Chuyển động ICT

Ra mắt Mạng lưới chuyên gia ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông

AD 27/02/2023 13:39

Đại học Điện lực và Khoa Điện tử - Viễn thông vừa tổ chức Lễ ra mắt Mạng lưới chuyên gia ngành Công nghệ kỹ thuật (CNKT) Điện tử - Viễn thông.

3(1).jpg
Lễ ra mắt Mạng lưới Chuyên gia Ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp (DN), tại buổi lễ ra mắt mạng lưới, TS. Nguyễn Lê Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết: Mạng lưới chuyên gia ngành CNKT Điện tử - Viễn thông được thành lập với mục đích tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Trường Đại học Điện lực, người học với nhà sử dụng lao động và tiếp thu ý kiến các bên liên quan trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo ngành CNKT Điện tử - Viễn thông.

TS. Nguyễn Lê Cường cũng bày tỏ mong muốn các chuyên gia tham gia Mạng lưới sẽ hợp tác chặt chẽ với nhà trường trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên tốt nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu của nhà sử dụng lao động và sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông.

1.jpg
TS. Nguyễn Lê Cường mong muốn các chuyên gia tham gia Mạng lưới sẽ hợp tác chặt chẽ với nhà trường trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Mạng lưới Chuyên gia ngành CNKT Điện tử - Viễn thông gồm những nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đến từ các cơ quan, DN hàng đầu trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, CNTT của các đơn vị như: Vụ Khoa học và Công nghệ, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (Bộ TT&TT); Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel; Tập đoàn VNPT; FPT Telecom - Tập đoàn FPT; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Ban Viễn thông và CNTT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam;...

4.jpg
Ban Chủ tịch Mạng lưới Chuyên gia ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông ra mắt tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS Hà Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia nhấn mạnh: Xu hướng công nghệ và đòi hỏi thực tiễn của các cơ quan, DN sử dụng lao động sẽ có tác động rất lớn đến phương pháp giảng dạy trong các trường đại học.

Mạng lưới chuyên gia sẽ là thiết chế hiệu quả để gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với thực tiễn, để cho phép các chuyên gia, các đối tác, cơ quan, đơn vị là những người sử dụng lao động có cơ hội để tham gia sâu hơn trong quá trình xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo và hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, thực tập, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Điện lực.

Trong khi đó, từ góc độ DN, đại diện FPT Telecom, Tập đoàn FPT, bà Vũ Thị Khánh Nga, Phó phòng tuyển dụng và Phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia đánh giá điện tử - viễn thông là lĩnh vực trụ cột của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có sự phát triển rất mạnh trong thời gian tới, có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn, với thu nhập ngày càng cao.

Là một trong những DB viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, hiện nay FPT Telecom có khoảng 17.000 nhân sự, trong đó có trên 200 nhân sự là cựu sinh viên Trường Đại học Điện lực và chủ yếu đến từ Khoa Điện tử - Viễn thông, với số lượng và chất lượng nhân sự tăng mạnh trong những năm gần đây.

Có thể nói trong những năm qua, Trường Đại học Điện lực đã không ngừng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; Xây dựng mạng lưới chuyên gia và đổi mới chương trình đào tạo được cho là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng như nâng cao vị thế của Trường trong tương lai. 

Ngay sau buổi lễ ra mắt mạng lưới, Trường Đại học Điện lực cũng đã tổ chức Hội thảo đổi mới chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các tham luận về chủ đề: Phân tích, đánh giá sự cần thiết của việc hiệu chỉnh chương trình đào tạo ngành ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông; Nhu cầu nguồn nhân lực, vị trí việc làm, năng lực yêu cầu; Góp ý về mục tiêu, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo ngành ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông…./.

Bài liên quan
  • Cần xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất chất lượng
    Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được khoảng 1.000 chuyên gia năng suất, trong đó có khoảng 200 chuyên gia năng suất được chứng nhận theo chuẩn mực quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tăng cường hỗ trợ VNPI, ViProCB và các tổ chức, đơn vị đào tạo hoạt động trong lĩnh vực năng suất chất lượng để triển khai các chương trình, dự án đào tạo chuyên gia năng suất Việt Nam được chứng nhận theo chuẩn mực của quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt Mạng lưới chuyên gia ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO