Chuyển đổi số

Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Mỗi người dân, doanh nghiệp cần có một trợ lý ảo

Dương Tùng 09/06/2025 15:25

Sáng 9/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

luat-cong-nghiep-090625.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp sáng 9/6. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chuyển nội dung quy định liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đầu tư trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số về quy định tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số chỉ quy định dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với các quy định liên quan đến Luật Thuế thu nhập cá nhân, hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đang quy định chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao.

Đây là các chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW. Theo dự kiến, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Do đó, để bảo đảm thể chế hóa kịp thời chính sách thu hút nhân tài trong các lĩnh vực của công nghiệp công nghệ số theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời Chính phủ không có ý kiến khác về nội dung quy định ưu đãi thuế thu nhập cá nhân trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với cơ quan chủ trì soạn thảo giữ quy định này tại dự thảo luật.

Về bổ sung quy định ưu đãi đối với một số dự án đầu tư đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định công nghiệp công nghệ số là công nghiệp nền tảng, cần có các cơ chế ưu đãi đặc thù, vượt trội về thuế, đất đai… để thúc đẩy phát triển; đặc biệt là các cơ chế để thu hút dự án công nghệ số chiến lược như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn. Do đó, để thể chế hóa chủ trương của Đảng và tiếp thu ý kiến của Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bổ sung quy định này và thể hiện như tại khoản 3 Điều 29.

Về cơ chế giám sát, kiểm soát trí tuệ nhân tạo, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với cơ quan chủ trì soạn thảo giữ nguyên quy định tại dự thảo Luật về việc kiểm soát rủi ro trong suốt vòng đời của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Yêu cầu về giám sát và kiểm tra đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao, tác động lớn được quy định tại khoản 3 Điều 46; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện nội dung này.

Về đào tạo nhân lực triển khai, sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo; về dán nhãn với hệ thống trí tuệ nhân tạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý các quy định thúc đẩy đào tạo nhân lực về công nghệ số; đã bổ sung quy định về dấu hiệu nhận dạng đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo - ông Lê Quang Huy trình bày.

Đánh giá cao dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng khuyến khích phát triển trí tuệ nhân tạo, lấy con người làm trung tâm; bổ sung các tiêu chí quản lý rủi ro và dấu hiệu nhận dạng rõ ràng cho sản phẩm trí tuệ nhân tạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc xây dựng luật là hết sức kịp thời, với mong muốn đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển trí tuệ nhân tạo, mỗi người dân, doanh nghiệp có một trợ lý ảo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan, không chồng chéo với luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công nghiệp công nghệ số phát triển.

Trong đó, cần làm rõ cơ chế ưu đãi cho ngành công nghiệp chiến lược như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, bảo đảm tính khả thi, kịp thời trong triển khai các chính sách hỗ trợ. Tăng cường các quy định về quản lý rủi ro, chuẩn bị kỹ lưỡng các nghị định hướng dẫn để bảo đảm luật được thông qua đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, tránh phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tăng cường truyền thông chính sách, lấy ý kiến rộng rãi từ các doanh nghiệp, tổ chức, người dân nhằm tạo sự đồng thuận và bảo đảm tính thực tiễn cao của các quy định.

"Để công nghiệp công nghệ số phát triển mạnh mẽ phải được sự ủng hộ từ người dân; người dân cung cấp dữ liệu, các tổ chức, đơn vị liên quan cung cấp dữ liệu mới có công nghiệp công nghệ số ở mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật cho phép Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền trong thời gian 2 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, trong bối cảnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đang “chạy” rất nhanh, việc quy định thời gian 2 năm là quá dài. "Chính phủ cần cố gắng, gấp rút hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để chính sách sớm đi vào cuộc sống", Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bộ KH&CN kiểm tra toàn diện công tác ứng phó bão Wipha tại Thanh Hoá
    Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long biểu dương và ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hoá trong công tác ứng phó với bão số 3 - Wipha.
  • 7 công bố đổi mới sáng tạo quan trọng của AWS
    Tại AWS Summit New York 2005 vừa diễn ra, AWS đã công bố một loạt những đổi mới sáng tạo quan trọng giúp các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng và triển khai các AI agent một cách bảo mật ở quy mô lớn.
  • Đại học Phenikka hướng tới mô hình Đại học đổi mới sáng tạo
    Mục tiêu của Đại học Phenikaa tới năm 2030 là phát triển thành công ít nhất 2 công nghệ lõi thuộc công nghệ chiến lược cấp quốc gia; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như các công nghệ: bán dẫn, tự hành, tích trữ năng lượng, y - sinh, vật liệu tiên tiến.
  • Chip ADC của CT Group làm được những gì?
    Bản thiết kế chip ADC của người Việt vừa ra mắt cuối tháng 6 vừa qua không chỉ tạo nên “cơn địa chấn” trong cộng đồng công nghệ mà còn mở ra bước đột phá quan trọng cho hành trình chuyển đổi số quốc gia. Đây có thể gọi là bước đột phá cực lớn của ngành bán dẫn tại Việt Nam và qua đó, khẳng định khả năng tự thiết kế chip, làm chủ công nghệ lõi của đội ngũ kỹ sư người Việt – từ công ty Diginal (một thành viên Tập đoàn CT Group).
  • Việt Nam trong Top 10 thế giới về Chỉ số AI
    Việt Nam vừa ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới khi xếp thứ 6/40 quốc gia/vùng lãnh thổ về Chỉ số AI do Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu (WIN) công bố tháng 7/2025.
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Mỗi người dân, doanh nghiệp cần có một trợ lý ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO