Các sản phẩm giáo dục Việt nhận được sự quan tâm
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện Viettel giới thiệu mạng xã hội (MXH) học tập Viettelstudy. Đây là nền tảng 3 trong 1: MXH an toàn, dành cho các em học sinh có định danh người dùng và phân rõ vai trò của từng đối tượng sử dụng; Hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến LMS cung cấp công cụ giúp giáo viên chủ động xây dựng khóa học, kỳ thi trực tuyến một cách dễ dàng; Sàn giao dịch thương mại điện tử giúp giáo viên cung cấp và phân chia dịch vụ giáo dục trực tuyến nhanh chóng, tiện lợi. Nền tảng này giúp các bậc phụ huynh có thể giám sát, quản lý các con và là công cụ để các con tránh vào các trang web độc hại, bạo lực. Sản phẩm đã nhận Giải vàng Giải thưởng ICT ASEAN (Asean ICT Award) 2019.
Trong khi đó, đại diện của FPT cho biết từ năm 2018, FPT đã có sân chơi Olympics. Tính đến nay có khoảng 32 triệu lượt học sinh từng tham gia và học tập trên Olympics. Trước những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ và đặc biệt là những ứng dụng AI trong năm vừa qua, dựa trên nền tảng Olympics, FPT đã phát triển sản phẩm mới là VioEdu.
VioEdu như là một trợ lý học tập, là sân chơi cho trẻ em hàng ngày và được cá nhân hóa để mỗi trẻ em có thể có một lộ trình học tập riêng, phù hợp với mình.
"Chúng tôi ứng dụng rất nhiều lý thuyết trò chơi qua các hình ảnh hoạt hình vào trong hệ thống để các con học thấy thú vị, không bị nhàm chán. Hệ thống cũng cho phép phụ huynh nhận được báo cáo về kết quả học tập và theo dõi quá trình của con trên môi trường mạng", theo đại diện của FPT.
Kể từ khi triển khai tháng 9/2018 đến nay, đã có 500.000 em học sinh học tập trên hệ thống. Dịch Covid-19 có khoảng 100 triệu lượt thực hành trên hệ thống. Hệ thống đã đạt giải APICTA châu Á vào năm 2019 và trong đợt Covid-19 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen về việc hỗ trợ nhà trường, học sinh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, sáng lập hệ thống đào tạo trực tuyến Everlearn, nền tảng để cho các em học sinh và cả người lớn có thể học tập liên tục suốt đời. Everlearn tập trung nhiều vào các dạng nội dung, đặc biệt phân chia thành các nội dung nhỏ (microlearning). Hệ thống giúp các em học sinh mỗi ngày học ít nhưng tích tiểu thành đại, hướng dẫn các con học tập ngày càng hiệu quả và hứng thú hơn.
Về phía Học viện Teky, ông Kiều Mạnh Tiến, sáng lập Học viện cho biết Teky giảng dạy STEM, hiện có 16 cơ sở trên toàn quốc và hơn 10.000 học sinh đang theo học. Teky đào tạo theo 2 mô hình học học online, offline và nỗ lực tạo hứng thú cho học sinh học tập. Teky là 1 trong 16 dự án giáo dục tiêu biểu được lấy làm mẫu để báo cáo tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos tháng 1/2020.
Với sản phẩm Kyzpro, bà Đỗ Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MobiFonePlus cho biết Kyzpro có thể bảo vệ trẻ em trên mạng và đã thành công ở một số nước Trung Đông, châu Á. Bố mẹ có thể kiểm soát con cái trên tất cả các công cụ như máy tính bảng, điện thoại. Giải pháp bảo đảm an toàn dữ liệu, lọc nội dung mạnh mẽ và được cập nhật liên tục.
Cần nắm bắt nhu cầu của trẻ để sáng tạo sản phẩm
Mong muốn có nhiều sản phẩm sáng tạo nữa dành cho trẻ em, ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết các bài giảng cho con trẻ em không nên quá dài, bởi sẽ làm trẻ em chán.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thanh Sơn, ông Thanh cho rằng các sản phẩm số được sáng tạo cho con trẻ cần theo hướng micro learning. Trẻ em có thể học chỉ cần trong 5 phút, 3 phút, thậm chí 1 phút, nhưng kiến thức tích tiểu thành đại, lúc đó mới có kết quả. Phải quan tâm đến nhu cầu của trẻ em là vừa học vừa chơi.
Ông cũng cho biết năm vừa qua Hội cùng với các DN hướng tới tạo môi trường lành mạnh cho trẻ em. Hội đã phối hợp với các đơn vị thành lập hội đồng đối tác an toàn để tập trung giúp môi trường mạng an toàn hơn. Năm ngoái, chương trình "tiên học lễ" chạy 2 tuần trên TikTok có tới 46 triệu lượt xem. Năm nay, Hội đang phối hợp với VTV 7 làm chương trình khuyến khích các em học sinh sống văn minh, không bắt nạt… Trẻ em trên trường lo lắng nhất là bị bắt nạt nên cần phải giải quyết vấn đề này.
Cần sự ủng hộ từ nhiều phía để phát triển sản phẩm Việt
Đại diện của Viettel cho biết tiềm năng phát triển các sản phẩm giáo dục cho trẻ em là rất lớn, theo đó, cần sự nhận thức, vào cuộc của các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà trường, cơ quan quản lý. Dịp Covid-19, gần 4 triệu tài khoản ViettelStudy được tạo mới. Các em vào MXH này học tập và chat. Nếu có sự đồng hành của Bộ GD&ĐT, các trường thì kết quả cao hơn.
Còn theo FPT, thị trường nội dung trẻ em vô cùng lớn. Nếu các sản phẩm giáo dục chất lượng được đưa vào chương trình học tập chính khóa rất cần sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Các DN "Make in Vietnam" luôn mong muốn đưa sản phẩm vào các nhà trường học để các con học tập thật sự hiệu quả.
Phân tích một khía cạnh tiềm năng khác của cơ hội sáng tạo sản phẩm giáo dục, ông Kiều Mạnh Tiến cho biết: Bố mẹ luôn sẵn sàng đầu tư cho con cái học tập nên đây là phân khúc tiềm năng.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng có hai khó khăn, đó là cho dù học sinh thích một sản phẩm mà phụ huynh không thích thì cũng khó phát triển. Thứ hai là để DN đồng hành cùng các bạn nhỏ thì cần phải sự đồng hành của các nhà trường.
Trong khi đó, theo MobiFonePlus, mỗi giải pháp công nghệ đều có chức năng nhất định. Cái khó đối với DN là nhận thức của phụ huynh. Phụ huynh phải "thông" về sản phẩm công nghệ dành cho trẻ em mới thúc đẩy trẻ em sử dụng.