Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công tại Việt Nam

Thanh Bình, Hoàng Oanh| 25/09/2021 16:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Qua 05 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam (giai đoạn 2016-2020) hoạt động TTKDTM tại Việt Nam nói chung và đối với dịch vụ công nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn mới, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này.

Ghi nhận chuyển biến tích cực

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong những năm qua, hệ thống TTKDTM tại Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức. Tính đến giữa  năm 2020, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại (NHTM) và 06 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp triển khai thanh toán với khoảng 80 nghìn điểm QR Code.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM được chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như: công nghệ xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Cùng với đó, tổng giá trị TTKDTM tăng lên đáng kể và trở thành xu hướng thanh toán trong nền kinh tế, với việc các phương thức TTKDTM không ngừng tăng mạnh, việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong 05 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị.

Số lượng thiết bị ATM tăng 3,61% và POS/EFTPOS/EDC tăng 0,44% so với cùng kỳ 2019; giá trị giao dịch  ATM tăng 0,44% và POS/EFTPOS/EDC tăng 2,40% so với cùng kỳ 2019, số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng 102.47% và  116.71% so với cùng kỳ 2019.

Đối với dịch vụ công, hoạt động TTKDTM cũng đạt được một số kết quả. Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã luôn chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị triển khai và phát triển hệ thống TTKDTM đối với các dịch vụ công như thu ngân sách nhà nước (NSNN).

KBNN đã triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN, chia sẻ dữ liệu thu và tổ chức phối hợp thu NSNN bằng điện tử với với ngân hàng thương mại hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; thu phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (qua Cổng Dịch vụ công quốc gia); trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (đối với các địa phương tương đối phát triển và có thể tiếp cận hệ thống máy ATM); thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các bộ, ngành trung ương (từ cổng thông tin của các tỉnh, thành phố thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia)…

Kết quả, từ năm 2019 đến năm 2020, thu chi bằng tiền mặt qua KBNN chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Năm 2019, số thu NSNN bằng tiền mặt qua KBNN chiếm 0,47% tổng thu qua KBNN (giảm 14% so với năm 2018); số chi NSNN bằng tiền mặt qua KBNN chiếm 2,96% tổng chi qua KBNN (giảm 43% so với năm 2018). Năm 2020, số thu NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chiếm 0,71% so với tổng thu qua KBNN (giảm 0,1% so với cuối năm 2019); số chi NSNN bằng tiền mặt qua KBNN chiếm 1,1% so với tổng chi qua KBNN (giảm 1,42% so với cuối năm 2019).

Bên cạnh các dịch vụ công được thu qua KBNN, các dịch vụ công khác như điện, xăng dầu, viện phí, học phí, bưu chính viễn thông, truyền hình cáp… cũng được tập trung phát triển phương thức TTKDTM.

Theo số liệu của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2019, trong cả nước, đã có 26 ngân hàng thương mại thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước sạch tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học; 06 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 05 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Và con số này đã tăng lên đáng kể trong năm 2020.

Một số kiến nghị đề xuất

Trên cơ sở những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến hoạt động TTKDTM, nghiên cứu kiến nghị một số giải pháp để phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trong giai đoạn sắp tới.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đồng bộ, đầy đủ để điều chỉnh các hình thức TTKDTM. Các cơ quan quản lý nhà nước, mà chủ trì là Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp để hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển thanh toán điện tử; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công.

Đồng thời, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công để tham mưu các giải pháp phù hợp trong tình hình mới.

Đặc biệt, có cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ; có hướng dẫn cụ thể, khả thi để các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng đúng quy định.

Bên cạnh đó, nâng cấp, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công.

Tăng cường sự chỉ đạo của các bộ, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công. Đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin nhằm quản lý dữ liệu tập trung. Phân công, phân nhiệm rõ ràng cho đầu mối phụ trách tại các đơn vị dịch vụ công.

Các ngân hàng thương mại và các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, tăng tốc độ thanh toán qua internet, đảm bảo tiện lợi trong giao dịch thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên các thiết bị di động khác, thanh toán qua QR Code, Tokenization.

Mặt khác, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục cho người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức TTKDTM. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO