Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh

PV| 30/09/2022 14:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Đồng bằng sông Cửu Long đang kỳ vọng đón nhận làn sóng đầu tư mới để phát triển nhanh, bứt phá trước nhiều cơ chế, chính sách vừa được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua và ban hành.

Nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước; trong đó có khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước..... Khu vực này có vùng kinh tế trọng điểm gồm 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.

Đây được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Bước đầu thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản - trái cây - lúa gạo chất lượng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đã hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trung bình giai đoạn 2011-2021 của vùng ĐBSCL cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước, đạt trên 10%; quy mô công nghiệp ngày càng được mở rộng; tỷ trọng đóng góp công nghiệp trong GRDP toàn vùng tăng từ 15,5% năm 2011 lên 21,6% năm 2020.

Giai đoạn 2004-2020, nông nghiệp ĐBSCL liên tục tăng trưởng phát triển vượt bậc, khẳng định là vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn hiện đại gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra, trái cây. Thủy sản của vùng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, luôn duy trì vị trí xuất siêu của cả nước.

Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững - Ảnh 1.

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, nơi cung cấp phần lớn giá trị hàng hóa nông sản cho xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Cộng sản.

Hiện nay, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã có nền tảng chuyển đổi, tái cấu trúc ngành Nông nghiệp. Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị, thuận thiên đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng. Có thể kể đến như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh vùng duyên hải; mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật; đến hết năm 2021 có 69,6% số xã đạt chuẩn, bình quân 16,9 tiêu chí/xã, có 37 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 2 địa phương là thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến hết năm 2021 đã bố trí, sắp xếp lại được 112.894 hộ dân cư; trong đó vùng thiên tai 91.089 hộ, vùng biên giới 5.882 hộ và vùng đặc biệt khó khăn 15.923 hộ. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất được thúc đấy theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; toàn vùng có trên trên 100.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, có trên 2.460 HTX nông nghiệp (24,8% tham gia chuỗi liên kết sản xuất); đồng thời, đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn. Thời gian qua, đã đầu tư đồng bộ hệ thống kênh với 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, 77.000 km kênh cấp II và cấp III. Đã hình thành các hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống đê bao, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cảng cá khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tính đến nay, tỷ lệ số xã toàn vùng đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn là 78% (gần bằng tỷ lệ này của cả nước - 79%).

Phấn đấu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn. Trong đó, tác động biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất, ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động biến đổi khí hậu; cùng với tác động phía thượng nguồn sông Mekong do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước. Tư duy manh mún, mùa vụ của một bộ phận nông dân là một thách thức lớn cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiếp đó là quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao...

Do đó, để tiếp tục tạo động lực và thúc đẩy sự phát triển toàn Vùng trong giai đoạn tới, ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 21/6/2022, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030. Đây là hội nghị triển khai quy hoạch phát triển vùng đầu tiên trong cả nước.

Nghị quyết số 78 đã đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 của vùng ĐBSCL đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/ năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75 - 80%; tỷ lệ nghèo giảm 1,5 - 2%/năm...

Quy hoạch cũng đã xác định các đột phá mang tính chiến lược cho vùng kinh tế trọng điểm này như: phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy "con người" làm trung tâm; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng; thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường…

Tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO