Phát triển giáo dục thời COVID: Bài học từ các quốc gia ASEAN

Minh Thiện| 25/05/2021 17:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc quản lý giáo dục chưa bao giờ trở nên quan trọng hơn trong dịch bệnh COVID - thời điểm thường xuyên diễn ra những sự gián đoạn nghiêm trọng cũng như liên tục phải đề phòng. Trong hơn một năm nay, nhiều trường phổ thông, đại học cùng các cộng đồng trên toàn thế giới đã nhận được lệnh phong tỏa, đôi khi chỉ sau một đêm, theo những cập nhật mới nhất về COVID.

Một diễn đàn trực tuyến gần đây do Khoa Giáo dục của trường Đại học Monash tổ chức, "Lãnh đạo giáo dục và COVID-19: Những bài học từ dịch bệnh", đã mời các nhà lãnh đạo giáo dục từ khu vực ASEAN chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết của họ. Những người tham gia đến từ Indonesia, Việt Nam, Singapore, Philippines, Brunei, Malaysia và Úc đã chia sẻ về một số thách thức và thành tựu trong việc dẫn dắt những cộng đồng giáo dục của họ, và đưa ra một số bài học chính từ kinh nghiệm của bản thân.

Phát triển giáo dục trong thời kỳ COVID: Bài học của các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia ASEAN - Ảnh 1.

COVID-19 đem lại nhiều thách thức cho lĩnh vực giáo dục

Philippines: lập diễn đàn phúc lợi trực tuyến

Vào thời điểm diễn ra diễn đàn, Philippines đang trải qua một làn sóng COVID mới đáng báo động. Theo TS. Bert Tuga từ Đại học (ĐH) Sư phạm Philippines (PNU), Trung tâm Giáo dục Giáo viên Quốc gia, đại dịch đã đặt ra 3 thách thức quốc gia: sức khỏe và an toàn COVID; việc tiếp tục quá trình học tập trên tất cả các lĩnh vực giáo dục; và duy trì dòng sản phẩm và dịch vụ liên tục.

TS. Tuga giải thích rằng giáo dục ở Philippines bị ảnh hưởng sâu sắc bởi việc đóng cửa và giãn cách xã hội, sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận công nghệ học tập từ xa của học sinh, cũng như các chính sách và hệ thống có khả năng bị tụt hậu.

Đại dịch đã khiến sự bất bình đẳng, hệ thống không vững chắc và các khuôn khổ hạn chế tiềm tàng trở thành điểm tham chiếu cho các nhà lãnh đạo. Quản lý giáo dục trong bối cảnh này trở nên đồng nghĩa với sự linh hoạt, hỗ trợ liên tục và giải quyết khủng hoảng.

Tổ chức của TS. Tuga đã tìm cách xây dựng mô hình lãnh đạo đổi mới thông qua phát triển các phương thức học tập linh hoạt, như thiết lập nhiều diễn đàn phúc lợi trực tuyến cho giảng viên, sinh viên, cộng đồng và các nhóm liên quan khác.

Brunei: trao đổi về giảng dạy trực tuyến

TS. Roslynn Roslan từ Viện Giáo dục Sultan Hassanal Bolkiah (SHBIE), ĐH Brunei Darussalam (UBD), cho biết bà và các đồng nghiệp lãnh đạo của mình đã cố gắng, trong những giai đoạn bất ổn nhất, để duy trì sự cân bằng giữa việc đáp ứng các nhu cầu giáo dục của địa phương, nhu cầu của cộng đồng và tuân thủ các quy định của chính phủ.

Phát triển giáo dục trong thời kỳ COVID: Bài học của các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia ASEAN - Ảnh 2.

Đáng chú ý, tổ chức của TS. Roslan đã đề ra một thay đổi lớn trong tuần đầu tiên, ngay sau khi các trường hợp COVID-19 được báo cáo, chứng minh khả năng lãnh đạo nhanh nhạy khi đối mặt với COVID.

Sự hỗ trợ tích cực của các nhà lãnh đạo đối với các dự án đã khuyến khích nhân viên cung cấp các hội thảo về giảng dạy trực tuyến, cho các đồng nghiệp xung quanh và mạng lưới giáo viên rộng lớn hơn trong trường học. TS. Roslan nhấn mạnh rằng sự hợp tác này được nâng tầm bởi "lòng trắc ẩn và một quá trình xem xét và cải tiến liên tục".

Việt Nam: kết nối 4G và học tập trực tuyến

Ở Việt Nam, GS. Tuấn Huỳnh, đến từ ĐH Quốc gia đã mô tả cách đối phó với đại dịch được xây dựng dựa trên cơ sở của sự thống nhất của "niềm tin dân tộc", "lòng kiên cường" và "tinh thần yêu nước". Ông cho rằng, lãnh đạo chính trị và giáo dục đã làm việc song song với nhau, trong "cuộc chiến chống lại kẻ thù COVID-19" của chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Phát triển giáo dục trong thời kỳ COVID: Bài học của các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia ASEAN - Ảnh 3.

Giáo viên giảng bài trực tuyến

Khi nói về tầm quan trọng của chủ nghĩa tập thể ở Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID, GS. Tuấn Huỳnh chia sẻ, cách tiếp cận "chung tay vì cộng đồng" đã thúc đẩy các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội và nhóm doanh nghiệp cung cấp nguồn lực và hỗ trợ cho giáo viên, học sinh và gia đình.

Sự bền bỉ khi đối mặt với đại dịch đã tạo ra những phát kiến như ATM gạo và ATM khẩu trang để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Điều đó cũng được thể hiện trong câu chuyện của Lầu Mí Xá, một học sinh người dân tộc H'Mông sống ở tỉnh miền núi phía Bắc Hà Giang. Không thể trở lại trường học nhưng mạng Internet tại nhà không ổn định, anh đã xây lán trên ngọn núi để kết nối với 4G và hoàn thành việc học trực tuyến của mình.

Malaysia: Kết nối học sinh, giáo viên và gia đình

Với ông Roger Schultz, người đứng đầu Trường Alice Smith ở Malaysia, đại dịch đã củng cố ý nghĩa thực sự của việc học tập và tầm quan trọng của các mối quan hệ, cũng như kết nối cá nhân giữa học sinh, giáo viên, phụ huynh và gia đình.

Schultz đã chia sẻ lòng biết ơn của mình khi nhận được sự hưởng ứng chung từ phía cộng đồng nhà trường. Ông lưu ý rằng "Các giáo viên đã dành thời gian và nỗ lực của họ để truyền cảm hứng, thấu hiểu, kết nối, hướng dẫn và chăm sóc học sinh. Các bậc phụ huynh đã rất ủng hộ việc học trực tuyến tại nhà, ủng hộ những nỗ lực của giáo viên, và động viên cả con cái và giáo viên trong suốt chặng đường đầy thử thách này ".

Indonesia: phát triển các sáng kiến công nghệ

Trong khi đo Bộ Giáo dục dục phát triển các chính sách trên toàn quốc, bao gồm các sáng kiến công nghệ, để thúc đẩy việc học tập tích cực và độc lập của học sinh, các nhà lãnh đạo trường học thường phải thực hiện các chính sách này theo những cách khác nhau. Trên hàng trăm hòn đảo của Indonesia, họ đã phối hợp các mối quan hệ với các gia đình và cộng đồng địa phương để quản lý việc chuyển đổi trong và ngoài khu vực bị phong tỏa.

Bài học từ các quốc gia ASEAN

1. Đầu tiên và quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo giáo dục đã ưu tiên nỗ lực để đảm bảo việc học tập được diễn ra liên tục với những người trẻ và giáo viên.

2. Những nhà lãnh đạo này cần sự kiên trì và can đảm để dẫn dắt và đưa ra quyết sách cho học sinh và cộng đồng lớn, thường phải loại đi những chính sách tụt hậu từ hệ thống cũ

3. Các nhà lãnh đạo giáo dục có xu hướng đáp lại sự tin tưởng của xã hội đối với họ bằng lòng trắc ẩn. Lòng nhân ái thúc đẩy họ tìm kiếm những cách thức bền vững để hỗ trợ các học sinh và giáo viên.

4. Cuối cùng, bất kể sự khác biệt trong hệ thống chính trị hoặc hệ tư tưởng của các quốc gia, việc tập trung vào phát triển bền vững được hỗ trợ bởi một chủ nghĩa tập thể, đề cao các mạng lưới xã hội và cộng đồng nghề nghiệp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển giáo dục thời COVID: Bài học từ các quốc gia ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO