Ra mắt Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp công nghiệp số Việt Nam

Hoàng Linh| 26/11/2020 12:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là câu lạc bộ (CLB) đầu tiên chuyên về đầu tư khởi nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, quy tụ các nhà đầu tư, các doanh nhân và tập đoàn lớn cùng các quỹ đầu tư công nghệ.

Hôm nay, 26/11/2020, CLB đầu tư khởi nghiệp công nghiệp số Việt Nam chính thức được ra mắt trong khuôn khổ Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia 2020 – Techfest 2020.

Lễ ra mắt CLB được kết hợp tổ chức cùng chuỗi sự kiện thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ số trong khuôn khổ Techfest 2020, diễn ra tại Hà Nội. Tham dự có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN); ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch hội đồng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Đầu tư khởi nghiệp Công nghệ số Việt Nam cùng lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) CNTT thành viên của CLB.

Ra mắt Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp công nghiệp số Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng tham dự buổi Lễ ra mắt CLB

Với mục đích thúc đẩy startup công nghệ số tại Việt Nam và góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã đưa ra sáng kiến thành lập CLB đầu tư khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (Vietnam Digital Investor Club - VDI) với nòng cốt là các doanh nhân công nghệ, các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.

Sáng kiến này xuất phát từ việc, VINASA nhận thấy một "khoảng trống" trong phong trào khởi nghiệp hiện nay, khi mà cả các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đặt trọng tâm chú ý nhiều vào việc hỗ trợ về tài chính và năng lực kinh doanh chứ chưa chú ý nhiều đến việc bồi đắp năng lực và tư vấn/định hướng phát triển công nghệ.

Từ góc tiếp cận này, VDI định hướng đầu tư và tư vấn chuyên biệt cho các startup công nghệ và startup chưa ứng dụng công nghệ để Việt Nam phát triển lực lượng DN số ngày càng lớn mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng chính là điểm khác biệt của VDI so với các CLB đầu tư khác.

Xây dựng một CLB chuyên nghiệp hỗ trợ startup phát triển nhanh, mạnh và bền vững

Được biết, định hướng xây dựng một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, VDI sẽ tập trung vào 5 hoạt động chính: (1) Phát triển mạng lưới startup, tư vấn và đầu tư cho startup; (2) Đào tạo chuyên môn về đầu tư khởi nghiệp cho các thành viên; (3) Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm đầu tư; (4) Các hoạt động thường xuyên bao gồm: Café khởi nghiệp tổ chức 1 tháng/lần, Hội nghị Đầu tư 6 tháng/lần; (5) Nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư chuyên nghiệp (Định hướng đến năm 2022).

Trong giai đoạn đầu hoạt động, VDI dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của ít nhất 30 thành viên hoạt động tích cực cùng với sự định hướng và điều hành của 01 Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch phụ trách các mảng chuyên biệt và 01 Giám đốc điều hành thường trực. Cụ thể:

Chủ tịch CLB là ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch HĐSL Công ty Công nghệ Hồng Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ LienVietTech, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Phó Chủ tịch phụ trách đầu tư là ông Trần Hữu Đức, Tổng Giám đốc FPT Venture. Phó Chủ tịch phụ trách Công nghệ là ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA. Phó Chủ tịch phụ trách Kết nối là ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Giám đốc TFI. Giám đốc Điều hành thường trực CLB là ông An Ngọc Thao, Chánh Văn phòng VINASA.

Phát biểu tại Lễ gia mắt, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB VDI cho biết: "Trong cách mạng 4.0, ai nhanh hơn sẽ thành công. Với sự ra mắt của CLB VDI, chúng tôi mong muốn trở thành một tổ chức năng động trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ trong nước và cả quốc tế. Các thành viên của VDI rất mạnh cả về công nghệ và quản trị, vì vậy, có thể phát huy các điểm mạnh này, chúng tôi kỳ vọng sẽ rút ngắn lộ trình khởi sự cho các DN non trẻ, để họ lớn nhanh, lớn mạnh và phát triển bền vững hơn".

Ra mắt Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp công nghiệp số Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu bấm nút ra mắt CLB

Trong kế hoạch của CLB, ngoài các hoạt động tư vấn và đầu tư cho các startup, VDI mong muốn CLB sẽ tập trung vào 2 hoạt động là kết nối và chia sẻ giữa các nhà đầu tư – các startup - các quỹ đầu tư - các chuyên gia công nghệ - chuyên gia tài chính – chuyên gia quản trị - các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…

Bên cạnh đó, VDI sẽ chú trọng đến việc bảo vệ bảo vệ bản quyền về trí tuệ về các ý tưởng cho các startup, đảm bảo các startup khi đến với VDI các ý tưởng về sản phẩm, giải pháp… đều được bảo vệ. Ngay trong giai đoạn trước mắt, các thành viên CLB cam kết cam kết đầu tư với mức ban đầu trên 6 triệu USD.

Cùng với việc ra mắt VDI, sẽ là các hoạt động khác thuộc Chuỗi sự kiện thúc đẩy Khởi nghiệp Công nghệ số trong khuôn khổ Techfest 2020, bao gồm 5 hoạt động chính: Hội nghị Nhu cầu - Thực trạng về đầu tư ICT tại Việt Nam 2020; Lễ ra mắt CLB Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ số Việt Nam (Vietnam Digital Investors - VDI); Hội nghị thúc đẩy Khởi nghiệp Công nghệ Số Việt Nam 2020; Pitching cho các startup công nghệ số Việt Nam 2020 (đại diện các startup sẽ tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư trong CLB VDI) và Triển lãm Startup Công nghệ số Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp công nghiệp số Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO