Quyết tâm chuyển đổi số cơ quan nhà nước
Hiện nay chuyển đổi số các cơ quan nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định, như: phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, an toàn, an ninh thông tin. Để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, cần kết hợp các giải pháp đồng bộ xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu hoạt động của chuyển đổi số.
Làm sao để chuyển đổi số thành công
Quá trình chuyển đổi số là một quá trình bền bỉ, cần có những bước đột phá, nhanh chóng nhưng cũng rất thận trọng, bởi bên cạnh những ưu việt mà chuyển đổi số mang lại trong quá trình quản lý nhà nước thì cũng tồn tại nhiều rủi ro.
Để chuyển đổi số thành công, các cơ quan Nhà nước cần thường xuyên đánh giá sơ kết, tổng kết để có phương án, chiến lược cụ thể, điều tiết, hướng dẫn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số bảo đảm diễn ra một các công bằng, hiệu quả mang lại lợi ích cho xã hội và nền kinh tế phù hợp với tình hình phát triển đất nước.
Hiện nay, nước ta chuyển đổi số thực hiện trên 3 trụ cột chính: phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó chính phủ số là một cấu thành quan trọng của chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Để thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số quốc gia không chỉ có chiến lược đúng đắn từ Chính phủ mà các bạn, ngành các cấp, lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc cùng chung tay giúp toàn dân thực hiện số hóa, đem lại đời sống ấm no, hiện đại hơn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Việc phát triển hạ tầng số, lực lượng lao động có kỹ năng số, đẩy mạnh công tác nghiên cứu công nghệ số mới và xây dựng môi trường pháp lý an toàn, tin cậy là bốn yếu tố cốt lõi bảo đảm chuyển đổi số thành công. Nhà nước là chủ thể duy nhất có đủ năng lực, sức mạnh to lớn kiến tạo, xây dựng các yếu tố bảo đảm cho công cuộc chuyển đổi số thành công với vai trò tiên phong trong cơ quan Chính phủ. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban Quyết định số 884/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ chương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Đây là những minh chứng thể hiện sự quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước với khát vọng lớn, tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để thực hiện chuyển đổi số quốc gia thành công. Điều này giúp tăng cường hiệu quả trong quản lý nhà nước, chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số và quản lý số, thu hút các nhà đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Theo thống kê đến nay mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ chính phủ số. Số bộ, ngành, địa phương đã triển khai trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 71,43%. Đồng thời, có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc với tổng số 571.000 máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 104,08 Mbps, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đứng thứ 4 sau Singapore, Thái Lan, Malaysia ở khu vực Đông Nam Á.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành chương trình phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia gồm 38 nền tảng (8 nền tảng chính phủ số; 12 nền tảng kinh tế số; 11 nền tảng xã hội số và 7 nền tảng đa mục tiêu), mỗi nền tảng số do một bộ, ngành chủ trì. Đến nay đã đánh giá, công bố 8 nền tảng số quốc gia với tổng lượng người dùng thường xuyên khoảng 150 triệu người dùng/tháng.
Mang lại những kết quả nhất định
Trong đó cơ sở dữ liệu về dân cư đã lưu thông tin của khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99% dân số Việt Nam; kết nối với 15 bộ, ngành; 63/63 địa phương; 4 doanh nghiệp.
Cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, đã kết nối được với 13 bộ, ngành và 63/63 địa phương với khoảng 41 triệu giao dịch; lưu trữ dữ liệu của hơn 1,6 triệu doanh nghiệp và hơn 200.000 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; lưu trữ thông tin đăng ký của khoảng 2,4 triệu hộ kinh doanh.
Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 9 bộ, ngành và quản lý khoảng 32 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm, xác thực hơn 93,7 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó khoảng 84,7 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 96% tổng số người tham gia. Đồng thời, hệ thống hiểm xã hội Việt Nam đã đồng bộ hơn 132 triệu lượt bản ghi thông tin hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử đã hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với hơn 50.000 người dùng. Cơ sở dữ liệu về đất đai, đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng được 4 khối dữ liệu đất đai do trung ương quản lý, bao gồm: cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; điều tra, đánh giá đất đai. Cơ sở dữ liệu về tài chính, Bộ Tài chính đã xây dựng và hoàn thiện 13 cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính. Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối đồng bộ dữ liệu với 96 bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, trong đó 70 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu (đạt 100%) và các đơn vị còn lại đang tiếp tục đồng bộ dữ liệu về bảo đảm đủ số liệu của giai đoạn 1.
Nhận thấy chuyển đổi số bước đầu đã đạt được một số thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, tạo nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển dịch của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân lên không gian số, thúc đẩy và phát triển chính phủ số xã hội số và kinh tế số. Tuy nhiên, cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như một số bộ, ngành chưa hoàn thành việc rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về quản lý dân cư; việc chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước chưa phát huy hết hiệu quả; công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi còn chưa được bảo đảm; kinh tế số vẫn còn hạn chế và kết nối giữa các nền tảng chưa đáp ứng yêu cầu xã hội.
Những giải pháp để xây dựng hạ tầng số hiện đại
Để hiện thực hóa được mục tiêu đặt ra, Nhà nước cần phải có các giải pháp đồng bộ để xây dựng hạ tầng số hiện đại đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số trong thời gian tới.
Một là, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn, cần thiết thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số có thể kể đến các quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư, quản lý dữ liệu cá nhân và bảo đảm tính công bằng trong việc sử dụng công nghệ. Đây là vấn đề cốt lõi, nền tảng làm cơ sở cho việc triển khai chuyển đổi số trong chính các cơ quan nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, mâu thuẫn nội tại. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống tài chính cho đầu tư công, đầu tư xã hội Nhà nước có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức để thúc đẩy chuyển đổi số.
Hai là, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi ứng dụng trên thiết bị số, sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 01/7/2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử. Hướng dẫn các cơ sở y tế, người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Các bộ, cơ quan, địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả. Bao gồm việc nắm vững các công cụ và phần mềm chuyên dụng, xử lý dữ liệu để tăng hiệu quả công việc, từ đó, xây dựng nền văn hóa của tổ chức phát triển quá trình chuyển đổi số, tận dụng cơ hội mới để phát triển.
Bốn là, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng mạng internet, bảo đảm băng thông rộng, ổn định, kết nối đến tất cả các cơ quan nhà nước, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Từ đó, hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu về quy mô, độ tin cậy, khả năng truy cập. Đồng thời, tăng cường đầu tư các hệ thống máy chủ đáp ứng yêu cầu về tính bảo mật, an toàn thông tin, khả năng mở rộng.
Năm là, đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển chính phủ số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn. Bảo đảm các cá nhân trong xã hội được tiếp cận dịch vụ công, các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, giao thông công bằng và đầy đủ./.