Phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay (Nghiên cứu trường hợp Ninh Thuận)

28/08/2022 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam là quốc gia ven biển, có các vùng biển và quần đảo rộng lớn, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, kinh tế biển quốc gia có mối quan hệ mật thiết đối với đời sống của người dân, đồng thời đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ an ninh – quốc phòng của đất nước.

Vì vậy, cần phải nâng cao nhận thức cũng như tăng cường phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu "trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển bền vững, thịnh vượng"[1].

Là một tỉnh có biển, nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế biển, ngày 17/01/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh[2]. Quyết định này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, mà còn nâng cao nhận thức, ý thức người dân về bảo vệ, giữ gìn môi trường biển, xây dựng nếp sống văn minh.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển của nước ta so với điều kiện, tiềm năng còn nhiều khó khăn và hạn chế. Bài viết nêu một số khái niệm chung về kinh tế biển, phân tích thực trạng chính sách phát triển kinh tế biển ở Ninh Thuận. Từ những kết quả cũng như hạn chế còn tồn tại, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế biển ở các tỉnh và thành phố khác trên cả nước trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế biển

Khái niệm kinh tế biển

Tuy đã xuất hiện từ lâu và không còn là một thuật ngữ mới nhưng thuật ngữ kinh tế biển vẫn là khái niệm mở, đang tiếp tục được bổ sung tùy theo góc nhìn khoa học cụ thể.

Từ những năm 90, các học giả Dương Kim Thâm, Lương Hải Tân và Hoàng Minh Lỗ đã định nghĩa "kinh tế biển bao gồm ba loại ngành nghề theo các thời kỳ khác nhau: làng nghề đánh bắt hải sản, làm muối và vận tải biển là những nghề biển truyền thống; khai thác dầu khí trên biển, nghề nuôi trồng hải sản và ngành du lịch biển là nghề biển mới phát triển, nghề khai thác các nguồn năng lượng có trong biển, các loại tài nguyên khoáng sản ở dưới biển sâu và lợi dụng nước biển là những nghề biển tương lai" [3]. Quan điểm của 3 học giả Trung Quốc tuy đã khái quát khá đầy đủ nhưng còn thiếu các ngành nghề như chế biến thủy hải sản, dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn...

Đến năm 2012, Ủy ban châu Âu đã đưa ra khái niệm mang tính tổng quát hơn "kinh tế biển bao gồm tất cả các ngành và các hoạt động liên quan đến biển và bờ biển. Kinh tế biển còn bao gồm các hoạt động gián tiếp hay trực tiếp của các thành phần kinh tế này; ngoài ra, kinh tế biển có thể diễn ra ở bất kì đâu, kể cả ở các quốc gia không giáp biển [4].

Như vậy, từ năm 1990 đến nay, khái niệm kinh tế biển được định nghĩa là tổng của các hoạt động kinh tế của các ngành công nghiệp dựa trên đại dương, và tài sản, hàng hóa và dịch vụ của các hệ sinh thái biển. Các ngành của kinh tế biển chủ yếu bao gồm:

+ Kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển)

+ Hải sản (đánh bắt và nuôi trồng)

+ Khai thác dầu khí ngoài khơi

+ Du lịch biển

+ Làm muối

+ Dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn

+ Kinh tế đặc thù của đảo [5]

Tình hình phát triển kinh tế biển của Việt Nam

Nhờ những chủ trương, chính sách về kinh tế biển vô cùng đúng đắn của chính quyền đã tạo ra những thay đổi to lớn đối với kinh tế nước ta. Giá trị kinh tế biển hiện nay của Việt Nam được ước tính đạt khoảng 47- 48% GDP. Đặc biệt, trong đó, khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển là những ngành đóng góp nhiều nhất. Trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam hiện nay đạt hơn 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới, đứng thứ nhì ở khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc [6]. Ngành dầu khí đóng góp quan trọng vào việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội với 10-13% tổng GDP của cả nước; cung cấp 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng phân đạm và 70-80% sản lượng khí cho các hộ của cả nước.

Ngoài ra, nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển. Hệ thống cảng của nước ta gồm cảng biển và cảng sông với khoảng trên 90 cảng lớn nhỏ và được phân bố tương đối đều dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam. Trong lĩnh vực vận tải biển có hơn 90% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển đi và đến Việt Nam bằng đường biển.

Bên cạnh đó, đánh bắt thủy hải sản vốn là nghề truyền thống của dân tộc ta với tài nguyên thủy, hải sản phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm 2020 đạt 8,6 tỷ USD, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển.

Tốc độ tăng trưởng về thu nhập từ du lịch trong vòng 15 năm gần đây giữ mức tăng trưởng hơn 24%/năm. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ven biển có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước và hiện nay chiếm gần 70-80% tổng lưu lượng khách trên cả nước.

Vai trò của kinh tế biển đối với Việt Nam

Việt Nam là quốc gia với tài nguyên biển vô cùng phong phú. Biển Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km (chưa bao gồm các đảo) với hơn 35 loại khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau. Phát triển kinh tế biển đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Việt Nam.

Thứ nhất, việc khai thác và phát triển kinh tế biển góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế của nước ta. Như đã đề cập ở trên, việc khai thác nguồn lợi từ biển đã mang lại một nguồn thu khổng lồ cho ngân sách quốc gia, nhất là trong giai đoạn COVID-19 - kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, kinh tế biển cũng là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các ngành du lịch thương mại, văn hóa và xã hội của đất nước.

Thứ hai, không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển, kinh tế biển còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp và đào tạo nguồn lao động có năng lực chuyên môn cao, góp phần ổn định cuộc sống người dân lao động. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế biển cũng đào tạo một đội ngũ nhân viên, quản lý có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của công việc và xã hội.

Thứ ba, phát triển kinh tế biển sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn chủ quyền nước ta. Nghị quyết Hội nghị lần 8 Ban Chấp hành TƯ khóa VII đã cụ thể hóa thêm nhiều điểm với "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" chỉ rõ cần phải "gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển". Có thể nói, việc kết hợp phát triển kinh tế biển quốc phòng, an ninh, đối ngoại là đòi hỏi cấp thiết nhằm nâng cao đời sống nhân dân, vô cùng quan trọng trong quá trình bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ tư, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra nhanh hơn. Phát triển kinh tế biển sẽ mở rộng ngõ cửa và có nhiều cơ hội giao lưu, cọ xát với thị trường quốc tế. Nhờ đó, chúng ta có cơ hội để học tập, đồng thời tích lũy kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế đất nước.

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế biển gắn liền với chủ quyền biển đảo

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận cấu thành chủ quyền quốc gia, là thành phần không thể tách rời của tổ quốc. Ý thức được điều đó, trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn thống nhất phát triển kinh tế biển gắn liền với an ninh - quốc phòng, điều này đã được khẳng định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt trong thời gian qua, bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, với tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo gia tăng giữa các nước lớn trong khu vực, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quân và dân ta triển khai tích cực các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. 

Đáng chú ý là Đảng ta đã có hai nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế biển trong hơn 10 năm qua. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X, "Về chiến lược biển đến năm 2020" và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, "Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Qua đó, cũng nêu rõ "nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững". Cả hai nghị quyết này đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và nêu mục tiêu phát triển thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, với nền kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo Ninh Thuận (trong thời gian dịch COVID 2019-2022)

Ninh Thuận có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú, tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho kinh tế phát triển, đặc biệt là biển. Đặc biệt, du lịch biển, đánh bắt thủy sản và công nghiệp biển là những ngành đang được tập trung khai thác và phát triển ở Ninh Thuận.

Tiềm năng về phát triển du lịch biển

Ninh Thuận có nhiều tiềm năng về du lịch khi sở hữu bờ biển dài 105km - được mệnh danh là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam với những bãi tắm có phong cảnh đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm. Ninh Thuận cũng có nguồn hải sản phong phú, đa dạng nhất trong các loại tài nguyên biển.

Trong những năm gần đây, Ninh Thuận đã có nhiều biện pháp huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, nhờ vậy ngành du lịch có mức tăng trưởng cao. Nắm bắt thế mạnh trên, các nhà đầu tư đã và đang xây dựng các dự án du lịch quy mô lớn như: Công ty Cổ phần Mũi Dinh Ecopark; Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên; Công ty Cổ phần Ninh Chữ Bay… góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện của cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. [7]

Phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay  (Nghiên cứu trường hợp Ninh Thuận) - Ảnh 1.

Ninh Thuận có nhiều tiềm năng về du lịch khi sở hữu bờ biển dài, được mệnh danh là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.

Ngoài việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh kết hợp phát triển các loại hình thương mại, tỉnh Ninh Thuận còn đẩy mạnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho du khách. Chú ý yếu tố môi trường du lịch xanh, sạch, thân thiện với sự chung tay của cả cộng đồng cũng là những lý do khiến Ninh Thuận luôn là một địa chỉ tin cậy của du khách.

Nhờ phát huy tiềm năng lợi thế cũng như có sự đầu tư từ các cấp chính quyền, du lịch biển Ninh Thuận, tuy sinh sau đẻ muộn hơn nhưng đã có bước phát triển đáng kể. Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với lượng du khách đến tỉnh hằng năm trung bình khoảng 1,7 triệu đến 2,1 triệu lượt, tăng bình quân 20,6%/ năm trong giai đoạn 1992 - 2021. Đỉnh điểm là năm 2019 – thời điểm chưa có dịch COVID, Ninh Thuận có tổng số du khách đạt đến 2,35 triệu người.

Tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản

Phát triển đánh bắt, khai thác thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân đồng thời đóng góp vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trong những năm qua, do được đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại; ngư trường được mở rộng sang phía Đông Trường Sa nên sản lượng hải sản khai thác tăng lên hơn 124 ngàn tấn vào năm 2021, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay  (Nghiên cứu trường hợp Ninh Thuận) - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Internet)

Ninh Thuận cũng tập trung phát triển nuôi trồng thủy hải sản với chủ trương phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống. Hiện tỉnh thành là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản với trên 350 cơ sở đang hoạt động, sản lượng năm 2016 đạt 21,9 tỷ con giống, tăng gấp 219 lần so với năm 1992. Hàng năm cung ứng 20-25% sản lượng sản xuất của cả nước và tiếp tục giữ vững vị trí là trung tâm giống lớn nhất của cả nước.

Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng cá, bến cá với cảng cá. Đến nay các cảng cá, bến cá đã phát huy hiệu quả tích cực, có khả năng tiếp nhận khoảng 3.200 tàu cá các loại, đáp ứng tốt nhu cầu neo đậu, tránh trú bão và tiêu thụ sản phẩm của tàu thuyền trong và ngoài tỉnh; hàng năm có hơn 21 nghìn lượt tàu thuyền cập cảng và trên 21 nghìn tấn hàng hóa qua cảng.

Tiềm năng phát triển công nghiệp biển, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp ven biển

Phát triển công nghiệp biển đang có những chuyển biến tích cực, tỉnh Ninh Thuận đã chủ trương phát triển công nghiệp nhằm đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế về biển để phát triển công nghiệp. Đến cuối năm 2021, có 55 dự án công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 23.824,2 tỷ đồng biển được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Tỉnh Ninh Thuận hiện là nơi tập trung xây dựng các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu với công suất 8.000 tấn/năm, dự án sản xuất và xuất khẩu muối Quán Thẻ có quy mô 2.510ha, sản lượng lên đến 500 ngàn tấn/năm, dự án sản xuất chế biến muối cao cấp và muối iốt quy mô 200 ngàn tấn/năm và dự án Nhà máy chế biến rong sụn công suất 3.000 tấn/năm. Tổng sản lượng hải sản chế biến xuất khẩu năm 2016 đạt 7.141 tấn, tăng gấp 10,3 lần so năm 1992; giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2016 đạt 3.214 tỷ đồng, tăng 23,3 lần so năm 1992, trong đó công nghiệp biển chiếm 53,2% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.

Khuyến nghị các giải pháp phát triển kinh tế biển cho Ninh Thuận

Thứ nhất, cần có chính sách quy hoạch cụ thể và tập trung phát triển kinh tế biển dựa trên lợi thế sẵn có và tài nguyên du lịch của Ninh Thuận. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông quảng bá vị thế, tiềm năng của biển nước ta nói chung và của tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Tập trung việc quảng bá Ninh Thuận cũng như những thương hiệu sản phẩm có lợi thế của địa phương bằng sức mạnh truyền thông báo chí (kể cả mạng xã hội và hình thức mới) nhằm thu hút đầu tư, phát triển thương mại tại tỉnh. Ninh Thuận cần xây dựng chiến lược phát triển biển đảo cùng các địa phương có biển đảo khác gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển đảo quốc gia các giai đoạn.

Thứ hai, nghiêm túc đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển nhằm học hỏi và phát triển kinh tế biển nước ta.

Thứ ba, chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao nhằm góp phần cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, chủ quyền vùng biển. "Chú trọng cả đào tạo trong nước, và cử người đi đào tạo ở nước ngoài một số ngành liên quan đến luật quốc tế về biển đảo, tài nguyên môi trường, du lịch biển đảo, xây dựng logistic, kho vận, cho thuê cảng biển, quản lý biển đảo..." [8] để đáp ứng nhu cầu giai đoạn mới.

Thứ tư, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển đảo, các công trình hạ tầng thiết yếu ở Ninh Thuận, bao gồm cảng biển, sân bay, đường giao thông. Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch nhằm tạo nghề, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động.

Thứ năm, tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cần nâng cao nhận thức của người dân, cũng như du khách về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Cần quy định rõ bằng văn bản có tính quy phạm, chế tài các vi phạm môi trường, kể cả vi phạm an ninh biển đảo với các hình thức đủ sức răn đe cả về phạt nặng tài chính, hành chính, hình sự...

Kết luận

Từ lý luận và thực tiễn cho thấy, kinh tế biển đang và sẽ là xu hướng phát triển của toàn thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Việc phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng vừa là một nhiệm vụ quan trọng vừa là một xu thế tất yếu của thế giới. Với nhiều tiềm năng và lợi thế về biển, Ninh Thuận và các tỉnh thành cần xác định rõ kinh tế biển là động lực chính để xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh thành, gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để phát triển cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp cũng như người dân, từ đó đưa ra các kế hoạch và lộ trình dài hạn nhằm xây dựng các chiến lược, hướng đến khai thác và quản lý biển, đảo một cách bền vững./.

Tài liệu tham khảo

1. https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/dua-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-manh-ve-bien-giau-tu-bien-557878.html

2. https://ninhthuan.gov.vn/portal/Pages/2022-1-19/Nghi-quyet-ve-phat-trien-kinh-te-bien-den-nam-20255dtfv2.asp

3. Dương Kim Thâm, Hoàng Minh Lỗ, Lương Hải Tân (1990). Chiến lược khaithác biển của Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp vật lý HoaTrung

4.http://ec.europa.eu/maritimeaffairs/documentation/s tudies/documents/economic_effects_ maritime_spatial_planning_en.pdf.

5. PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Về chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 7- 2007

6.https://www.thiennhien.net/2022/02/25/kinh-te-bien-la-trong-tam-phat-trien-ben-vung-trong-tuong-la

7. http://www.baohoabinh.com.vn/305/164518/Ninh-Thuan-khai-thac-tiem-nang,-loi-the-ve-bien.htm

8. Lê Thanh Bình, Truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb. Chính trị quốc gia 12/2021, tr.234.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2022)

Bài liên quan
  • Đưa dịch vụ công trực tuyến đến đồng bào dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận
    Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tuy nhiên, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), khả năng tiếp cận và sử dụng DVCTT còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở các tỉnh như Ninh Thuận, nơi tập trung đông đồng bào DTTS.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay (Nghiên cứu trường hợp Ninh Thuận)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO