều phải giảm công suất máy chính, có tàu giảm đến 50% công suất dẫn đến phải giảm tốc độ tàu, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác và không tốt cho tình trạng kỹ thuật máy.

Cùng với đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực cho lĩnh vực hàng hải còn mỏng, đặc biệt là thiếu hụt lực lượng thuyền viên; các tỉnh, thành phố chưa quy hoạch vị trí đổ chất nạo vét dẫn đến hàng năm phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục; công tác quản lý giá dịch vụ hàng hải, quản lý tuyến vận tải của hàng tàu nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; các tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải còn thiếu và cũ…

tau-bien-1442.jpg
Cần hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tập trung nâng cao thị phần vận tải hàng hóa quốc tế

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Hàng hải Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thời gian tới, Việt Nam phải tập trung nâng cao thị phần vận tải hàng hóa, nhất là vận tải hàng hóa quốc tế bởi hiện nay 90% hàng hóa xuất, nhập khẩu phụ thuộc vào các hãng tàu ngoại. Lĩnh vực hàng hải cần tiếp tục phát triển cảng biển, đội tàu đẳng cấp quốc tế và chất lượng dịch vụ quốc tế cùng giá cả cạnh tranh.

Trong xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành Hàng hải, cần hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như hoàn thiện các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành Hàng hải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, Cục Hàng hải đề xuất giải pháp, định hướng đầu tư cảng biển nhằm hạn chế nhỏ lẻ, manh mún và đảm bảo đồng bộ với hạ tầng kết nối.

Liên quan đến việc đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, các cơ quan đơn vị phải đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành các công trình và giải ngân đầu tư công theo kế hoạch đã đề ra, cũng như xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn trung hạn 2026 - 2030 để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tập trung vào các dự án luồng, đường giao thông kết nối đến các khu vực cảng biển lớn như Lạch Huyện, Nghi Sơn, Liên Chiểu, Quy Nhơn, Cái Mép - Thị Vải…

Hiện nay, theo phân tích của các doanh nghiệp vai trò của các Hiệp hội vận tải là rất quan trọng, cần làm "cầu nối" tham mưu các giải pháp cơ chế cho Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ để phát triển đội tàu biển Việt Nam, chính sách về phí, giá dịch vụ, phát triển cảng biển và quản lý về tuyến vận tải để ngành hàng hải Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh, hội nhập đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển.

Đối với các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho rằng, chuyển đổi năng lượng xanh không phải bài toán dễ giải với các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Điều này không thể chỉ phụ thuộc vào năng lực, nội lực của từng doanh nghiệp mà cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành. Cũng theo ông Hà, một trong những chính sách cụ thể và cần thiết để hỗ trợ phát triển đội tàu là Chính phủ có cơ chế chính sách khuyến khích, miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUS trở lên, tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, hydro... đến hết năm 2030.

Điều quan trọng là cần hỗ trợ các chủ tàu, đặc biệt là các chủ tàu ở những nước đang phát triển như Việt Nam để đáp ứng các quy định của các Công ước khi các quy định phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Các doanh nghiệp cũng cần được tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi và thời gian vay ưu đãi để có điều kiện đổi mới về công nghệ, kỹ thuật.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam xứng tầm, chiếm lĩnh thị trường thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO