Phát triển Y tế từ xa: Cần chuẩn hóa, tích hợp đồng bộ hệ thống ngành y tế

Đỗ Minh| 14/01/2022 09:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện cụ thể nội dung: Phát triển các nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa cho mọi người dân, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Khi thực hiện tốt yêu cầu nội dung trên, ngành Y tế sẽ thuận lợi, sớm về đích đạt mục tiêu trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS); đảm bảo tăng cường, tăng giá trị, quyền lợi cho cộng đồng, người dân được bảo vệ sức khỏe bệnh tốt nhất và thiết lập môi trường y tế số, y tế thông minh, công bằng, minh bạch, bền vững.

Nhân nói về các giá trị, lợi ích được tạo ra từ mô hình khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), Bác sĩ Vương Thành Huấn đã có những chia sẻ, kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế - điển hình thông qua là Dự án "Giúp tôi". Đồng thời, là người trong cuộc, gắn với quá trình thực hiện, vận hành dự án, bác sĩ Huấn đã đưa ra các đề xuất, giải pháp, tất cả vì sự phát triển mô hình này ngày một hiệu quả, thực chất, toàn diện hơn.

Telehealth - liều thuốc hiệu quả trong phòng, chống đại dịch bệnh

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, chúng ta đều biết, nghe, quen về dự án với tên gọi "Giúp tôi". "Giúp tôi!" ra đời tháng 5/2021 là một nền tảng kết nối cộng đồng theo yêu cầu để cung cấp trợ giúp cần thiết cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVD-19 hoàn toàn miễn phí. Ứng dụng là kênh giúp kết nối người dân và bác sĩ trong việc tư vấn, khám, chăm sóc sức khỏe từ xa mà không cần trực tiếp đến phòng khám, bệnh viện, chỉ cần thông qua chat hoặc cuộc gọi video.

Dự án được ra đời bởi sự góp sức của 4 công ty (STEAM for Việt Nam, GotIt! Việt Nam, Kompa Group, Filum), được Bộ TT&TT đồng ý bảo trợ và trở thành thành viên thuộc Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia quản lý.

Phát triển Y tế từ xa: Cần chuẩn hóa, tích hợp đồng bộ hệ thống ngành y tế - Ảnh 1.

"Giúp tôi" đã thực sự tạo được niềm tin cho người dân trong thời điểm đại dịch bệnh

Nhờ phương thức hoạt động linh hoạt trên cơ sở nền tảng, ứng dụng công nghệ số, ứng dụng đã giúp ích, giảm bớt gánh nặng cho y tế, tạo hiệu quả, thành công, tích cực trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trong những ngày đầu, giai đoạn cao điểm.

Góp phần hiểu rõ hơn về các giá trị, lợi ích đó, bác sĩ Huấn cho biết, tính hiệu quả luôn được phát huy, nhất là khi người dân khu vực TP. Hồ Chí Minh bị cách ly trong nhà.

"Khi mọi nguồn nhân lực y tế lúc đó luôn thiếu và Giúp tôi chính là kênh kết nối mọi nguồn lực cho nhu cầu người dân cần kết nối và một bên sẵn sàng kết nối về y tế, thông qua thiết bị điện thoại thông minh (smartphone)", bác sĩ Huấn nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Huấn, ứng dụng "Giúp tôi" phù hợp với mọi đối tượng người dân, dễ sử dụng và luôn đơn giản, phổ thông, giúp người dân sử dụng mọi nơi, mọi thời điểm chỉ cần đảm bảo điều kiện có kết nối Internet.

Cùng với đó, ở giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh, khi vắc-xin chưa bao phủ, tiêm chủng rộng rãi, khoảng cách giữ người dân và dịch bệnh rất gần vì không có hàng rào bảo vệ, do đó tâm lý dịch bệnh tăng theo chiều hướng tiêu cực. "Giúp tôi" ra đời như một liều thuốc để cân bằng, ổn định tâm lý cho mọi người dân tự giác, chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh tích cực, hiệu quả", bác sĩ Huấn cho biết.

Dẫn chứng thêm về nhận định này, bác sĩ Huấn cho biết kết quả đạt được chỉ trong một thời gian ngắn (3 - 4 tháng đầu sử dụng), ứng dụng thu hút được: 17.000 người dân đăng ký; 2000 nhân viên y tế được đào tạo; 6000 cuộc gọi, 7000 câu hỏi hỗ trợ khẩn cấp và không khẩn cấp.

"Đây chính là những con số nổi bật, biết nói, thể hiện nhu cầu cần, sự quan tâm lớn của của đông đảo cộng đồng, mọi người dân", bác sĩ Huấn đánh giá thêm.

Để có được những kết quả tích cực này, theo bác sĩ Huấn là do có sự nỗ lực từ: Ban cố vấn chiến lược chuyên môn (04 cố vấn chiến lược, 12 cố vấn chuyên môn); Ban điều hành ( 07 thành viên - mỗi thành viên phụ trách, quản lý một phòng/ban); nhân lực vận hành (300 tình nguyện viên – các tình nguyện viên đến từ 10 quốc gia, làm việc online).

Cũng theo bác sĩ Huấn, điều được coi là nhân tố quan trọng, tạo hiệu quả bền vững cho "Giúp tôi", chính là luôn đảm bảo thông tin người dùng khi được chia sẻ luôn được bảo mật tuyệt đối, chỉ phục vụ việc khám, tư vấn, hỗ trợ khám bệnh, không sử dụng cho các mục đích khác. "Đây chính là sự đảm bảo hiệu quả, tạo niềm tin cho mô hình khám, chữa bệnh từ xa, y tế số từ xa", bác sĩ Huấn nhận định.

Cần sự tham gia các cơ quan bảo hiểm

Bên cạnh những kết quả, lợi ích đạt được, qua hoạt động thực tế từ dự án này, bác sĩ Huấn cũng chỉ ra những khó khăn khi áp dụng mô hình khám, tư vấn, chữa bệnh Telehealth.

Cụ thể, dự án "Giúp tôi" gặp phải các khó khăn như: Nhân viên y tế (hạn chế chất lượng đầu vào, chất lượng tư vấn; thông tin cá nhân & bảo vệ nhân viên y tế; duy trì kết nối & nhận phản hồi); người dân (việc hỏi/nhận tư vấn không phù hợp & bảo vệ người dân; theo dõi, kiểm tra nọi dung trước đó; đối tượng đặc biệt trẻ em, người cao tuổi, người bệnh lý tâm thần…; câu hỏi thường gặp); kỹ thuật (các đặc tính ứng dụng cần đổi mới & thích nghi liên tục)...

Phát triển Y tế từ xa: Cần chuẩn hóa, tích hợp đồng bộ hệ thống ngành y tế - Ảnh 2.

Phát triển y tế Telehealth, không thể thiếu sự tích cực từ các cơ quan bảo hiểm cùng đồng hành

Để khắc phục những hạn chế này cũng như thúc đẩy mô hình khám, tư vấn, chữa bệnh Telehealth bền vững, hiệu quả hơn trong tương lai, bác sĩ Huấn đề xuất các giải pháp: Tích cực tuyên truyền nâng cao về nhận thức của mọi người dân để mọi người dân hiểu, ủng hộ, thích nghi; Nhà nước cần tăng cường tạo hành pháp lý, các quy định pháp luật, điều khoản sử dụng, quy mô áp dụng; cần chuẩn hóa, tích hợp đồng bộ hệ thống ngành y tế (Kê toa, bảo hiểm, chuyển đổi, vận hành, lưu trữ); bảo mật thông tin (quản lý & sử dụng dữ liệu); các bệnh viện cần cân đối, đầu tư ngân sách để mua sắm trang thiết bị, công nghệ và sớm xây dựng, phù hợp các mức giá, nguồn doanh thu.

Đặc biệt, bác sĩ Huấn cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để ngoài Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đơn vị bảo hiểm khác, trong đó có bảo hiểm tư nhân được quyền tham gia vào để việc thực hiện khám, chữa bệnh Telehealth đạt hiệu quả. "Hãy là Telehealth đúng với danh nghĩa thực thụ, đừng chỉ dừng lại là công nghệ học tập điện tử và là các dịch vụ y tế viễn thông (Telemedicine)", bác sĩ Huấn mong muốn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Y tế từ xa: Cần chuẩn hóa, tích hợp đồng bộ hệ thống ngành y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO