Thêm chức năng quản lý nhà nước cho các khu CNTT tập trung
Chỉ hơn sau hơn một năm Chính phủ ban hành Quyết định số 27/QĐ-TTg thành lập Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 (ngày 6/1/2020), mới đây Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 892/QĐ-TTg, bổ sung chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý đối với khu CNTT tập trung của đơn vị này.
Đây chính là văn bản quan trọng, thể hiện sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của Chính phủ đối với việc đổi mới toàn diện việc thực hiện cải cách nền hành chính công, đồng thời, nhằm phát huy, tận dụng mọi nguồn lực, lợi thế, thế mạnh sẵn có đạt hiệu quả, thành công trong lĩnh vực đầu tư cho các ngành CNTT phát triển bền vững - nhiệm vụ trọng, điểm được ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Theo đó, Quyết định mới còn cụ thể các quy định về các nội dung việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 3/10/2018; cho phép Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng là cơ quan trực thuộc UBND TP. Đà Nẵng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Đặc biệt, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng quản lý và tổ chức cần thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng theo quy định của pháp luật; được hưởng các chính sách ưu đãi, ưu tiên đối với khu CNTT tập trung theo quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật.
Cùng liên quan đến nội dung tập trung, phát triển, xây dựng, vận hành hiệu quả các lợi thế, thành quả trong lĩnh vực CNTT, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 895/QĐ-TTg thành lập Khu CNTT tập trung thành phố Cần thơ (Đây là khu CNTT tin tập trung thứ 08 tại Việt Nam).
Theo đó, Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ có diện tích 200.219 m2, thuộc địa bàn phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ; do Quỹ đầu tư phát triển TPP. Cần Thơ làm chủ đầu tư; hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung và được áp dụng các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP và các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với khu CNTT tập trung theo quy định của pháp luật…
Đồng thời, trung tâm mới này khi hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc tinh gọn tổ chức bộ máy, không tăng đầu mối quản lý và phát sinh biên chế và nhiệm vụ, trách nhiệm Chính phủ giao cho UBND TP. Cần Thơ cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Quyết định.
Khu CNTT tập trung giúp các địa phương phát triển bền vững
Có thể nói, khu CNTT tập trung hiện nay chính là nơi quy tụ các tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước nhằm phát triển Công nghiệp ngành, lĩnh vực CNTT cho quốc gia. Do đó, nhiều thời gian qua, Đảng, Chính phủ, nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc phát triển.
Đến nay, hiện cả nước có 08 khu CNTT tập trung đang hoạt động (6 khu độc lập và 2 khu trong chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung), theo mô hình như: Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Trung tâm công nghệ phần mềm TP. Hồ Chí Minh (SSP), Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (VNU-ITP), các tòa nhà E-Town (công ty cổ phần cơ điện lạnh REE), Công viên phần mềm Đà Nẵng, Trung tâm giao dịch CNTT Hà Nội và Trung tâm công nghệ phần mềm Cần Thơ…
Trong số các mô hình hoạt động trên, nhân đây nói về một phần kết quả đạt được của 02 đơn vị liên quan đến quyết định mới trên, chúng ta còn thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ này góp phần giúp đưa các địa phương phát triển bền vững trên con đường số, công nghệ cao.
Cụ thể, đến nay, khu CNTT tập trung Đà Nẵng đã đưa dự án IT Park - DITP vào vận hành, hoạt động và bước đầu tạo ra những hiệu quả - coi là nền tảng đầu tiên về giấc mơ "Thung lũng Silicon Đà Nẵng".
Theo đó, dự án trên đã tập trung vào việc nghiên cứu sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao mang tên Surface Mount Technology (SMT). SMT được triển khai với tổng mức đầu tư 7 triệu USD và là ngành điện tử với công nghệ bo mạch, còn được gọi là dán bề mặt, là công nghệ chính được sử dụng để lắp ráp bo mạch trong sản xuất thiết bị điện tử. Việc sử dụng công nghệ SMT mang đến quá trình sản xuất tự động hóa cao, nâng cao năng suất hoạt động cũng như tạo sự linh động tích cực trong quá trình thay đổi cho các chi tiết sản phẩm điện tử.
Đánh giá về vai trò quan trọng của dự án, theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, đây được xem là dây chuyền sản xuất SMT đầu tiên ở miền Trung.
"Từ dự án này, nếu biết đi đúng hướng, đúng cách thì trong thời gian ngắn, có thể phát triển loại hình sản xuất, nghiên cứu, lắp ráp công nghệ cao với qui mô lớn hơn, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước", Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh./.