Truyền thông

Phát huy lợi thế chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại

Tú Anh 14:26 04/12/2024

Chuyển đổi số không còn là một khái niệm mới, xu thế mới, mà đã trở thành một thực tế, đòi hỏi tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực thông tin đối ngoại.

chuyen-doi-so.png
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Chuyển đổi số, chìa khoá đưa thông tin đối ngoại ra toàn cầu

Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (TTĐN), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) từng cho biết, chuyển đổi số (CĐS) chính là “chìa khóa” để thông tin tích cực và thành tựu của Việt Nam dễ dàng được tìm thấy, tiếp cận mọi lúc, mọi nơi trên tất cả các nền tảng, công cụ tìm kiếm toàn cầu.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, CĐS trước hết là chuyển đổi tư duy người lãnh đạo. Vì thế, Cục trưởng Phạm Anh Tuấn đề xuất Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN và các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT trong quá trình chuyển đổi này.

Bộ TT&TT đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền, trong đó xây dựng và tổ chức hiệu quả mô hình Triển lãm trực tuyến về quyền con người, triển lãm số về chủ quyền biển đảo.

Trước đó, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cũng xác định 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường sử dụng công nghệ để đưa các TTĐN hiệu quả và lan tỏa rộng rãi hơn.

Thời đại CĐS mở ra nhiều phương thức để thực hiện công tác truyền thông hơn so với các phương thức truyền thống trước đây, cho phép tương tác hai chiều, theo dõi phản hồi và đối thoại với công chúng một cách nhanh chóng.

Các phương thức truyền thông hiện đại phổ biến ngày nay có thể kể đến như: Thông qua mạng xã hội (sử dụng các nền tảng mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Tiktok… để tạo và chia sẻ nội dung, truyền tải thông điệp, tương tác với người khác); Podcasting (tạo và phát sóng các chương trình podcast trực tuyến về các chủ chủ đề để kết nối với một lượng lớn người nghe qua các nền tảng như Podcast Addict, Spotify, Google Podcast…); Truyền hình công nghệ thông qua Internet; các ứng dụng di động…

Với khả năng tạo ra nhiều loại nội dung khác nhau (từ văn bản đến hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng…) CĐS đã giúp tạo ra những trải nghiệm trực tuyến phong phú và hấp dẫn, thu hút độc giả.

Với các phương thức truyền thông hiện đại, thông tin dễ dàng được truyền đi, chia sẻ. Điều này tạo ra cơ hội để tiếp cận và tương tác với một lượng lớn người dân không chỉ ở trong nước mà ở mọi nơi trên thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý .

Các nền tảng trực tuyến giúp người làm công tác truyền thông dễ dàng hơn khi thu thập và phân tích dữ liệu. Từ đó có thể hiểu rõ hơn về mối quan tâm, thái độ, nhu cầu cũng như hành vi của công chúng. Từ đó tối ưu hóa được chiến dịch truyền thông cũng như thông điệp cần chia sẻ.

CĐS công tác TTĐN mà nền tảng là sử dụng Internet cho phép tiếp cận toàn cầu với chi phí thấp, tần suất truyền thông có thể tiến hành một cách thường xuyên, liên tục; có thể tương tác, phản hồi dễ dàng với đối tượng truyền thông trong thời gian thực. Ngoài ra, nó còn cho phép kết nối và hợp tác với đối tác quốc tế một cách dễ dàng. Đó là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ công tác TTĐN ngày càng phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, chúng ta đang sống trong thời đại của truyền thông mới, truyền thông MXH, khi mà mỗi người đều là “nhà báo MXH”, có thể là một nguồn phát tin hay là một kênh truyền tin; mỗi người dân đều có thể tiếp cận với nhiều thông tin trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, môi trường truyền thông cũng hết sức phức tạp, thông tin thật giả lẫn lộn.

“TTĐN theo đó cần phải không ngừng đổi mới, đón đầu xu thế, ứng dụng công nghệ mới, để thông tin chính thống vẫn phải là dòng chủ lưu, lan tỏa rộng hơn, nhanh chóng hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân trong và ngoài nước, không để mất mặt trận dư luận”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nói.

Nhiều biện pháp, kế hoạch phát huy lợi thế CĐS

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ứng dụng CĐS vào công tác TTĐN, thời gian qua, theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Bộ Ngoại giao đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, đồng thời xây dựng các kế hoạch cụ thể để phát huy hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, có thể nói, Bộ Ngoại giao là một trong những cơ quan đi đầu trong việc ứng dụng CĐS, khai thác và phát huy truyền thông MXH trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.

Từ năm 2015, Bộ Ngoại giao đã tiến hành khởi tạo và sử dụng MXH trong thông tin tuyên truyền và đến nay, đang vận hành 7 tài khoản trên các nền tảng phổ biến nhất như Facebook (bằng tiếng Việt), Twitter (bằng tiếng Anh), góp phần lan tỏa thông tin tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng hơn, ở nhiều địa bàn hơn và nhất là tác động tới giới trẻ.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, để thích ứng với tình hình mới, biến thách thức thành cơ hội, Bộ Ngoại giao đã chủ động triển khai nền tảng số trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Kể cả trong giai đoạn giãn cách toàn xã hội, chưa có một cuộc họp báo thường kỳ nào của Bộ Ngoại giao phải hoãn, hủy mà đã được nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến.

Khi các hoạt động đối ngoại chuyển sang hình thức ngoại giao điện đàm, hội nghị trực tuyến hoặc hình thức nửa trực tiếp nửa trực tuyến, công tác thông tin, tuyên truyền cũng kịp thời thích ứng, đồng hành phục vụ. Tại Đại hội Đảng XIII, Bộ Ngoại giao đã chủ động có sáng kiến thành lập trung tâm báo chí trực tuyến - “trung tâm báo chí ảo” trong bối cảnh phóng viên nước ngoài không vào được Việt Nam đưa tin trực tiếp.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ngày càng chú trọng việc triển khai các hoạt động TTĐN, quảng bá trực tuyến như họp, họp báo, hội nghị, tọa đàm kết nối doanh nghiệp trong nước và sở tại. Nhiều cơ quan đại diện và Trưởng cơ quan đại diện đã chủ động, tích cực ứng dụng MXH trong thông tin, tuyên truyền và đạt hiệu quả cao. Trang Page Vietnam Embassy Delhi của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cán mốc 1 triệu lượt đọc, đứng đầu bảng tìm kiếm của Google về các thông tin liên quan.

Bộ Ngoại giao cũng tập trung nghiên cứu chuyên sâu về CĐS trong TTĐN với Đề tài nghiên cứu cấp Bộ về “CĐS trong công tác TTĐN: thực trạng, vấn đề đặt ra và kiến nghị giải pháp” đã được bảo vệ xuất sắc. Đây là công trình nghiên cứu khoa học có hệ thống đầu tiên của Bộ Ngoại giao về CĐS trong công tác TTĐN với hệ thống lý luận cũng như nhóm các biện pháp thực tiễn giúp tiếp tục phát huy công tác này trong thời gian tới. Bên cạnh công tác nghiên cứu, chúng ta cũng hết sức chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ để từng bước xây dựng lực lượng nắm vững các kỹ năng chuyển đổi số và triển khai các phương thức truyền thông mới.

Để phát huy hơn nữa những lợi thế của CĐS trong công tác TTĐN, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ triển khai hệ sinh thái MXH của Bộ.

Đây là sáng kiến được xây dựng với mục đích đưa những thông tin, hình ảnh về công tác đối ngoại của đất nước đến với đông đảo hơn các tầng lớp nhân dân trong một “diện mạo” gần gũi, dễ tiếp cận hơn, phù hợp với xu hướng tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông mới hiện nay. Bộ Ngoại giao cũng sẽ chú trọng việc xây dựng nội dung, cách trình bày thông điệp phù hợp với môi trường mạng xã hội, trong đó hướng tới đẩy mạnh các nội dung bằng hình ảnh, clip ngắn, infographic, phát huy hiệu quả những cán bộ ngoại giao có sức ảnh hưởng nhất định trên các nền tảng mạng xã hội (KOLs) để lan toả các thông điệp đối ngoại đến nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Song song với đầu tư cho chất lượng và hiệu quả thông tin, Bộ Ngoại giao cũng hướng tới tích hợp nhiều hơn các công cụ quản trị, phân tích, đánh giá trên mạng xã hội để kịp thời lắng nghe và điều chỉnh cách thể hiện thông điệp cho phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của công chúng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát huy lợi thế chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO