Phát triển nghề nuôi nghêu trở thành nghề chủ lực tại Việt Nam
Xuất khẩu nghêu (ngao) Việt Nam ra thị trường thế giới đang tăng mạnh. Để phát triển nghề nuôi nghêu trở thành nghề chủ lực, nước ta cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề xây dựng, phát triển cơ sở, vùng sản xuất giống, nuôi nhuyễn thể an toàn dịch bệnh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhu cầu thị trường thế giới liên tục tăng
Với tiềm năng đường bờ biển dài trên 3.260 km với nhiều bãi cát và vùng sinh cảnh thuận lợi cho nghêu phát triển và trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Nghêu Việt Nam, đặc biệt là dòng nghêu trắng Meretrix Lyrata có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới vì chúng ta đã phát triển nuôi được ở hầu hết các tỉnh ven biển và ngày càng nâng cao công nghệ sản xuất. Nghêu trắng Việt Nam có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới.
Việt Nam hiện có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó nghêu (ngao) đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng nhuyễn thể đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với mặt hàng nghêu sẽ tiếp tục tăng.
Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 56 thị trường. EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất, chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam.
Trong đó EU chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu, đến Hoa Kỳ chiếm 13%, thứ ba và thứ tư thuộc về Singapore và Nhật Bản. Năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam mang về gần 150 triệu USD, riêng nghêu chiếm 70%, đạt 104,5 triệu USD.
Đứng trước nhiều thách thức
Nhu cầu thị trường quốc tế về các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ rất cao. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch nghêu ở nước ta chưa đáp ứng đủ các đơn đặt hàng từ EU. Nguyên nhân do, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm này tại EU chưa nhiều; sản phẩm thiếu đa dạng, và ít giá trị gia tăng; khâu quảng bá, phát triển thương hiệu, thị trường còn hạn chế.
Theo ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngành nuôi nghêu hiện nay gặp một số khó khăn như giống tự nhiên chưa đủ, chất lượng giống giảm; đất bãi bồi chưa được giao chính thức, chưa ổn định; mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chưa được tổ chức tốt và chưa có hiệu quả; thiếu thông tin thị trường và khả năng xúc tiến thương mại chưa cao. Đồng thời, nghêu là loài ăn lọc nên có những rủi ro nhất định; hiện nay chưa có cơ sở chế biến nghêu tại địa phương...
Thách thức đối với ngành sản xuất nghêu giống tại các địa phương là hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất theo kinh nghiệm nên sản lượng không ổn định, chất lượng không đồng đều, dễ bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi thời tiết và thiên tai,...
Nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2019, hầu hết bãi nghêu tại 03 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang đã thể hiện xu hướng thu hẹp về diện tích và thay đổi vị trí phân bố theo hướng ra xa bờ hơn; tỷ lệ giảm diện tích trung bình tại 03 tỉnh là 21,7%; mật độ và sinh lượng cũng giảm. Điều này đang gây cản trở lớn để phát triển sản xuất ở 3 địa phương có thế mạnh sản xuất nghêu của cả nước.
Nỗ lực đưa con nghêu thành sản phẩm chủ lực
Để đảm bảo tính bền vững của thị trường xuất khẩu, con nghêu Việt cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố về chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 3 vùng nuôi nghêu đạt chứng nhận ASC. Đây cũng là 3 vùng nuôi nghêu được cấp chứng nhận ASC duy nhất trên thế giới.
Để một sản phẩm mang nhãn sinh thái ASC, tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng bao gồm: bộ xử lý, thương nhân, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ… phải được chứng nhận Chuỗi sản phẩm ASC. Chứng nhận cho chuỗi sản phẩm ASC cho phép các đơn vị thủy sản chứng minh rằng các sản phẩm của họ có thể nhận dạng được, tách biệt với các sản phẩm không được chứng nhận và có thể truy nguyên nguồn gốc từ các nguồn được chứng nhận ASC.
Quan tâm, định hướng nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở các vùng trọng điểm của ngành thủy sản cả nước, đặc biệt nuôi nghêu tập trung tại các địa phương: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (phía Bắc); Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh (phía Nam).
Tập trung phát triển vùng nuôi được kiểm soát về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo ra vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn HACCP và ứng dụng qui phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP) vào sản xuất nhằm đảm bảo sản xuất ra sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần thu hẹp khoảng cách giữa người nuôi nghêu và doanh nghiệp xuất khẩu nghêu. Nhiều năm vừa qua, người nuôi nghêu tại Việt Nam thường bị thương lái ép giá với những lý do như nghêu chưa sạch cát. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tốn kinh phí trong làm sạch cát tại nhà máy (chi phí nhân công, chi phí bơm nước, muối...) và cũng khó trong tiếp cận nguồn nghêu sạch từ bãi nuôi/hộ dân.
Nhiều vùng sản xuất sản phẩm không đảm bảo kích cỡ, tỉ lệ thịt và vỏ thấp do con giống có dấu hiệu thoái hóa nguồn gen, mật độ thả nuôi quá nhiều. Vì vậy, các cơ sở nuôi cần tuân thủ các khuyến cáo về mùa vụ, mật độ nuôi các biện pháp quản lý môi trường nuôi để hạn chế thiệt hại khi xuất hiện thời tiết cực đoan và tác nhân gây bệnh.