Phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo quý giá

Đỗ Thêu| 11/11/2022 08:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Với nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản được xem là nguồn tài nguyên tái tạo. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, cũng là trụ đỡ của nền kinh tế giúp ổn định xã hội, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh vừa qua. Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% và phấn đấu đạt khoảng 55 tỷ USD trong năm 2022.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp (SXNN) theo hướng thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình SXNN cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam ước tính gần 160 triệu tấn, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (3,7%); gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%). Những con số này cho thấy tiềm năng, giá trị của phế, phụ phẩm nông nghiệp.

Theo thống kê Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng khối lượng phụ phẩm năm 2021 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt chiếm 56,7%, 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi chiếm 39,1%, 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp chiếm 3,5% và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản 10,6%.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, với nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Sử dụng, chế biến phế, phụ phẩm nông nghiệp chưa đồng bộ, hiệu quả

Giám đốc dự án Eco-Fair Nguyễn Bảo Thoa, Viện nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp nông thôn Việt Nam VIRI, nhận định: Phế phụ phẩm ngành trồng trọt ở Việt Nam có khối lượng lớn nhất trong tổng lượng phế phụ phẩm ngành nông nghiệp. Phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch từ rơm lúa chiếm khối lượng lớn 42,8 triệu tấn, thân cây bắp 10 triệu tấn, rau quả 3,6 triệu tấn, thân cây mì 3,1 triệu tấn, trái giả đào lộn hột 3,1 triệu tấn và các loại khác 6,1 triệu tấn...

Phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo quý giá - Ảnh 1.

Nông dân huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

Phụ phẩm từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt gồm: Vỏ trấu 8,6 triệu tấn, bã mía 3,5 triệu tấn, lõi bắp 1,4 triệu tấn, vỏ củ mì 1,3 triệu tấn và các loại khác là 2 triệu tấn. Thực trạng sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và tỷ lệ phụ phẩm cây trồng (vỏ đậu phộng, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, củi…) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, 70% dân số làm nông nghiệp và lúa là cây trồng chính, do vậy lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Trong đó, tỷ lệ sử dụng rơm lúa chỉ 56,3% (cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây...). Hiện nay vẫn còn một số nơi, sau khi thu hoạch lúa xong nông dân có thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng vừa gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trong khi đó TS. Trịnh Quang Khương, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, hiện nay sau các mùa thu hoạch lúa tại ĐBSCL thị trường thu mua rơm, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng ĐBSCL ngày càng phát triển mạnh. Vụ đông xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang giá bán rơm khoảng từ 55.000 - 75.000 đồng trên 1.000 m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg, giá rơm cạnh đường giao thông liên xã là 15.000 đồng/bó, tương đương 1.250 đồng/kg.

Nếu vận chuyển xa thì giá bán rơm tại cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn… khoảng 25.000 đồng/bó, tương đương 2.083 đồng/kg. Như vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu lúa thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm nếu đem bán. Hằng năm phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, bắp, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43,4 triệu tấn hữu cơ, 1,86 triệu tấn đạm urê, 1,68 triệu tấn supe lân đơn và 2,23 triệu tấn kali sulfat… Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng. Hiện nay trong quá trình sản xuất và thu hái, chế biến trái cây ở ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ… lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng, vỏ mít… rất nhiều, nhưng nhiều nơi đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết them, việc sử dụng, chế biến phế, phụ phẩm nông nghiệp hiện nay còn chưa đồng bộ, hiệu quả, lãng phí, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao, chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường toàn cầu.

Hằng năm, phần sinh khối phụ phẩm từ lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn, 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng. Trong ngành chăn nuôi mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết tuần hoàn./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam
    Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo quý giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO