Sếp Cốc Cốc: Tìm kiếm bằng giọng nói đang được ưa chuộng, đặc biệt với GenZ

Thế Phương| 26/05/2021 08:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện Cốc Cốc, xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói đang rất phát triển và được ưa chuộng, đặc biệt là thế hệ GenZ (sinh từ 1995-2012). Ngoài ra, đơn vị này đang phát triển những tính năng ưu tiên hiển thị các kết quả đã được xác định là chính xác/nguồn tin cậy.

Cuối tháng 4/2021, tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước quý 1/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra các bài toán lớn để đặt hàng các doanh nghiệp (DN) công nghệ số. Theo đó, Bộ TT&TT đã đặt vấn đề về một công cụ tìm kiếm mới, trong đó khi người dùng hỏi một câu thì sẽ được cung cấp một câu trả lời đáng tin cậy, có thể dùng được. Ngoài ra, người sử dụng còn có thể giao tiếp với công cụ tìm kiếm qua giọng nói, điều này sẽ tạo ra sự thân thiện và gần gũi hơn.

Bài toán về công cụ tìm kiếm Việt không phải là bây giờ mới được đặt ra mà nó đã xuất hiện từ những năm 2001-2002. Mới nhất, năm 2013, Cốc Cốc và Wanda cũng đã tiếp tục giải bài toán này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có công cụ tìm kiếm "Make in Vietnam" của Cốc Cốc là vẫn còn tiếp tục tồn tại và phát triển. Chưa kể đến, trình duyệt Cốc Cốc cũng đã trở thành trình duyệt phổ biến thứ 2 tại Việt Nam với hơn 25 triệu người dùng - tương đương gần một nửa số người dùng Internet cả nước.

Sếp Cốc Cốc: Tìm kiếm bằng giọng nói đang được ưa chuộng, đặc biệt với GenZ - Ảnh 1.

PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với bà Alisa Zhazhieva - Quản lý sản phẩm Cốc Cốc Search để có cái nhìn rõ hơn về các bài toán mà Bộ TT&TT đặt ra cho các DN công nghệ số.

Khó xác định nhu cầu tìm kiếm để đưa ra một câu trả lời duy nhất

PV: Thưa bà, trên thế giới, có những công cụ tìm kiếm nào đi theo dạng 1 câu hỏi – 1 câu trả lời hay không? Mức độ quan tâm của người dùng với những công cụ tìm kiếm đi theo mô hình này như thế nào?

Bà Alisa Zhazhieva: Trên thế giới, có một số công cụ hoạt động theo mô hình 1 câu hỏi - 1 câu trả lời như Wolfram Alpha và Ask.com. Tuy nhiên, cả Ask và Wolfram đều không chinh phục được lượng người dùng lớn.

Tuy nhiên, như với Wolfram Alpha, sản phẩm này không hoạt động như một công cụ tìm kiếm thông thường mà giống như website giải đáp kiến thức khoa học thường thức. Tại đó, người dùng nhập câu hỏi vào ô tìm kiếm, máy tính sẽ nghiên cứu câu hỏi và đưa ra câu trả lời phù hợp nhất và duy nhất. Công nghệ này được gọi là "Tri thức điện toán". Bản thân Wolfram cũng tự khẳng định họ không phải là search engines (công cụ tìm kiếm) mà giống như một công cụ giải đáp kiến thức (computational knowledge engine).

Tại Việt Nam, Cốc Cốc cũng có tính năng "Cơ sở tri thức" (Knowledge Block) và được hoạt động theo nguyên lý này, tương tự Wolfram Alpha.

Sếp Cốc Cốc: Tìm kiếm bằng giọng nói đang được ưa chuộng, đặc biệt với GenZ - Ảnh 2.

Bà Alisa Zhazhieva: Việc thay đổi thói quen khiến mọi người dùng tìm kiếm bằng giọng nói nhiều hơn, đặc biệt là thế hệ GenZ.

PV: Bà có thể cho biết khó khăn nhất khi thực hiện bài toán chỉ hiển thị một kết quả đáng tin cậy khi người dùng tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm là gì? So với mô hình tìm kiếm này thì phương thức tìm kiếm truyền thống hiện nay có những ưu và nhược điểm như thế nào?

Bà Alisa Zhazhieva: Đối với mô hình tìm kiếm chỉ có một kết quả, tôi phải đặt vấn đề lại là người dùng có thật sự muốn một câu trả lời duy nhất hay không? Bởi vì, rất khó để xác định nhu cầu thông tin thực sự của người dùng thông qua những từ khóa, nhất là những từ khóa mang tính ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ nói. Bởi ta sẽ không thể hiểu được người dùng thực sự muốn gì. Với cùng 1 truy vấn nhưng có thể người dùng có các nhu cầu tìm kiếm khác nhau về website, tin tức, hình ảnh, video....

Đây cũng là một vấn đề mà Wolfram đang gặp phải là việc xử lý những truy vấn với ngôn ngữ tự nhiên, phức tạp của người dùng, ngay cả khi sử dụng ngôn ngữ tìm kiếm là tiếng Anh. Điều này đã dẫn đến các câu trả lời của Wolfram Alpha không được đạt chất lượng mà người dùng mong muốn.

Một ví dụ điển hình là khi thử tìm kiếm về "Covid 19" trong ô tìm kiếm của Wolfram, kết quả nhận về sẽ chỉ là số lượng ca nhiễm, trong khi người dùng có thể cần thông tin về triệu chứng, tin tức Covid-19 mới nhất. Hay ở lĩnh vực máy tính như tìm từ khóa "học python" (learn python - một ngôn ngữ lập trình) vào ô tìm kiếm của Wolfram, thay vì hiển thị về lập trình Python thì công cụ này lại hiển thị nội dung và hình ảnh về trăn Nam Mỹ.

Mô hình hoạt động của các công cụ tìm kiếm phổ biến hiện nay là hiển thị nhiều kết quả được sắp xếp theo sự phù hợp với nội dung truy vấn. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng đây là cách thuận tiện và có lợi nhất cho người dùng. Bởi khi thực hiện các truy vấn tìm kiếm trên Internet, người dùng có thể có những nhu cầu về mặt thông tin khác nhau, từ văn bản, hình ảnh, tin tức đến video… Chẳng hạn, khi người dùng tìm kiếm từ khóa "Tết nguyên đán", có thể họ muốn tìm kiếm về lịch sử Tết nguyên đán, các phong tục, hình ảnh về ngày lễ hay đơn giản là chỉ muốn tìm các câu chúc Tết…

Đối với Cốc Cốc, các kết quả tìm kiếm được thiết kế riêng cho người dùng Việt và có nhiều tính năng độc đáo mà các công cụ tìm kiếm khác không có. Tiêu biểu như tính năng Vertical Search - tìm kiếm theo chuyên đề. Vertical Search hoạt động khi người dùng truy vấn một số nhóm nội dung ví dụ như công thức nấu ăn, thời tiết, cung hoàng đạo, bài giảng học tập,… Cốc Cốc sẽ đưa ra một "lớp lọc" giúp người dùng có thể tùy biến tìm kiếm của mình.

Khi tìm kiếm về công thức nấu ăn, Cốc Cốc có thể cho phép người dùng lựa chọn thêm về "thực đơn, loại ẩm thực (Việt/Á/Âu..), nguyên liệu. để gợi ý những món ăn phù hợp nhất.

Sếp Cốc Cốc: Tìm kiếm bằng giọng nói đang được ưa chuộng, đặc biệt với GenZ - Ảnh 3.

Đối với một số truy vấn cụ thể, Cốc Cốc có thể nhấn mạnh hay làm nổi bật hoặc đẩy những kết quả đã được xác định là chuẩn xác, có nguồn gốc uy tín cậy lên đầu, đóng vai trò như một nguồn tài liệu tham khảo đáng tin.

Tìm kiếm bằng giọng nói chủ yếu để tìm đường hoặc gọi ai đó

PV: Theo bà, đối với tính năng tìm kiếm bằng giọng nói, trên thế giới, việc phát triển mô hình này như thế nào và công cụ tìm kiếm nào đang ứng dụng tính năng này tốt nhất?

Bà Alisa Zhazhieva: Gần đây, việc tìm kiếm bằng giọng nói (voice search) rất phát triển và được ưa chuộng. Bản thân Cốc Cốc, chúng tôi cũng có đã giới thiệu tùy chọn này. Việc tìm kiếm bằng giọng nói bản chất chỉ thay thế hành động của người dùng là nhập nội dung tìm kiếm bằng bàn phím (từ điện thoại/ máy tính) vào ô tìm kiếm.

Tuy nhiên, cách thức mà công cụ tìm kiếm thực hiện trả về các kết quả khi tìm kiếm bằng giọng nói vẫn tương tự như cách nhập thông tin bằng bàn phím. Đặc biệt, Cốc Cốc có ưu điểm là các kết quả được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người dùng Việt Nam (các tìm kiếm theo chủ đề - vertical search) nên có mức độ chính xác cao.

Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng giọng nói hiện được ứng dụng rất phổ biến trên các thiết bị thông minh như loa thông minh, máy lọc không khí, đèn thông minh… Ngoài ra, tìm kiếm bằng giọng nói còn được sử dụng khá nhiều ở văn phòng, ở các thiết bị công cộng...

PV: Thưa bà, hiện nay người dùng chủ yếu tìm kiếm bằng giọng nói những nội dung gì? Từ đó, bà đánh giá như thế nào về xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói trong tương lai?

Bà Alisa Zhazhieva: Hiện tại, hầu hết những truy vấn tìm kiếm bằng giọng nói của người dùng vẫn tập trung nhiều vào các nhu cầu cá nhân như tìm đường đi, tìm địa chỉ… hơn là tìm kiếm thông tin, kiến thức.

Số liệu về mục đích sử dụng trợ lý ảo qua giọng nói:

Sếp Cốc Cốc: Tìm kiếm bằng giọng nói đang được ưa chuộng, đặc biệt với GenZ - Ảnh 4.

Số liệu về địa điểm/ tình huống người dùng thường sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói

Sếp Cốc Cốc: Tìm kiếm bằng giọng nói đang được ưa chuộng, đặc biệt với GenZ - Ảnh 5.

Người dùng chủ yếu tìm kiếm bằng giọng nói khi ở nhà một mình.

Cốc Cốc hiểu và nắm rõ về các xu hướng này nên đã phát triển nhiều tính năng phù hợp ngay trên chính công cụ tìm kiếm của mình. Chẳng hạn như đối với vấn đề học tập, Cốc Cốc Search cung cấp cụm tính năng Cốc Cốc Học Tập, giúp việc làm bài tập về nhà dễ hơn bao giờ hết.

Xu hướng sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói trong tương lai sẽ liên quan đến thói quen, hành vi sử dụng Internet của người dùng hơn là vấn đề kỹ thuật.

Xu hướng tìm kiếm theo chuyên đề

PV: Theo bà, những xu hướng nào của các công cụ tìm kiếm đang được triển khai mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, Cốc Cốc đã và sẽ ứng dụng như thế nào?

Bà Alisa Zhazhieva: Tôi thấy rằng, có 3 xu hướng đang điển triển khai mạnh mẽ trên thế giới, đầu tiên là việc tìm kiếm trên thiết bị di động (mobile search). Cốc Cốc cũng đã tùy chỉnh công cụ tìm kiếm của mình với tìm kiếm bằng giọng nói và tăng trải nghiệm của người dùng trên di động để phù hợp với bối cảnh này. Bên cạnh đó, cuộc đua về phát triển trợ lý ảo thông minh cũng đang dần trở nên nóng hơn trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các công cụ tìm kiếm lớn cũng đang phát triển theo tìm kiếm chuyên đề - Vertical Search - tương tự như ở Cốc Cốc. Tuy nhiên, trong khi các công ty toàn cầu chỉ tập trung vào các nước phát triển thì Cốc Cốc đang thiết kế, xây dựng các chuyên đề phù hợp nhất với người dùng Việt Nam.

Cuối cùng, các công ty phát triển công cụ tìm kiếm đang ngày càng tập trung phát triển theo hướng đề xuất nội dung theo sở thích người dùng. Những nội dung, thông tin từ các công cụ này được đưa đến người dùng theo hướng cá nhân hóa bằng cách sử dụng các công cụ đề xuất nội dung. Chẳng hạn như phần đọc tin theo sở thích của Cốc Cốc, đề xuất nội dung của Google, gợi ý nội dung của Youtube, gợi ý sản phẩm của Amazon ...

Sếp Cốc Cốc: Tìm kiếm bằng giọng nói đang được ưa chuộng, đặc biệt với GenZ - Ảnh 6.

Với những truy vấn cần độ chính xác cao, Cốc Cốc có thể làm việc với Chính phủ hoặc những nguồn thông tin đáng tin cậy khác nhau, đồng thời kết hợp công nghệ tiên kết...

PV: Đối với bài toán mà Bộ TT&TT đặt ra, Cốc Cốc có kiến nghị, đề xuất gì để có thể giải bài toán này hay không?

Bà Alisa Zhazhieva: Tôi cho rằng, công cụ tìm kiếm không hoạt động theo cơ chế một câu hỏi và một câu trả lời. Vì bản chất truy vấn của người dùng khi tìm kiếm rất đa dạng, không phải lúc nào cũng thuộc dạng câu hỏi. Với mỗi vấn đề người dùng tìm kiếm, có thể có những loại kết quả khác nhau phù hợp với từng người. Ví dụ, khi người dùng tìm kiếm về "Cốc Cốc", có thể họ muốn tìm link tải Cốc Cốc, cũng có thể họ muốn tìm những bài giới thiệu, tin tức, hình ảnh về Cốc Cốc để tìm hiểu về đối tượng.

Tất cả công cụ tìm kiếm hiện tại đều có organic search (tìm kiếm tự nhiên) và paid search (quảng cáo). Tất cả những kết quả tìm kiếm khi được hiển thị lên dù là organic hay paid thì cũng đều cần phải đáp ứng nhu cầu của người dùng khi họ thực hiện truy vấn.

Về organic search, những kết quả được sắp xếp theo logic về ranking (xếp hạng) mà mỗi công cụ tìm kiếm có những quy định riêng gồm rất nhiều yếu tố. Không thể trả tiền để lên top Organic Search. Kể cả trong quảng cáo, không phải ai chi trả cao hơn thì kết quả sẽ được hiển thị lên đầu, công cụ tìm kiếm vẫn sắp xếp các quảng cáo này theo thứ tự phù hợp với truy vấn của người dùng (yếu tố relevance).

Mọi người dùng voice search (tìm kiếm bằng giọng nói) không phải là vì nó gần gũi hơn mà đã có nhiều nghiên cứu về sự thay đổi của hành vi của người dùng, đặc biệt là thế hệ GenZ, họ muốn tìm mọi thứ nhanh hơn, không thích gõ phím và cũng yêu thích làm việc đa nhiệm (multi-tasking).

Với những truy vấn cần độ chính xác cao như những dịch vụ của Chính phủ, thông tin danh nhân,… Cốc Cốc có thể giải quyết bài toán này bằng cách làm việc với Chính phủ hoặc những nguồn thông tin đáng tin cậy khác nhau, đồng thời kết hợp công nghệ tiên kết và sự kiểm duyệt của chính đội ngũ Cốc Cốc để mang lại những kết quả tốt nhất cho người dùng.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sếp Cốc Cốc: Tìm kiếm bằng giọng nói đang được ưa chuộng, đặc biệt với GenZ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO