Ngày 07/9/2018, tại Hà Nội, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2018 - 2019. Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã đến dự và phát biểu tại Lễ khai giảng. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành TTTT Chu Văn Bình, đại diện các doanh nghiệp Viettel, VNPT, Samsung Electronics, Ngân hàng Agribank… cùng các giáo viên, sinh viên của Học viện tham dự Lễ khai giảng.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Học viện công nghệ BCVT là ngôi trường duy nhất tại Việt Nam đào tạo chính quy, tập trung về lĩnh vực công nghệ ICT, BCVT. Đây là những ngành công nghiệp được kỳ vọng là cánh cửa để tạo ra sự phát triển đột phá cho đất nước trước cách mạng 4.0. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá lên so với mặt bằng thế giới trước đó. Việt Nam hoàn toàn có trong tay cơ hội này bởi cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của việc sử dụng để công nghệ giải quyết các vấn đề của mình. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, chúng ta có nhiều bài toán cần tìm lời giải. “Sinh viên của Học viện đang thực sự có một cơ hội trực tiếp góp sức đưa đất nước bứt phá. Đất nước chúng ta có thể vươn lên hay tụt lại phía sau điều này phụ thuộc rất lớn ở các em”.
Theo Quyền Bộ trưởng, những sinh viên sẽ là chủ nhân, người trong tương lai không xa - thậm chí có thể là ngay hôm nay, sẽ trực tiếp tham gia, dẫn dắt một ngành được lịch sử giao nhiệm vụ góp phần quyết định tương lai của đất nước:
Trước tiên là việc học, “Để trở thành một sinh viên xuất sắc không có nghĩa là phải luôn có điểm cao trong mọi môn học, mọi đồ án. Hơn thế, các em phải luôn kiên quyết và bền chí, phải làm việc chăm chỉ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chấp nhận môn học. Hãy luôn tò mò, luôn mạnh dạn khám phá những niềm say mê mới, xây dựng những kỹ năng mới, tự trang bị kiến thức và kỹ năng nhằm đạt được nghề nghiệp mà các em muốn. Các em càng làm nhiều thì các em càng sớm nhận ra điều gì làm cho bản thân trở nên hoạt bát, điều gì có khả năng khuấy động đánh thức bản thân, điều gì khiến các em hứng thú. Các em chỉ có thể biết mình thực sự hứng thú với điều gì, giỏi nhất ở lĩnh vực nào, sau khi các em thực sự bắt tay vào làm việc đó”.
“Hãy bắt đầu hành trình bằng sự thay đổi tâm thế và cách thức thực hiện hành trình ấy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các em trách nhiệm với việc học tức là các em có trách nhiệm với chính bản thân mình, có trách nhiệm với tương lai của mình”.
Thứ hai, sinh viên cần phải đặt mình vào tâm thế tham gia giải quyết những vấn đề của đất nước ngay tại đây, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngay tại năm học này.
Thứ ba là việc đối mặt với thất bại. “Người mạnh mẽ nhất không phải là người luôn thành công mà là người thành công khi đã từng thất bại” và cũng đừng ngại hỏi. “Người đặt ra câu hỏi không phải là một người yếu kém, trái lại, đó là một người cực kỳ tự tin và đang muốn mọi người giúp mình đạt được mục tiêu. Một câu hỏi đúng đã giúp các em giải được 70% vấn đề. Càng hỏi nhiều các em càng phát hiện nhiều vấn đề”.
“Tương lai của các em nằm trong tay các em. Cuộc sống của các em là cái mà các em tạo ra. Và chẳng có gì - hoàn toàn chẳng có gì - vượt ra ngoài tầm vươn tới của các em. Miễn là các em sẵn sàng dám mơ ước những điều lớn lao. Miễn là các em sẵn sàng làm việc chăm chỉ”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trao đổi với các giảng viên của Học viện, những người đồng hành của các sinh viên, Quyền Bộ trưởng yêu cầu các giảng viên cố gắng trang bị cho các sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết, thái độ cần thiết để đào tạo sinh viên cho nền kinh tế thế kỷ 21, một nền kinh tế số. Không chỉ chuyên môn mà còn là khả năng vượt qua mọi nghịch cảnh, khả năng luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, khả năng thích ứng nhanh với mọi thay đổi của cuộc sống. "Là một trường về công nghệ, hãy dạy cho các em biết cách giải quyết các vấn đề của mình bằng công nghệ".
“Các thầy cô cũng phải huấn luyện nhiều hơn, giao việc thực hành nhiều hơn cho sinh viên. Tạo môi trường trao đổi, tranh luận nhiều hơn cho sinh viên. Huấn luyện tức là để cho sinh viên tự học, tự làm nhiều hơn, nhưng có mục tiêu, có đích đến cần đạt được. Nếu chúng ta huấn luyện nhiều hơn thì sinh viên sẽ giỏi lên nhiều hơn. Để huấn luyện nhiều hơn thì các thầy cô cũng phải thực hành nhiều hơn”.
Theo Quyền Bộ trưởng, đối với Học viện, đầu ra của nhà trường chủ yếu là doanh nghiệp (DN). Vậy nhà trường phải gắn kết nhiều hơn với DN, phải hiểu DN nhiều hơn. Hãy tìm đến DN xem họ đánh giá sinh viên tốt nghiệp của mình thế này. Hãy hỏi họ xem tuyển kỹ năng gì, kiến thức gì.
Một trường đại học theo hướng nghiên cứu thì nguồn thu từ nghiên cứu cũng phải 30 – 40%. Đó là các nghiên cứu cho chính phủ, cho DN. “Đất nước ta muốn sánh vai cường quốc năm châu thì phải dựa vào công nghệ, vào nghiên cứu công nghệ. Chúng ta có lợi thế to lớn là sinh viên những người tuổi trẻ đầy khát khao lao động và cống hiến. Hãy coi tài sản lớn nhất của nhà trường là sinh viên”.
Quyền Bộ trưởng khẳng định cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ là cơ hội cho tất cả những ai đi đầu phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0. Không như các lần trước đây, công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi cách chúng ta làm việc, kinh doanh, dạy học. Thách thức lớn nhất là sự thay đổi, là sự sớm chấp nhận các mô hình mới về kinh doanh, quản trị và dạy học. Một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng công nghệ. Nhà trường không chỉ đưa công nghệ 4.0 vào giáo trình giảng dạy mà quan trọng hơn là thay đổi cách dạy học - dạy học thời 4.0.
Năm học 2018 - 2019: năm học khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới
Năm học 2018-2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm Học viện kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Bưu điện, đơn vị tiền thân của Học viện ngày nay, cũng là năm khởi đầu cho một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển của Học viện, mở ra một giai đoạn phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Học viện. Uy tín của Học viện không chỉ là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, giảng viên mà còn là niềm tin vững chắc cho các em sinh viên, các bậc phụ huỵnh và xã hội về một ngôi trường đào tạo chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, Giám đốc Học viện Vũ Văn San chia sẻ.
Tổng kết năm học 2017 – 2018, Học viện đã xây dựng đề án mở ngành đào tạo Cử nhân Thương mại Điện tử và được Bộ GD&ĐT cấp phép, tuyển sinh ngay trong mùa tuyển sinh năm 2018; Thực hiện việc liên kết đào tạo đại học, thạc sĩ với các trường đại học CSI, Arizona (Mỹ), Aizu (Nhật Bản), Jeonju (Hàn Quốc). Về quy mô đào tạo năm học 2017-2018 của toàn Học viện là gần 15.000 sinh viên, học viên trong đó tập trung chủ yếu vào khối đào tạo dài hạn hệ Đại học chính quy, số lượng các sinh viên hệ phi chính quy nhìn chung giảm trong các năm gần đây. Tỷ lệ học viên, sinh viên đạt kết quả loại Khá - Giỏi trở lên chiếm 45%; Trung bình là 40%; Yếu và Kém là 15%. Kết quả học tập, rèn luyện của học viên, sinh viên là khá tốt, phản ánh đúng kết quả đào tạo của Học viện và trình độ năng lực của học viên, sinh viên.
Năm học 2017 - 2018, Học viện cũng đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT. Học viện cũng đã triển khai tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo về phát triển kỹ năng cho sinh viên và các hội thảo về tư vấn giới thiệu việc làm với hàng ngàn lượt sinh viên được tham dự. Năm 2017, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp đạt 68%, đúng ngành nghề đào tạo hoặc có sử dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo trong nghề nghiệp đạt 84% trong tổng số 98% sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) các cấp của Học viện được triển khai đồng bộ, đúng quy định và có hiệu quả. Số đề tài NCKH sinh viên thực hiện là 144 đề tài được phê duyệt với trên 500 sinh viên đã trực tiếp tham gia công tác NCKH. Cụ thể năm 2017, Học viện có 4 đề tài đạt giải thưởng sinh viên NCKH của Bộ GD&ĐT, gồm 01 giải Nhất, 01 giải Ba và 02 giải Khuyến khích.
Về hoạt động hợp tác quốc tế, Học viện tiếp tục duy trì, triển khai các hoạt động hợp tác với hàng chục đối tác, trường đại học quốc tế khác mà Học viện đã ký MoU và có các thỏa thuận hợp tác trước đó, điển hình như: Viện NICT (Nhật Bản), Viện KAIST (Hàn Quốc), Viện Công nghệ Shibaura (Nhật Bản), Tổ chức REI (Mỹ), Tổ chức Almalaurea (Ý), Công ty Samsung (Hàn Quốc); Viện nghiên cứu Điện tử Viễn thông ETRI (Hàn Quốc), Công ty Motorola (Mỹ); Đại học Jeonju (Hàn Quốc); Đại học Busan (Hàn Quốc); Đại học Công nghệ Sydney (Úc), Đại học Aizu (Nhật Bản); Đại học Lille 1 (Pháp)..v.v.
Năm học 2018 - 2019, số lượng sinh viên Học viện tuyển được vẫn đảm bảo theo chỉ tiêu và với mức điểm trúng tuyển cao từ 19,05 - 22,00 điểm đối với Cơ sở Hà Nội và từ 16,50 - 20,25 điểm đối với Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh, nằm trong top 3 các trường Đại học về ICT. Số lượng học sinh nhập học là 3.499/3050 đạt 101,4% so với chỉ tiêu.
Trao đổi với các tân sinh viên, Giám đốc Vũ Văn San khẳng định, những nỗ lực của các tân sinh viên trong những năm tháng dưới mái trường Học viện Công nghệ BCVT sẽ là kết quả trưởng thành trong tương lai của chính các em và hy vọng các tân sinh viên tự ý thức được và khai thác có hiệu quả thời gian và khả năng tiếp thu, lĩnh hội tri thức để đầu tư cho chính tương lai của mình.
Thay mặt cho các sinh viên của Học viện, tân sinh viên Phùng Thị Nguyệt, khoa CNTT đã xúc động hứa với các thầy cô sẽ đem hết trí lực, tâm lực để học tập, nghiên cứu, chứng minh, khẳng định với xã hội rằng sản phẩm nhân lực mà Học viện công nghệ BCVT đào tạo và cung cấp cho xã hội là sản phẩm có chất lượng tốt, tốt về nhân cách đạo đức, tốt về tư duy khoa học, tốt về kỹ năng nghề nghiệp. Đó là một cách tri ân với nhà trường và thầy cô.