Quyết tâm chuyển đổi số, ứng dụng AI trong công tác thông tin đối ngoại
Chuyển đổi số là một trong những trọng tâm công tác của Bộ Ngoại giao, là cơ sở quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Chuyển đổi số là ưu tiên trong toàn ngành ngoại giao
Với xu thế phát triển của thế giới, chuyển đổi số (CĐS) là cốt lõi của Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 và trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ then chốt để thực hiện CĐS.
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các bộ, ngành liên quan đã sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao từng khẳng định, CĐS là một trong những ưu tiên triển khai trong toàn ngành ngoại giao, trong đó có công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại nhằm thực hiện chủ trương CĐS của Đảng và Nhà nước cũng như nắm bắt cơ hội mà CĐS và Cách mạng 4.0 mang lại, làm cho công tác thông tin đối ngoại hiệu quả và lan tỏa hơn.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng chủ động đẩy mạnh ứng dụng CĐS trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại tại địa bàn. Các sáng kiến tổ chức các hoạt động đối ngoại trực tuyến của các Cơ quan đại diện đã mang lại hiệu quả tốt và tạo tiếng vang.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng cho biết, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ứng dụng CĐS vào công tác thông tin đối ngoại (TTĐN), Bộ Ngoại giao đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, đồng thời xây dựng các kế hoạch cụ thể để phát huy hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Có thể nói, Bộ Ngoại giao là một trong những cơ quan đi đầu trong việc ứng dụng CĐS, khai thác và phát huy truyền thông mạng xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.
Trước bối cảnh phức tạp, biến động, khó lường của tình hình quốc tế và khu vực, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, đất nước ta cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về chủ quan và khách quan khi bước vào một giai đoạn phát triển mới. Điều này đã đặt ra những yêu cầu vô cùng bức thiết, đòi hỏi công tác TTĐN cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để bắt kịp với xu thế của thời đại, của khoa học - công nghệ, từ đó khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng.
Chính vì vậy, với sự quan tâm, chú trọng phát triển của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngày 15/6/2023, Bộ Chính trị chính thức ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới.
Đây là văn bản pháp lý quan trọng, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác TTĐN, có tính chất định hướng chiến lược, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, bộ máy cho công tác TTĐN.
Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng trong thực hiện công tác CĐS Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS của Bộ Ngoại giao yêu cầu, thành viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị trong Bộ phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó để quá trình CĐS tại Bộ Ngoại giao đạt được thực chất và hiệu quả.
Kiểm soát AI cần nghiên cứu, đánh giá kỹ
TS. Nguyễn Việt Lâm, Chuyên viên cao cấp Bộ Ngoại giao, trong bài viết với tiêu đề “Tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam” đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 4/2021, cho biết, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN lần thứ 4, việc xây dựng, phát triển và áp dụng AI trong hoạch định chính sách đối ngoại, tham gia quan hệ quốc tế, xử lý quan hệ đối ngoại..., bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Cơ hội được TS. Nguyễn Việt Lâm chỉ ra là, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia học hỏi, nghiên cứu, chia sẻ và nắm bắt được xu hướng xây dựng và phát triển AI trong quan hệ quốc tế, nhất là về chính trị, an ninh và kinh tế và không gian mạng.
Việt Nam có cơ hội tham gia, thảo luận, đối thoại ở cấp quốc tế và khu vực với các đối tác cùng chí hướng, qua đó góp phần thúc đẩy lợi ích chung, nhất là về chính sách quản lý liên quan đến AI.
Công tác đối ngoại có thể hỗ trợ tăng cường nghiên cứu về AI thông qua thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và hỗ trợ các cơ chế, thể chế hiện có. Việt Nam có cơ hội thụ hưởng, tham khảo từ các thành quả về phát triển AI đối với vấn đề quản lý, quản trị trong quan hệ quốc tế…
Trong khi đó, thách thức theo TS. Nguyễn Việt Lâm là AI có thể đóng góp vào việc làm tăng tốc độ chia sẻ thông tin nhanh chóng, là lợi thế lớn nhưng cũng kèm theo nhiều bất lợi, như tin giả, thông tin sai lệch, độc hại, tấn công mạng, các mối đe dọa tới bảo mật và an ninh an toàn thông tin, thậm chí đe dọa tới an ninh quốc gia.
“Công nghệ AI có thể giúp tạo ra một khối lượng thông tin ảo và phổ biến với tốc độ cao và quy mô lớn trên mạng xã hội, từ đó có thể tạo ra những hiệu ứng bất ổn xã hội, kích động người dân và làm phân hóa sâu sắc hơn các vấn đề xã hội cũng như làm sai lệch công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Do vậy, làm tăng nguy cơ sử dụng AI can thiệp vào các vấn đề của Việt Nam từ các thế lực nước ngoài”, TS. Nguyễn Việt Lâm chỉ ra.
Chỉ đạo tại phiên họp chuyên đề tháng 5/2024 “Ứng dụng AI trong cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và kinh nghiệm cho Bộ Ngoại giao”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, AI là công cụ rất hữu ích giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực trong xử lý công việc, tuy vậy việc sử dụng và kiểm soát AI như thế nào thì cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ và triển khai thí điểm.
Mới đây, Cục TTĐN - Bộ TT&TT đã phát triển phần mềm “Trợ lý ảo thông tin đối ngoại” sử dụng công nghệ AI ChatGPT phục vụ cho cán bộ làm TTĐN cả nước. Số lượng câu hỏi trải nghiệm càng lớn, Chatbot càng được huấn luyện thông minh và đáp ứng sát hơn yêu cầu công tác.
Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai cụ thể Chiến lược CĐS trong lĩnh vực TTĐN (phê duyệt tại Quyết định số 1379/QĐ-BTTTT ngày 7/9/2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT), xác định giải pháp dựa trên công nghệ AI để cung cấp nội dung một cách chủ động đến công chúng./.