Phổ biến Luật Báo chí 2016 tới các tỉnh phía Nam

Lê Minh| 28/10/2016 15:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng ngày 28/10, tại TP Cần Thơ, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 khu vực các tỉnh phía Nam. Tham gia hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm và lãnh đạo các Sở TT&TT, cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình các tỉnh thành phía Nam.

20161028-m8.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VietNamNet

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, thi hành Hiến pháp năm 2013, Bộ TT&TT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Báo chí, khắc phục những nội dung bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn của Luật Báo chí hiện hành…

Ngày 5/4/2016 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Báo chí với phiếu tán thành cao. Luật Báo chí năm 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Luật Báo chí năm 2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Theo Thứ trưởng, Luật Báo chí sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn tới, thể hiện trong các quy định cụ thể như sau:

Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in….

Đồng thời, Luật Báo chí mới cũng bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

Một điểm mới đáng chú ý nữa là Luật Báo chí mới đã bổ sung quy định về liên kết trong báo chí, điều mà trước đây luật không quy định, chỉ có trong thông tư của Bộ quy định liên kết trong sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình.

Việc liên kết trong báo chí được quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với các cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - Chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.

Quyền tác nghiệp báo chí ở Luật Báo chí mới cũng quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời cũng đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng,

Quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo cũng được bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thức hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng,.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí cũng được quy định mở hơn với các quy định về nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.

Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí ở Luật Báo chí mới đã có sự tương thích với các quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với Bộ Luật dân sự với các luật khác, nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

Đặc biệt, việc cải chính và xử lý vi phạm ở Luật Báo chí mới đã bổ sung một số quy định mới như: Báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.

Ngoài ra, Luật Báo chí mới cũng đã pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật như: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin…

20161028-m10.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VietNamNet

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu kỹ các nội dung, trao đổi thảo luận các vấn đề còn chưa rõ nhằm thống nhất trong triển khai thực hiện, phổ biến, quán triệt nội dung hội nghị tại cơ quan.

Ngay sau đó, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, đã giới thiệu cụ thể Luật Báo chí năm 2016 tới các đại biểu tham dự./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phổ biến Luật Báo chí 2016 tới các tỉnh phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO