Quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật
Văn học nghệ thuật không chỉ là di sản văn hóa quý báu mà còn là công cụ hiệu quả để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Thông qua những tác phẩm mang đậm bản sắc độc đáo, lịch sử hào hùng và vẻ đẹp con người Việt Nam, chúng ta có thể giới thiệu nền văn hóa đa dạng và giàu truyền thống tới bạn bè quốc tế.
Hình ảnh Việt Nam qua văn học trung đại và thời kỳ cách mạng
Trước khi bước vào quá trình hiện đại hóa, văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng đã trải qua mười thế kỷ tồn tại và phát triển rực rỡ dưới các triều đại phong kiến (giai đoạn văn học trung đại). Thành tựu nổi bật của văn học trung đại là việc hình thành một nền tảng vững chắc cho văn học dân tộc, gắn liền với cảm hứng yêu nước, tinh thần nhân đạo và phản ánh các vấn đề thế sự.
Một kiệt tác văn học nổi bật nhất của nền văn học trung đại Việt Nam phải kể đến là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm được viết bằng thể thơ lục bát, kể về cuộc đời đầy bi kịch của Thúy Kiều - một cô gái tài sắc vẹn toàn, mang trong mình lòng hiếu thảo, đại diện tiêu biểu cho truyền thống văn hóa Việt Nam đề cao giá trị gia đình. Dù có phẩm chất cao đẹp, cô vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách và đau khổ trong cuộc đời.
Với 30 bản dịch được thực hiện bởi nhiều dịch giả quốc tế, bao gồm các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Đức, và nhiều ngôn ngữ khác, Truyện Kiều không chỉ khắc họa rõ nét hình ảnh con người Việt Nam trong xã hội phong kiến mà còn góp phần khẳng định giá trị văn hóa và nghệ thuật của tác phẩm trong kho tàng văn học thế giới.
Một tác phẩm cũng vô cùng nổi tiếng, mang giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc, thể hiện tư tưởng yêu nước, ca ngợi chiến thắng và lòng kiên cường của nhân dân chính là Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Tác phẩm đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng, trở thành một di sản văn hóa có sức lan tỏa toàn cầu. Không chỉ là tài liệu lịch sử quan trọng, phản ánh giai đoạn hào hùng trong lịch sử Việt Nam, Bình Ngô Đại Cáo còn thể hiện được tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Tinh thần yêu nước và truyền tải khát vọng tự do của dân tộc cũng được thể hiện sâu sắc trong văn học Việt Nam thời kỳ cách mạng. Đây là một giai đoạn rực rỡ, đánh dấu sự hòa quyện giữa văn học và lịch sử dân tộc, tiêu biểu như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với tác phẩm Nhật ký trong tù, Nam Cao với tác phẩm Đôi mắt, Tố Hữu với tác phẩm Từ ấy, Nguyên Hồng với tác phẩm Những ngày thơ ấu,…
Một Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc trong văn học hiện đại
Trải qua nhiều thời kỳ, văn học nghệ thuật dần phá bỏ tính quy phạm, ước lệ, mở đường cho sự phát triển cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Văn học hiện đại Việt Nam là bức tranh sống động phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, văn học hiện đại vẫn giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành cầu nối quan trọng giữa truyền thống và hiện đại.
Vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam với vẻ đẹp hoang sơ, trù phú được miêu tả chân thực và sống động qua tác phẩm nổi tiếng mang tên Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Tác phẩm tái hiện phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống bình dị và những nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ, đặc biệt là vùng sông nước, rừng rậm, và các hoạt động sinh hoạt đặc trưng của người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tác phẩm văn học mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) người miền núi và Tây Nguyên, một trong số đó có thể kể đến là truyện ngắn "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành (bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc).
Qua truyện ngắn, Nguyễn Trung Thành đã khéo léo phản ánh bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS Tây Nguyên, đặc biệt là qua những phong tục, lễ hội, và cách sống của họ. Văn hóa Tây Nguyên được thể hiện qua sự gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, tình đoàn kết trong cộng đồng và những giá trị tinh thần mạnh mẽ trong chiến đấu, bảo vệ quê hương. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng góp phần làm phong phú thêm hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Trở về với cuộc sống bình dị ở một làng quê Việt Nam, nơi những cánh đồng lúa chín, những ngọn đồi xanh mát, và tuổi thơ hồn nhiên hòa quyện vào nhau. Với bối cảnh thiên nhiên đẹp đẽ và câu chuyện giàu cảm xúc, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - một tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không chỉ thu hút độc giả trong nước mà còn được yêu thích bởi độc giả quốc tế. Tính đến nay, tác phẩm đã được dịch sang ít nhất 5 thứ tiếng, bao gồm: tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật và tiếng Thái Lan với tên quốc tế là "I See Yellow Flowers on the Green Grass".
Vẻ đẹp của Việt Nam không chỉ được thể hiện qua các tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn qua các tác phẩm thơ ca. Bài thơ "Hạt gạo làng ta" của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã minh chứng cho điều này. Qua hình ảnh hạt gạo mộc mạc, biểu tượng của văn hóa lúa nước Việt Nam, tác giả đã tôn vinh phẩm chất cần cù, tỉ mỉ của người nông dân Việt Nam - những người gắn bó với đất đai qua bao thế hệ và góp phần gìn giữ một nền văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Có thể nói, những tác phẩm trên không chỉ là sản phẩm văn học, mà còn là cầu nối để giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, và tâm hồn người Việt ra thế giới, khẳng định vị thế của nền văn học nghệ thuật nước nhà, vừa mang tính kế thừa sâu sắc, vừa sáng tạo độc đáo.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua văn học nghệ thuật, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, cho rằng cần có sự đầu tư thường xuyên, liên tục và phù hợp.
Thêm nữa, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam (Báo Nhân Dân) nhận định, việc đầu tư vào công tác “dịch ngược” - dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang ngôn ngữ quốc tế để quảng bá đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể tham khảo thêm từ mô hình của các nước bạn, ví dụ như Viện Dịch thuật Văn học Thế giới của Hàn Quốc, với sự đầu tư bài bản và hệ thống chặt chẽ./.