Phát triển kinh tế số Việt Nam cần giảm tải chính sách quản lý dịch vụ Internet

Hoàng Linh| 17/02/2022 16:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Với mong muốn thúc đẩy chính sách quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được được xây dựng dựa trên hài hòa lợi ích kinh tế, an toàn thông tin quốc gia, cộng đồng, ngày 17/2, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cùng với Liên minh Internet châu Á (AIC) đồng tổ chức toạ đàm xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên Internet thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ

Tại toạ đàm, bà Vũ Thị Hồng Yến, luật sư thành viên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Việt Nam hiện có 1.706 trang tin điện tử tổng hợp được cấp phép, 829 mạng xã hội (MXH) được cấp phép, 1.000 trò chơi điện tử được cấp quyết định duyệt nội dung và 9.756 trò chơi điện tử trên mạng được cấp giấy xác nhận thông báo phát hành, 501 giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

Phát triển kinh tế số Việt Nam cần giảm tải chính sách quản lý dịch vụ Internet - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự toạ đàm

Việt Nam cũng có sự phát triển của nền tảng truyền thông MXH khi bùng nổ về số lượng nội dung được tạo ra trên các nền tảng MXH (Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram); 2,78 tỉ lượt tải về từ kho ứng dụng điện thoại (phần lớn từ App Store và Google Play), với các ứng dụng nội dung (Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, Netflix...) lọt vào vị trí dẫn đầu của 10 ứng dụng được tải nhiều nhất.

Thị trường trò chơi điện tử trên mạng đầy triển vọng khi doanh thu thị trường lên tới 522 triệu USD; thị trường có 20.000 người lao động (trong năm 2020).

Theo ông Michael Mindel, chuyên gia kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch Viện Chính sách Tiến bộ (PPI) Hoa Kỳ, PPI ước tính vào tháng 2/2022, nền kinh tế ứng dụng Việt Nam bao gồm 72.000 lao động. Ước tính hiện tại của PPI tăng 18% so với ước tính 61.000 vào tháng 7/2020 và tăng 69% so với ước tính 42.500 vào tháng 12/2017 của PPI. Ước tính dựa trên phân tích PPI về dữ liệu công khai về danh sách việc làm từ vn.indeed.com.

Vào tháng 2/2022, PPI ước tính hệ sinh thái iOS bao gồm 54.500 việc làm và hệ sinh thái Android tạo ra 60.900 việc làm trong nền kinh tế ứng dụng tại Việt Nam. Lưu ý rằng những chia sẻ này chiếm hơn 10%, bởi vì nhiều tin tuyển dụng chỉ định nhiều hơn một hệ điều hành di động (tức là đang tìm kiếm một nhà phát triển iOS/Android). Do đó, một công việc duy nhất có thể thuộc về nhiều hệ sinh thái.

Ông Michael cũng nhận định nền kinh tế ứng dụng Việt Nam rất đa dạng. Kể từ tháng 2/2022, SKARGON, một startup game tại TP. Hồ Chí Minh, đang thuê một nhà phát triển trò chơi cho cả hai nền tảng iOS và Android. Ominextis tuyển các nhà phát triển thiết bị di động iOS/Android tại Hà Nội để giúp "các tập đoàn lớn của Nhật Bản xây dựng các sản phẩm sức khỏe hướng đến hàng triệu người dùng ở cả thị trường Nhật Bản và Việt Nam".

FuelCloud, một công ty quản lý nhiên liệu dựa trên đám mây, đang thuê một nhà phát triển iOS tại TP. Hồ Chí Minh. FPT Software tại Hà Nội đang tuyển một nhà phát triển Android "trong lĩnh vực ô tô".

"Chúng tôi dự đoán rằng nhu cầu toàn cầu đối với nhân viên kinh tế ứng dụng Việt Nam sẽ tiếp tục rất mạnh. Nhu cầu toàn cầu về các ứng dụng di động mới đang tăng cao, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ô tô, giao thông vận tải và sản xuất kỹ thuật số", ông Michael cho hay.

Khuyến nghị hoàn thiện chính sách thúc đẩy kinh tế số

Trước sự bùng nổ của các dịch vụ nội dung số, đóng góp lớn không chỉ cho khu vực kinh tế số nói riêng, mà toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung, ông Nguyễn Minh Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VDCA cho biết theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, kinh tế số được kỳ vọng chiếm tỷ trọng 20% GDP đến năm 2025.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển hạ tầng số, Chủ tịch VDCA cho biết Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số trong đó có chính sách pháp luật đối với các dịch vụ Internet, như dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới, điện toán đám mây (ĐTĐM), trò chơi điện tử, mạng xã hội thể hiện trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72 năm 2013.

Nghị định 72/2013/NĐ-CP là văn bản pháp luật quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định này được biết đến như văn bản pháp luật chủ đạo về Internet ở Việt Nam.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh bao gồm: (i) việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; (ii) bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin; (iii) quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân (trong nước và nước ngoài) tham gia các hoạt động (i) và (ii).

Sau 2 lần được đăng công khai để lấy ý kiến vào tháng 7/2021 và tháng 11/2021, Dự thảo Nghị định đang được Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện những bước cuối để trình Chính phủ.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), VDCA cho biết các doanh nghiệp (DN) truyền thông số hoan nghênh Bộ TT&TT có những bước đi tích cực trong chuyện thúc đẩy, xử lý và làm lành mạnh hoá môi trường thông tin ở trên Internet thông qua việc nhắc nhở, truyền thông, thông tin cũng như là đưa ra các quy định mới ở trong Dự thảo Nghị định sửa đổi. Tuy nhiên, các DN trong Ngành cũng đề cập một số lo ngại về các quy định có thể tạo ra những gánh nặng về thực thi quy định cho DN.

Liên quan đến dữ liệu, trung tâm dữ liệu (TTDL), lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, Bộ TT&TT đang có thay đổi tích cực về quản lý dữ liệu. Tại hội thảo về Luật Viễn thông sửa đổi và đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số ngày 14/2, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết kinh doanh dữ liệu sẽ được nhìn nhận như một ngành kinh doanh hạ tầng. Tương tự các dịch vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bô Công an đang có điều chỉnh về mặt văn bản.

Theo đó, IPS khuyến nghị đối với chương quy định về dịch vụ dữ liệu, lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam thì nên đưa vào luật Viễn thông sửa đổi và quy định pháp lý liên quan đến dữ liệu người dùng thì nên tuân thủ theo hướng của Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong Nghị định 72 sửa đổi chỉ cần đưa ra nguyên tắc là khi có hoạt động vi phạm thông tin xảy ra và có các văn bản từ phía cơ qua nhà nước thì các đơn vị cung cấp nội dung thông tin, TTDL có nghĩa vụ phải đáp ứng yêu cầu chứ không nên quy định dữ liệu phải ở đâu mà nên để các DN nội dung số tuỳ chọn lưu trữ dữ liệu ở đâu.

Ông Đồng cũng khuyến nghị cần giảm tải mục tiêu chính sách trong Nghị định 72. Dự thảo Nghị định 72 đang dài, phức tạp vì phải ôm quá nhiều các mục tiêu chính sách và nhiều vấn đề khác tạo nên sự quá sức, ví dụ các mục tiêu nội dung về chống vi phạm bản quyền, quản lý doanh thu thuế, bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân… mà đang nằm trong các văn bản quy phạm khác, theo đó, nên san sẻ mục tiêu quản lý sang các văn bản quy phạm pháp luật khác, chứ không nên ôm hết để tránh tạo ra nhiều quy định ràng buộc, tạo ra gánh nặng tuân thủ cho DN.

Cũng theo ông Đồng, Dự thảo Nghị định 72 hiện tại đang chú trọng khá nhiều nghĩa vụ và biện pháp hành chính. Tuy nhiên, ở trên môi trường số chúng ta cần tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng các quan hệ gọi là tư pháp thay cho hành chính. Ví dụ một người bị tấn công cá nhân xúc phạm thay vì khiếu nại đến Bộ TT&TT thì sử dụng các cơ chế tư pháp như kiện ra toà để xử lý các vi phạm.

Ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành AIC cho biết các nguyên tắc cơ bản cho một khung khổ pháp lý hiệu quả, gồm: pháp quyền; quy định pháp lý rõ ràng; linh hoạt (để đáp ứng với sự thay đổi của công nghệ); công bằng và minh bạch.

Một số dự thảo quy định của Nghị định còn khắt khe, rộng và chưa rõ, một số yêu cầu vượt khả năng thực hiện đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Những quy định này sẽ tác động tiêu cực tới các công ty trong nước và nước ngoài, người sử dụng dịch vụ và nền kinh tế số của Việt Nam.

Đối với yêu cầu địa phương hóa dữ liệu (Điều 44.i.3 và 44.k.4 của Dự thảo), các công ty Việt Nam có thể sẽ mất đi những dịch vụ mà họ đang sử dụng để phục vụ khách hàng Việt Nam và quốc tế; gây gián đoạn dịch vụ nghiêm trọng; phá vỡ các mô hình kinh doanh trong nước và quốc tế; làm suy yếu quyền riêng tư và tính bảo mật; trái với các mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số; trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam (ví dụ WTO, CPTPP) và làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam

Nhìn chung, ông Jeff Paine cho rằng điều quan trọng là phải xây dựng được quy định phù hợp và có hiệu quả. Để đạt mục tiêu đó, phải có cách tiếp cận phù hợp với mục tiêu mà chúng ta đang mong muốn. Một quy định tốt sẽ thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST). Thủ tướng Singapore đã luôn luôn mong muốn và có khát vọng thúc đẩy tiềm năng ĐMST của Singapore. Để đạt được mục tiêu đó các khuôn khổ pháp lý cần phải được xây dựng theo một cách thúc đẩy nền tảng ĐMST cho Singapore.

Phát triển kinh tế số Việt Nam cần giảm tải chính sách quản lý dịch vụ Internet - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia: COVID-19 buộc các cá nhân và DN trên toàn thế giới phải phụ thuộc vào điện thoại thông minh và ứng dụng di động của họ cho các hoạt động quan trọng hàng ngày.

Việt Nam cần khai thác lợi thế kinh tế ứng dụng

Để tận dụng nền kinh tế ứng dụng, ông Michael Maiden cho rằng nền kinh tế ứng dụng toàn cầu là một nguồn nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ cho các quốc gia như Việt Nam. Các quốc gia sẽ cạnh tranh để giành lấy thị trường phát triển ứng dụng di động toàn cầu đang phát triển nhanh chóng dựa trên sự dễ vận hành và cấu trúc chi phí của họ.

Những người chiến thắng lớn sẽ tạo ra một số lượng lớn "xuất khẩu" nền kinh tế ứng dụng và việc làm trong nền kinh tế ứng dụng được trả lương cao. Với những chính sách phù hợp, việc làm trong nền kinh tế ứng dụng Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng.

COVID-19 buộc các cá nhân và DN trên toàn thế giới phải phụ thuộc vào điện thoại thông minh và ứng dụng di động để thực hiện các hoạt động quan trọng hàng ngày. Mọi người đã sử dụng các ứng dụng di động của họ để mua sắm, để giao tiếp với bạn bè và gia đình, và thậm chí để làm việc. Các nhà phát triển ứng dụng cần nhanh chóng tạo ra các ứng dụng mới để đáp ứng nhu cầu của đại dịch và đưa chúng vào các cửa hàng ứng dụng.

Theo công ty nghiên cứu App Annie, các nhà phát triển đã tung ra 2 triệu ứng dụng mới trong năm 2021.Việc làm của các nhà phát triển ứng dụng và các công việc khác liên quan đến ứng dụng tăng vọt trong thời kỳ đại dịch.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết để môi trường pháp lý đáp ứng phát triển thì chính sách cần phải cập nhật nhanh, kịp thời. Điểm quan trọng của ban hành văn bản pháp lý là hiệu quả của việc vận hành môi trường pháp lý, chứ không chỉ đơn thuần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật nên hiệu quả vận hành phải được điều chỉnh nhanh trên cơ sở cập nhật tình huống pháp lý cũng như các biện pháp xử lý./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế số Việt Nam cần giảm tải chính sách quản lý dịch vụ Internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO