Xu hướng dự báo

Quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam: Những vấn đề đặt ra

Nguyễn Hữu Xuyên - Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ 27/03/2024 18:01

Quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo (ĐMST) có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo sự nhất quán, đồng thuận từ trung ương tới địa phương trong hoạt động ĐMST.

Tóm tắt:
- Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và hệ thống ĐMST quốc gia.
- Quản lý nhà nước về ĐMST.
- 6 đề xuất phương hướng quản lý nhà nước về ĐMST tại Việt Nam:
+ Định nghĩa lại và làm rõ nội hàm ĐMST;
+ Đẩy mạnh tuyên truyền để tạo nhận thức mới cho xã hội;
+ Bổ sung và hoàn thiện bộ máy, nhân lực quản lý nhà nước về ĐMST;
+ Xây dựng chính sách thúc đẩy ĐMST trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là các nhà khoa học, các chuyên gia;
+ Tăng cường bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ ĐMST;
+ Nâng cao vai trò điều phối đa ngành, đa lĩnh vực trong hoạt động ĐMST.

Đại hội XIII của Đảng đã nhận định, mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và ĐMST; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài. Điều này cho thấy, việc hoàn thiện quản lý nhà nước về ĐMST để phát triển kinh tế, xã hội là cần thiết trong bối cảnh hiện nay Đảng, Nhà nước coi ĐMST là yếu tố quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ dựa vào vốn, lao động, tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ, ĐMST.

Đổi mới sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

ĐMST là quá trình thương mại hóa những yếu tố mới hoặc sự kết hợp những yếu tố cũ trong các doanh nghiệp công nghiệp, liên quan tới nguyên vật liệu mới, quy trình mới, thị trường mới, cơ cấu tổ chức mới; ĐMST luôn gắn với sản xuất và thị trường (Schumpeter, J.A., 1934). Katz (2007) cho rằng, ĐMST là việc tạo ra, phát triển và triển khai áp dụng thành công các ý tưởng mới, độc đáo, đưa ra các sản phẩm, qui trình, phương pháp mới để dẫn tới thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị cho các chủ thể liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Còn theo OECD (2005, 2018), ĐMST là việc thực hiện một sản phẩm, dịch vụ mới hoặc được cải tiến đáng kể về quy trình, kỹ thuật, tiếp thị hoặc một phương pháp tổ chức mới. ĐMST song hành với việc dự báo nhu cầu của thị trường, cung cấp chất lượng hoặc dịch vụ bổ sung, tổ chức hiệu quả và kiểm soát chi phí tốt hơn (Alexandru Ionescu, 2015). Do đó, ĐMST được đặc trưng bởi mức độ nhận thức cao, tính linh hoạt và khả năng thích ứng với những biến động, khả năng tích hợp thành công với thời gian và chi phí tối thiểu.

Theo Cirera và Maloney (2017), ĐMST là việc giới thiệu và áp dụng các sản phẩm, công nghệ, quy trình kinh doanh, mô hình kinh doanh và các ý tưởng mới trên thị trường. Theo quan điểm truyền thống, ĐMST được nhìn nhận qua hoạt động khoa học, phát triển công nghệ và sáng chế thuần túy. Tuy nhiên trên thực tế, ĐMST cần được nhìn nhận rộng hơn khi các doanh nghiệp chủ động áp dụng tri thức, công nghệ tiên tiến sẵn có và trí thức mới để nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng.

Thuật ngữ ĐMST (Innovation) được sử dụng phổ biến trong Chương trình đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP). Một số nhà nghiên cứu đã sử dụng từ tương đương “Innovation” trong tiếng Việt là “đổi mới” hay “đổi mới sáng tạo”. Theo IPP (2013), ĐMST là việc sử dụng tri thức phù hợp làm tăng giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ mới. Ở cấp độ vĩ mô, ĐMST gắn liền với hệ thống ĐMST quốc gia (NIS), còn ở cấp độ vi mô, ĐMST là quá trình tạo ra các sản phẩm, qui trình mới, phương thức mới về tổ chức, quản lý, tiếp cận thị trường để đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng và được thị trường, xã hội thừa nhận. Theo Luật Khoa học và Công nghệ (2013), ĐMST (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Khái niệm ĐMST trong bài viết được kế thừa, phát triển dựa vào các quan điểm trên theo hướng nhấn mạnh tới quá trình chuyển hóa ý tưởng, tri thức, công nghệ, giải pháp thành các lợi ích/giá trị gia tăng cụ thể cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, ĐMST là quá trình đưa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm mới, quy trình mới, mô hình tổ chức mới, dịch vụ mới và mô hình kinh doanh mới nhằm mang lại giá trị gia tăng cho cá nhân, tổ chức và xã hội, đặc biệt là giá trị gia tăng về kinh tế.

Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hàm chứa trong các đối tượng sở hữu trí tuệ, được bảo hộ hoặc không được bảo hộ. Giải pháp kỹ thuật hàm chứa trong các sản phẩm, quy trình để giải quyết một vấn đề thực tiễn. Giải pháp quản lý hàm chứa trong lập kế hoạch, tổ chức, điều hành, kiểm tra, giám sát để giải quyết một vấn đề thực tiễn.

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Lundvall (1992), hệ thống ĐMST quốc gia được cấu thành bởi các yếu tố và quan hệ tương tác nhau trong sản xuất, truyền bá và sử dụng tri thức mới và hữu dụng về mặt kinh tế. ĐMST không phải là một quá trình tuyến tính mà là một quá trình mang tính tích lũy, tương tác qua lại và có tính học hỏi. Mô hình ĐMST quốc gia có thể được thể hiện như sau (Hình 1).

st1.png
Hình 1: Mô hình hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia (Nguồn: Arnold và Kulhmann (2001), trích từ Trần Ngọc Ca (2021))

Việt Nam đã hình thành những điều kiện khung có lợi cho việc phát triển hệ thống ĐMST quốc gia như các chính sách về đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, chống cạnh tranh không lành mạnh, đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển các quỹ hỗ trợ và phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh và đào tạo. Về cơ sở hạ tầng hỗ trợ hình thành hệ thống ĐMST quốc gia, một số cơ sở ươm tạo doanh nghiệp đã được hình thành tuy vẫn còn hạn chế về số lượng.

Quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia đã được thể hiện rõ nét trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ Khoa học và Công nghệ, qua đó góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào nền tảng phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hiện nay, Việt Nam được coi là quốc gia có những tiến bộ vượt bậc liên tục về ĐMST trong nhiều năm qua. Chỉ số ĐMST của Việt Nam (GII) liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 (năm 2021). Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong nhóm 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Những tiến bộ về kết quả GII trong những năm qua có được nhờ các giải pháp nhanh, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ/ngành, địa phương.

Quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo

Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan nhà nước thực hiện nhằm xác lập một trật tự ổn định, phát triển xã hội theo những mục tiêu mà bộ máy cầm quyền theo đuổi, bao gồm toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp và được vận hành như một thực thể thống nhất. Quản lý nhà nước do các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương (chủ thể quản lý) tiến hành đối với các tổ chức, cá nhân và sự tương tác giữa các tổ chức và cá nhân (đối tượng quản lý) nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội theo một định hướng thống nhất của nhà nước.

Quản lý nhà nước có các đặc điểm cơ bản sau: Mang tính quyền lực nhà nước, tính quyền lực thể hiện ở việc chủ thể quản lý có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật để tác động tới đối tượng quản lý, cơ quan có thẩm quyền cấp trên ban hành văn bản để chỉ đạo cấp dưới; mang tính tổ chức, chấp hành; có tính liên tục, được liên kết chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến địa phương; mang tính tất yếu khách quan, có tính xã hội; có tính cưỡng chế và tính chính trị rõ ràng.

Quản lý nhà nước về ĐMST trong bài viết này được hiểu là quá trình nhà nước xây dựng thể chế, pháp luật, “tạo sân chơi” dựa vào quan điểm, chủ trương của Đảng; hoạch định, tổ chức thực thi, đánh giá chiến lược, chính sách ĐMST; tạo tiền đề, khuyến khích, dẫn dắt, điều tiết, tạo động lực cho hoạt động ĐMST; thanh tra, kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật về ĐMST; huy động nguồn lực để đạt được mục tiêu ĐMST với hiệu quả cao. Các đặc điểm cơ bản của quản lý nhà nước về ĐMST:

- Mang tính quyền lực nhà nước, tính quyền lực thể hiện ở việc chủ thể quản lý về ĐMST (Nhà nước) có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật để tác động tới đối tượng quản lý (hoạt động ĐMST và các tổ chức, cá nhân, nhà nước tham gia hoạt động ĐMST); cơ quan có thẩm quyền cấp trên ban hành văn bản để chỉ đạo cấp dưới về quản lý hoạt động ĐMST.

- Mang tính tổ chức, chấp hành, có tính liên tục, được liên kết chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong quản lý nhà nước về ĐMST.

- Mang tính tất yếu khách quan, có tính xã hội, có tính cưỡng chế và tính chính trị rõ ràng trong việc khẳng định vai trò của ĐMST đối với phát triển kinh tế, xã hội.

Quản lý nhà nước về ĐMST có những điểm khác biệt so với quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ thông thường do ĐMST có tính mới, tính sáng tạo, tính thực tiễn, tính liên ngành, phức tạp nên cần sự linh hoạt để dự báo, nhìn trước và thích ứng, ứng phó nhanh với sự thay đổi của môi trường với các yếu tố mới, yếu tố chưa từng xuất hiện trước đó; cần có phương pháp, công cụ để nhận diện khó khăn, xác định, định vị chủ thể, đối tượng thực hiện ĐMST, đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động từ ĐMST; cần năng lực phối hợp, liên kết, hợp tác đối với các thành tố trong hệ thống hệ thống ĐMST quốc gia để hỗ trợ, thúc đẩy ĐMST, tạo giá trị gia tăng cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Phương hướng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Tại Việt Nam, chức năng quản lý nhà nước về ĐMST được Chính phủ (2023) giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (Nghị định số 28/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 2/6/2023 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ). Tuy nhiên đến nay, chức năng quản lý nhà nước về ĐMST chưa thực sự được làm rõ hơn, ví như đối tượng quản lý nhà nước về ĐMST; bộ máy, nhân lực quản lý nhà nước về ĐMST; chính sách thúc đẩy ĐMST,… Do đó, trong thời gian tới cần:

Thứ nhất, định nghĩa lại và làm rõ nội hàm ĐMST. ĐMST cần được hiểu là bước kế tiếp, tiếp nối và không tách rời hoạt động khoa học và công nghệ, là quá trình chuyển hóa tri thức, công nghệ thành kết quả cụ thể như sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, phương pháp quản lý, tổ chức mới nhằm tạo giá trị gia tăng cho phát triển kinh tế, xã hội (Hình 2).

st.png
Hình 2: Chu trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nguồn: Tổng hợp

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền để tạo nhận thức mới cho xã hội, cho các bộ, ngành, địa phương về vị thế, vai trò của ĐMST đối với sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững; tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động ĐMST bên cạnh nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ như hiện nay. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng văn bản về ĐMST cần hỏi ý kiến, thảo luận và được Bộ Khoa học và Công nghệ (là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và ĐMST) cơ bản đồng ý thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ từ trung ương tới địa phương trong quản lý nhà nước về ĐMST, thay vì chỉ hỏi ý kiến góp ý và đôi khi có phần hình thức như hiện nay. Nếu làm tốt điều này sẽ góp phần tạo nên vai trò, vị thế mới của Bộ Khoa học và Công nghệ trong tạo động lực, tạo nền tảng, tạo bứt phá về năng suất thông qua hoạt động ĐMST.

Thứ ba, bổ sung và hoàn thiện bộ máy, nhân lực quản lý nhà nước về ĐMST theo hướng hình thành bộ phận/đơn vị có chức quản lý về ĐMST, bố trí nhân lực quản lý ĐMST trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Do đó, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về ĐMST trên cơ sở mở rộng, nâng cấp bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn/chức danh cho nhân lực ĐMST, hình thành mối quan hệ giữa tiêu chuẩn/chức danh ĐMST với tiêu chuẩn/chức danh khoa học và công nghệ.

Thứ tư, các chính sách thúc đẩy ĐMST cần được xây trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là các nhà khoa học, các chuyên gia; từng bước chuyển đổi hiệu quả từ hỗ trợ nghiên cứu khoa học sang hỗ trợ ĐMST với những giá trị cụ thể, rõ ràng; khuyến khích, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp tư nhân, người dân để tổ chức tốt hơn các chiến lược, chính sách về ĐMST, thay vì dựa nhiều vào ngân sách nhà nước như hiện nay. Chính sách thúc đẩy ĐMST không chỉ liên quan tới hoạt động khoa học và công nghệ mà còn tính tới sự liên ngành, sự đồng bộ, sự cộng tác, cộng hưởng cùng phát triển của các yếu tố trong hệ thống ĐMST quốc gia để tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia thông qua ĐMST.

Thứ năm, tăng cường bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ ĐMST; gia tăng hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật về ĐMST, chú trọng tới thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ĐMST trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trong tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; bức xạ và an toàn hạt nhân.

Thứ sáu, nâng cao vai trò điều phối đa ngành, đa lĩnh vực trong hoạt động ĐMST. Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò của mình cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm là của cơ quan điều phối, thống nhất quản lý nhà nước về ĐMST, hướng dẫn, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện và tuân thủ pháp luật về ĐMST.

Như vậy, việc hoàn thiện quản lý nhà nước về ĐMST có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đồng thuận, thống nhất từ trung ương tới địa phương trong quản lý nhà nước về ĐMST; nâng cao năng lực nội sinh quốc gia về ĐMST thông qua khai thác tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tới các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong hoạt động ĐMST; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao lợi thế cạnh tranh, vị thế quốc gia thông qua ĐMST.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2023), Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2/6/2023 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2022), Khoa học và Công nghệ Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

3. Dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP, 2013), Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo nhằm kiện toàn Hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia giúp Việt Nam đạt được kế hoạch trong chương trình nghị sự trở thành một quốc gia trung bình vào năm 2020, Hà Nội.

4. Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (2022), Kỷ yếu hội thảo luận bàn về đổi mới sáng tạo và quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, Hà Nội.

5. Quốc hội (2013), Luật Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.

6. Trần Ngọc Ca (2021), Đổi mới sáng tạo: Một số vấn đề cần quan tâm, Tạp chí khoa học và công nghệ, số 5A/2021.

7. Nguyễn Hữu Xuyên (2023), Chính sách khoa học và Công nghệ (Những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn tại Việt Nam), NXB Khoa học và Kỹ thuật.

8. Alexandru Ionescu (2015), The role of innovation in creating the company’s competitive advantage, Ecoforum Journal 4 (1), 99-104.

9. Cirera and Maloney (2017), The Innovation Paradox: Developing Country Capabilities and the Unrealized Promise of Technological CatchUp. Washington, DC: World Bank.

10. Katz (2007), Pharmaceutical Lemons: Innovation and Regulation in the Drug Industry, University of Toronto - Faculty of Law.

11. OECD (2005), Guideline for collecting and interpreting innovaiton data, 3rd Edition, Oslo manual.

12. OECD (2018), Guidelines for Collecting, Reporting and Using Data on Innovation, 4th Edition, Oslo manual.

13. Schumpeter, J.A., 1934 (2008), The Theory of Economic Development: An Inquiry into Profits, Capital, Credit, Interest and the Business Cycle, translated from the German by Redvers Opie, New Brunswick (U.S.A) and London (U.K.): Transaction Publishers.

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam: Những vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO