Truyền thông

Sách thời 4.0 và vấn đề bản quyền

ThS. Phạm Võ Thanh Hà - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Bộ VHTTDL 06/05/2023 09:02

Ở thời 4.0, người ta có thể dễ dàng mua sách. Thay vì phải đến các cửa hàng, cửa hiệu như truyền thống, bất kỳ ai cũng có thể ngồi một chỗ và nhấp chuột.

Tuy nhiên, khi khoa học công nghệ phát triển thì việc vi phạm bản quyền sách, nhất là sách của các tác giả “yếu thế”... lại đặt ra những thách thức mới. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải lưu tâm hơn đến vấn đề này, trả lại môi trường trong sạch, lành mạnh cho việc xuất bản - phát hành sách, vì một xã hội thượng tôn pháp luật!

sach-4.0.png

Từ chuyện của GS. TS, Thiền sư Lê Mạnh Thát...

GS.TS, Thiền sư Lê Mạnh Thát là một tên tuổi lớn của học giới nước nhà. Có thể gọi ông là đại lực điền trên cánh đồng Văn học, Sử học và Phật học... Bởi đến thời điểm hiện tại, khối lượng các công trình sách vở gắn với tuổi tên ông thật là đồ sộ, để lại cho bạn đọc khắp nơi “nỗi kinh ngạc lẫn niềm cảm phục”.

Dưới đây là một danh mục công trình chưa hẳn đã đầy đủ của ông: Lịch sử Phật giáo Việt Nam (3 tập, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006); Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam (3 tập, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006); Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006); Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh (Nxb Hồng Đức, 2021); Toàn tập Minh Châu Hương Hải (Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2001); Toàn tập Trần Thái Tông (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2004); Toàn tập Trần Nhân Tông (Nxb Phương Đông, 2010); Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài (2 tập, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005); Nghiên cứu về Mâu Tử (Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008); Toàn tập Chân Đạo Chánh Thống (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004); Lịch sử Âm nhạc Việt Nam (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2001); Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam (2 tập, Tu thư Vạn Hạnh TP. Hồ Chí Minh, 1980); Triết học thế thân (Nguyên tác: The Philosophy of Vasubandhu, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005); Ngữ pháp tiếng Phạn (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2000); Ngữ pháp tiếng Tây Tạng (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2000); Bồ tát Quảng Đức: Ngọn lửa và trái tim (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006); Pháp liên pháp hoa quốc ngữ kinh (Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006); Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng (3 tập, Nxb Hồng Đức, 2019); Khương Tăng Hội toàn tập (Tập 1, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975)...

Hàng mấy chục đầu sách, hàng vạn trang in. Mỗi công trình là một núi công sức, tâm huyết. Biết bao mồ hôi đã đổ ra, xuyên thấm vạt áo và từng con chữ. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói ở đây không phải số lượng mà là chất lượng. Rất nhiều đầu sách của GS.TS, Thiền sư Lê Mạnh Thát như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Toàn tập Trần Thái Tông, Toàn tập Trần Nhân Tông... chỗ này chỗ khác vẫn còn ý tứ hay điều nọ điều kia cần phải trao đổi, thảo luận thêm nhưng không ai có thể phủ nhận là các công trình ấy đều có hàm lượng trí tuệ, khoa học cao.

Chính vì hàm lượng trí tuệ, khoa học cao mà như một lẽ tự nhiên, nhiều đầu sách của ông bị in lậu, làm nhái (fake). Thông thường, những sản phẩm bị in lậu, làm fake chỉ có thể rao bán bí mật hoặc ít ra cũng không công khai nhưng vì lợi nhuận, có cửa hàng bán sách trực tuyến đã không hề ngại ngùng chuyện này: thản nhiên đăng hình chụp kèm báo giá mà nếu bất cứ ai trong nghề, có con mắt tinh tường một chút, nhìn hình đăng, sẽ nhận ra đó là sách fake bởi sách fake thì tông màu, nét chữ ở bìa không bao giờ hoàn toàn như sách thật (may ra mới được 80 - 90% chất lượng sách gốc).

thanh-ha.png
Tác giả (trái) trong lần trao đổi với GS.TS, Thiền sư Lê Mạnh Thát (phải) về vấn đề sách của ông bị vi phạm bản quyền (Chùa Liên Phái - Bạch Mai, Hà Nội ngày 1/3/2023).

Người viết bài này nhiều lần hỏi chuyện GS.TS, Thiền sư Lê Mạnh Thát thì được ông chia sẻ rằng, ông không phải không biết nhiều cuốn sách, công trình của mình bị vi phạm tác quyền vì nhiều học trò, môn sinh của ông đã cung cấp những bằng chứng xác đáng. Thậm chí, có vị luật sư còn đến gặp trực tiếp ông, đề nghị được hỗ trợ ông đưa vụ việc vi phạm tác quyền ấy ra pháp luật... song ông có nhiều ngại ngần và đến nay vẫn chưa làm gì cả.

Ông ngại ngần bởi những vụ việc “đáo tụng đình” xưa nay mất rất nhiều thời gian và công sức, có khi từ vài tháng đến hàng năm mà ông thì đã xấp xỉ tuổi 80 (ông sinh năm 1944), quỹ thời gian không còn nhiều, lắm việc lại đang dang dở... nên đôi khi đành tặc lưỡi cho qua và nghĩ theo chiều hướng nhân văn là sách của mình có ích cho thiên hạ người ta mới in lậu để phục vụ đông đảo bạn đọc trong cũng như ngoài nước!

...Đến vấn đề bảo vệ bản quyền của các tác giả “yếu thế”

Dẫu rất kính trọng GS.TS, Thiền sư Lê Mạnh Thát thì người viết bài này cũng phải nói thật rằng, những chia sẻ của ông mang cả hướng tích cực và... tiêu cực. Tích cực là sự nuối tiếc thời gian để dành công sức sáng tạo thêm những công trình có ích cho học giới và xã hội; là cách nhìn nhận vấn đề đầy nhân ái, bao dung. Còn tiêu cực? Xin thưa, suy nghĩ ấy vô tình tiếp tay cho nạn vi phạm tác quyền đang ngày một trầm trọng!

Mà nói cho hết nhẽ, GS.TS, Thiền sư Lê Mạnh Thát là một tên tuổi lớn trong học giới còn bị xâm hại bản quyền như thế, nói gì đến những tác giả “yếu thế” (disadvantage)? Vậy tác giả “yếu thế” là ai? Tác giả “yếu thế” là những người mà danh vọng hãy còn khiêm tốn, đang bước đầu tìm chỗ đứng và xây dựng uy tín cá nhân, chưa được nhiều người biết tới.

Trong nhóm tác giả “yếu thế” này, có không ít người mới tốt nghiệp cao học, nghiên cứu sinh, là giảng viên hay nhà nghiên cứu trẻ ở các trường đại học, viện nghiên cứu... thuộc loại chưa có “số má”. Do yêu cầu công việc, một thời gian sau khi bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ, nhiều người trong số họ đã sửa sang, bổ sung, nâng cao luận văn, luận án để in thành sách nhằm công bố, giới thiệu thành quả khoa học của mình. Những cuốn sách được công bố có nội dung thuộc về chuyên môn hẹp, không dành cho số đông thường không sao, còn những cuốn sách có đề tài hay, nội dung hấp dẫn, có sự quan tâm của số đông độc giả thì ngay lập tức bị vi phạm. Các “đầu nậu” với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại... chỉ cần có một cuốn sách trong tay, họ có thể nhân bản lên hàng chục, hàng trăm lần theo kiểu sách fake. Tác giả bị vi phạm bản quyền, còn độc giả - nhất là những người ở các tỉnh, thành xa trung tâm, xa các đô thị lớn - thì hồn nhiên mua mà không biết mình đang trả tiền cho một món hàng nhái, kém chất lượng và vi phạm pháp luật.

Cần phải nói thêm là không chỉ những luận văn, luận án có đề tài hay, nội dung hấp dẫn khi in thành sách mới bị vi phạm bản quyền mà ngay cả những luận văn, luận án chưa được in thành sách cũng không được ai, cơ quan nào bảo vệ. Chuyện vi phạm này, rất đáng tiếc, xuất phát từ yêu cầu công khai, minh bạch hóa kết quả nghiên cứu khoa học: các trường đại học, viện nghiên cứu theo quy đinh, luôn yêu cầu học viên, nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ luận văn, luận án phải công khai nội dung lên website của cơ sở đào tạo trong một khoảng thời gian nhất định. Chưa hết, khi họ nộp luận văn, luận án lên thư viện trường, thư viện quốc gia (đối với luận án Tiến sĩ), ngoài một bản giấy được đóng quyển bìa cứng, họ phải cung cấp cả bản thảo điện tử đã copy vào đĩa cứng. Thế là chẳng bao lâu sau, luận văn, luận án của họ được dịp trôi nổi trên các chợ tài liệu trực tuyến. Muốn mua những luận văn, luận án ấy, người ta chỉ cần bỏ ra một khoản tiền từ hai mươi đến năm mươi hay một trăm ngàn đồng tùy nội dung và độ dày mỏng của tài liệu. Số tiền này thường được quy đổi thành các thẻ cào điện thoại có mệnh giá tương đương, tùy yêu cầu của nơi rao bán.

Thực tế hiện nay cho thấy, các nhà xuất bản (NXB) vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp thường thờ ơ với việc vi phạm bản quyền sách. Họ chỉ quan tâm đến các công đoạn: nhận bản thảo, cử người biên tập, cấp phép, in, nộp lưu chiểu, giao sách cho đối tác liên kết hoặc hệ thống phát hành... còn mọi chuyện thế nào sau đó thì họ coi như không liên quan, trừ khi sách có sai phạm gì đấy. Chỉ một ít NXB có thương hiệu mạnh, một ít công ty sách tư nhân là không khoan nhượng với việc vi phạm bản quyền... song kết quả mà chúng ta thu được rất hạn chế. Dường như các cơ quan chức năng chỉ vào cuộc với những vụ việc vi phạm lớn, chỉ bắt những “con cá to” lôi ra trước ánh sáng công lý. Chẳng hạn: “ngày 18/6/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03), phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đột kích Công ty In, văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Phú Hưng Phát.

Tại 19 xưởng in, gia công và 15 kho hàng, cảnh sát niêm phong nhiều tài liệu liên quan và 3 dây chuyền máy in offset 4 màu cùng các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách... phục vụ sản xuất sách giả.

C03 còn thu giữ hơn 3 triệu cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo giả từ lớp 1 đến 12, cùng nhiều sổ sách kế toán liên quan. C03 đang phân loại sách giáo khoa giả, tài liệu thu giữ và triệu tập một số nghi phạm để làm rõ hành vi phạm tội.

Để tránh bị phát hiện, đường dây này sản xuất luôn tem giả và mọi quy trình khác từ in ấn đến đóng gói, tiêu thụ đều hoạt động khép kín. Ở mỗi khâu, nhóm tội phạm thành lập một doanh nghiệp để điều hành.

Theo lãnh đạo C03, đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Thủ đoạn của chúng là chia nhỏ các khâu để qua mặt cảnh sát.

“Khách hàng” là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh” - (theo báo Lao Động ngày 23/7/2021)...

Đó là “đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay”, còn những vụ việc “vừa vừa” hoặc nhỏ hơn thì chúng ta ít thấy... trong khi vi phạm bản quyền sách dù “lớn”, “vừa vừa” hay “nhỏ” đều là vi phạm pháp luật. Không xã hội nào dung túng cho những hành vi vi phạm ấy! Mọi tác giả, dù là tên tuổi lớn, đã có “thương hiệu” hay thuộc diện “yếu thế” đều phải được bảo vệ tác quyền như nhau, không phân biệt tuổi tác, địa vị.

Vẫn biết, khi khoa học công nghệ càng phát triển thì chuyện vi phạm bản quyền sách ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và các cơ quan chức năng cũng còn nhiều việc khác nữa để làm... song không còn quá sớm để chúng ta quan tâm hơn tới vấn đề nhức nhối này - vấn đề bản quyền sách, nhất là bản quyền sách của các tác giả “yếu thế” - vì một môi trường xuất bản trong sạch, lành mạnh và thượng tôn pháp luật!

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Sách thời 4.0 và vấn đề bản quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO