Truyền thông

Phát triển mô hình “làng thông minh” – mục tiêu của Chiến lược nông thôn mới

Quỳnh Trang 21:56 11/09/2023

Định hình nông thôn thông minh thông qua xây dựng mô hình "làng thông minh" trong bức tranh tổng thể Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn là một bước quan trọng thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn tại Việt Nam hiện nay.

Mục tiêu nông thôn thông minh không chỉ là áp dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, mà ở đó chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được chú trọng cải thiện, tạo sự cân bằng xã hội và phồn thịnh lâu dài.

Lợi ích của việc áp dụng mô hình “làng thông minh”

"Làng thông minh" được đề cập đến như một hình mẫu cộng đồng tại các vùng nông thôn, bao gồm các khu xóm, thôn và xã; các nền tảng công nghệ kỹ thuật số được sử dụng, hướng tới việc tận dụng tiềm năng và cơ hội địa phương.

Tại "làng thông minh", dân cư được tạo điều kiện sống tốt hơn, thông qua kết nối công nghệ và tiện ích xã hội tốt hơn nhằm tối ưu hóa chất lượng cuộc sống. Bằng cách tạo ra một môi trường sống hấp dẫn, "làng thông minh" cung cấp động lực cho sự phát triển đa dạng và bền vững trên nhiều lĩnh vực như: ứng dụng công nghệ kết nối để có nông nghiệp thông minh, du lịch truyền thống phù hợp phong cách du lịch mới (đặt tour, homestay, du lịch cộng đồng, ẩm thực, thanh toán không tiền mặt …qua Internet), môi trường được quan trắc, giám sát và báo cáo hàng ngày, sức khoẻ người dân và du khách được đảm bảo (y tế thông minh).

Theo các chuyên gia của Hợp tác xã Nông nghiệp số, nhìn vào các mô hình "làng thông minh" trên toàn cầu thì, nếu bắt đầu triển khai mô hình này theo cách riêng biệt và phù hợp với tình hình Việt Nam ngay từ bây giờ, chúng ta có thể tiến gần hơn tới phạm vi thế giới. Điều này giúp cải thiện đời sống của cư dân nông thôn và thu hẹp khoảng cách với những tiêu chuẩn quốc tế.

“Làng thông minh” mang lại nhiều lợi ích trong Chiến lược xây dựng nông thôn mới.

Quá trình xây dựng "làng thông minh" và kết nối xã ở Việt Nam cần tập trung lấy con người làm trung tâm, hướng đến phục vụ con người, xây dựng các kết nối tối ưu, hiệu quả và toàn diện nhất giữa con người. Theo hướng này, mô hình "làng thông minh" và xã kết nối sẽ bao gồm các yếu tố: hạ tầng thông minh để con người được hưởng lợi từ sự phát triển, con người được đào tạo chuyên nghiệp, chính quyền cải thiện trong quản lý và tổ chức thông minh, tiện ích dễ dàng sử dụng và hiện đại hóa trong nông nghiệp và các dịch vụ liên quan.

Trong Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, tiêu chí “làng thông minh” dựa trên đào tạo nông dân thông minh, nông dân số đã được coi là một trong những mục tiêu trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kết quả đạt được tại một số mô hình thí điểm làng thông minh

Mô hình “làng thông minh” tại Việt Nam đang tiến hành các bước khởi đầu giai đoạn 2020-2025 và hướng tới tầm nhìn 2030-2045. Dự kiến, các “làng thông minh” nông thôn sẽ không chỉ đạt ngang tầm thành thị về khả năng sản xuất, năng suất lao động, tính cạnh tranh mà còn cung cấp dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho cư dân, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc đưa công nghệ số vào trọng tâm các giải pháp phát triển nông thôn mới. Công nghệ số sẽ giúp tiếp cận các kỹ năng đọc viết điện tử, tiếp cận với y tế điện tử và các dịch vụ cơ bản khác, các giải pháp sáng tạo cho vấn đề môi trường, ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào chất thải nông nghiệp, quảng bá các sản phẩm địa phương và truy suất nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ .... Ứng dụng hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời; Ứng dụng quản lý trang trại nông nghiệp thông minh, kiểm soát dịch bệnh; Xây dựng các app ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận và xử lý ý kiến đóng góp của người dân đối với các lĩnh vực trong sản xuất, đời sống, xã hội....

Qua đó, có thể thấy công nghệ kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo đã hỗ trợ chất lượng cuộc sống, mức sống cao hơn; dịch vụ công cộng cho công dân, sử dụng tài nguyên tốt hơn, ít tác động đến môi trường hơn và cơ hội mới cho chuỗi giá trị nông thôn về sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số thử nghiệm mô hình "làng thông minh" tại một số địa phương như: xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên tỉnh Bình Dương); xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp); xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) và xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)...

Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vốn dựa chủ yếu vào phát triển nông nghiệp, được lựa chọn là địa phương đầu tiên của tỉnh Bình Dương thực hiện "Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 kết hợp với triển khai mô hình thử nghiệm làng thông minh". Từ năm 2022, Bạch Đằng đang trải qua sự thay đổi đáng kể hàng ngày, thu nhập bình quân cá nhân trên toàn xã đạt trên 76 triệu đồng/năm; cơ sở hạ tầng được thực hiện đầu tư đồng bộ và mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới rõ rệt của xã nông thôn mới.

Ông Nguyễn Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho biết: “Trong thực hiện Đề án xây dựng làng thông minh, phụ nữ đóng một vai trò rất quan trọng, nhất là góp phần trong việc tạo môi trường xanh, sạch, đẹp qua các hoạt động như phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng đường hoa… gắn với triển khai Cuộc vận động xây dựng "gia đình 5 không, 3 sạch". Bên cạnh đó, hội viên phụ nữ còn góp phần vào việc lan tỏa, nâng cao các hoạt động văn hóa, văn nghệ”.

Đến nay, hệ thống mạng lưới giao thông ấp liên kết với 37 tuyến đường đã được nâng cấp thành đường bê tông hoặc đường nhựa và được trồng thêm hoa, cây xanh hai bên đường, tạo cảnh quan tươi đẹp. Ngoài ra, xã còn phát triển vườn bưởi VietGap, có áp dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đảm bảo chất lượng và nguồn gốc. Đồng thời, xã cũng đã tiến hành đầu tư mạng điện chiếu sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn LED trên một số tuyến đường, mang lại sự an toàn và thẩm mĩ. Các điểm wifi công cộng được lắp đặt giúp cung cấp dịch vụ kết nối Internet cho người dân nhanh chóng truy cập tiếp cận thông tin mới.

nong-thon-moi.jpg
Tuyến đường hoa rực rỡ của “làng thông minh” xã Bạch Đằng.

Một ví dụ khác, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư xây dựng một hệ thống quản lý và điều hành thông minh tại xã Quảng Thọ, như: lắp đặt các điểm phát wifi miễn phí tại 8 thôn; lắp đặt các 20 camera an ninh, trong đó có 3 camera thông minh giám sát các tuyến đường chính, cơ quan, trường học và kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ và hạ tầng.

Ngoài ra, tại nhiều huyện khác của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đạt được kết quả khả quan trong đẩy mạnh mô hình “làng thông minh”, góp phần cải thiện cuộc sống của cư dân, giúp người dân chủ động ứng phó với thiên tai, giám sát môi trường nuôi trồng thủy hải sản, thúc đẩy kinh tế và xã hội thông qua du lịch thực tế ảo. Đặc biệt, mô hình này còn đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng mô hình “làng thông minh”

Trong quá trình thí điểm, mô hình "làng thông minh” còn gặp nhiều khó khăn như việc chưa hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật để định rõ tiêu chí và quy trình xây dựng “làng thông minh”. Cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn vẫn ở quy mô nhỏ và phân tán, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các công nghệ cao và công nghệ số. Việc đồng thời áp dụng nhiều nền tảng số cũng không phù hợp với tình hình hạ tầng, văn hóa, phong cách canh tác và sản xuất truyền thống của nông dân. Chất lượng nguồn nhân lực ở nhiều khu vực nông thôn vẫn chưa đủ để thích nghi với công nghệ tiên tiến. Khả năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân tại nhiều vùng còn hạn chế và trình độ thấp, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Tuy vậy, việc mở rộng mô hình "làng thông minh" vẫn là mục tiêu quan trọng trong chiến lược xây dựng nông thôn mới, nông thôn số. Các nước phát triển, đặc biệt khu vực châu Âu, đã từ lâu nhận ra giá trị của việc xây dựng "làng thông minh" như một cách để hiện đại hóa khu vực nông thôn. Điều này cũng hỗ trợ giải quyết những thách thức như sự già hóa dân số và khả năng tiếp cận dịch vụ công.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc thí điểm mô hình "làng thông minh" tại Việt Nam và sự học hỏi từ các nước khác trên thế giới, các Bộ, ngành cần phối hợp để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm xây dựng và lan tỏa mô hình này trên toàn quốc. Vấn đề quan trọng lúc này là việc đào tạo công nghệ thông tin cho bà con các vùng nông thôn để có thể sử dụng phương tiện, công nghệ, áp dụng kiến thức khoa học-kỹ thuật vào mọi lĩnh vực. Ngoài ra, việc áp dụng và chuyển đổi số ở nông thôn cũng cần thích ứng với tập quán, văn hóa cộng đồng và sự phát triển kinh tế-xã hội vùng, tránh việc áp đặt một mô hình cố định mà thay vào đó, cần tạo ra sự linh hoạt dựa trên điều kiện địa phương.

Bài liên quan
  • Hà Nội chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh
    Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, Hà Nội đã và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mô hình “làng thông minh” – mục tiêu của Chiến lược nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO