Ngay cả những bạn từng làm việc ở báo Đảng tại An toàn khu Việt Bắc trước Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội cũng chẳng mấy ai tường, bởi hầu hết anh chị em về làm ở đấy sau khi Báo Nhân Dân xuất hiện đã vài ba năm. Năm 1981, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội sau mấy năm bôn ba hầu khắp miền nam viết bài, tôi được Ban Biên tập báo phân công chỉ đạo làm gấp Phòng Truyền thống của báo để kịp khai trương vào ngày kỷ niệm 30 năm ngày báo ra số đầu (11-3-1951 - 11-3-1981), câu hỏi ấy càng làm tôi trăn trở. Nghe nói có hai người "trong cuộc" là Thép Mới và Hoàng Tùng, nhưng Tổng Biên tập Hoàng Tùng kiêm nhiệm nhiều việc bận túi bụi, có nhiều ngày cuối giờ làm việc chiều mới về phố Hàng Trống chỉ đạo, duyệt bài. Nhà báo Thép Mới thì thường xuyên ở TP Hồ Chí Minh nơi đặt Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân sau ngày giải phóng miền nam mà anh là người chịu trách nhiệm chính, và ít lâu sau làm Trưởng cơ quan Thường trú của báo Đảng ở Nam Bộ.
Năm 1985, tôi được cử làm Tổng Biên tập tạp chí Người làm báo, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, câu hỏi trên đối với tôi lại là một trong những vấn đề hàng đầu, do tạp chí Người làm báo mở chuyên mục Tìm hiểu và giới thiệu các cơ quan báo chí đầu đàn của báo chí Việt Nam đương đại như báo Nhân Dân, báo Cứu Quốc, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… Nhà báo Hoàng Tùng vẫn bận, còn bận hơn trước, bởi anh vừa được bầu làm Ủy viên Ban Bí thư Trung ương phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo. May sao, nhà báo Thép Mới đã được cấp trên chỉ định làm Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, vì vậy dù định cư ở miền nam anh vẫn phải ra vào thường xuyên Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Tôi đã tìm gặp anh và đặt với anh câu hỏi trên. Sau đây là những điều Thép Mới một trong số mấy người trong cuộc phát biểu. Tôi ghi tóm tắt ý kiến của anh thành bài báo ngắn, đăng tạp chí Người làm báo số 3 năm 1985, ký bút danh Thép Mới.
Nơi họp tòa soạn là một cái rẫy của đồng bào
Mùa xuân năm 1951, Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại Việt Bắc từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2 năm 1951.
Đại hội thông qua Nghị quyết xuất bản Báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Ban Biên tập đầu tiên của báo Đảng gồm tám người thì có đến năm vị là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương: các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương.
Đại hội toàn quốc của Đảng vừa bế mạc, một buổi trưa mùa xuân, vào khoảng từ ngày 19 đến ngày 25 tháng hai năm 1951 - theo lời kể của Thép Mới - đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Tố Hữu, khi đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, họp bàn việc ra số đầu Báo Nhân Dân. Nơi làm việc là một cái rẫy của đồng bào, cạnh địa điểm họp Đại hội toàn quốc, thuộc xã Vinh Quang huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Bàn ghế làm việc là mấy thân cây gỗ đồng bào làm rẫy vừa ngả xuống. Người giúp việc hai đồng chí là Thép Mới, phóng viên báo chí tại Đại hội Đảng. Đồng chí Phan Nghiêm, phóng viên điện ảnh tại Đại hội, nhận rõ ý nghĩa lịch sử của sự kiện, lặng lẽ vác máy ra quay cảnh hai đồng chí lãnh đạo của Đảng trực tiếp biên tập số báo đầu tiên của Báo Nhân Dân trong khung cảnh hết sức đặc biệt, đánh dấu “một thời Việt Bắc”. Đoạn phim tư liệu điện ảnh dài bảy phút ấy được tách riêng, không nằm trong bộ phim tài liệu về Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Số Báo Nhân Dân đầu tiên đề ngày 11-3-1951 được vinh dự công bố Chính cương, Điều lệ của Đảng. Bài chính luận chính của số báo đầu là bài viết của đồng chí Trường Chinh lần đầu tiên công khai giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo của Đảng và của đất nước ta: “Hồ Chí Minh, Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta…” . Bài có in kèm ký họa chân dung Bác Hồ do họa sĩ Lê Minh Hiền vẽ. Ông là thành viên Đoàn nghệ sĩ hội họa, nhiếp ảnh và điện ảnh Nam Bộ, được Đảng bộ Nam Bộ cử ra Việt Bắc làm việc tại chỗ cho đồng bào miền nam có dịp được thưởng thức những hình ảnh về Đại hội và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Bài tường thuật tổng hợp về Đại hội giới thiệu những thông tin khái quát của tiến trình Đại hội, ý nghĩa lịch sử của sự kiện ấy, với cố gắng tạo ấn tượng sâu sắc, đáp ứng tình cảm của toàn Đảng, toàn dân đang phấn khởi chờ đón việc Đảng ra công khai. Tất cả gói gọn trong một bài, nhan đề “Đại hội chúng ta…” (Bài của Thép Mới). Nội dung bài viết có tính bao quát, nhờ phóng viên được cấp trên tạo điều kiện cho trực tiếp tham dự và theo dõi các cuộc thảo luận, với bầu không khí và tinh thần toát lên từ Đại hội của Đảng. Từ đó Thép Mới đã sáng tạo nên hình thức, thể loại, bút pháp theo phong cách độc đáo của mình. Bài được hai đồng chí chủ trì việc làm số đầu của báo Nhân Dân rất khuyến khích, hoan nghênh.
Còn phải băng rừng hai ngày đường
Cuộc họp quyết định số 1 Báo Nhân Dân sẽ ghi ngày 11-3-1951. Tất cả các bài, tin, tranh minh họa số báo ấy đều được hai đồng chí phụ trách là Trường Chinh và Tố Hữu đọc lại một lượt, sau đó cho ý kiến cụ thể về cách trình bày các trang báo, rồi giao cho Thép Mới nhiệm vụ trực tiếp mang bản thảo đến nhà in. Từ Ngòi Trinh là nơi họp Đại hội lần thứ II của Đảng, và cũng là nơi biên tập số đầu Báo Nhân Dân, đến chỗ cơ quan báo làm việc từ trước là Khuôn Câm (Chợ Chu), Thép Mới phải đi mất một ngày rưỡi đường rừng, vòng sau lưng dãy núi Hồng. Về đến cơ quan ở Khuôn Câm, anh trình bày toàn bộ số báo với đồng chí Hoàng Tùng, người trực tiếp phụ trách. Hai đồng chí Trường Chinh và Tố Hữu quyết định sẽ đưa tên Hoàng Tùng lên mặt báo với tư cách Tổng Biên tập, ghi tại trang cuối Báo Nhân Dân. Đây là điều cần thiết về mặt pháp lý, chứng tỏ Đảng tôn trọng các luật lệ Nhà nước đã ban hành về việc xuất bản, phát hành báo chí trong hoàn cảnh kháng chiến.
Tổng Biên tập Hoàng Tùng ngay tối hôm đó đọc toàn bộ bản thảo số báo, còn dặn dò thêm Thép Mới một số ý kiến về việc in ấn, xuất bản, phát hành. Sáng hôm sau Thép Mới lại một mình cuốc bộ, mang toàn bộ bài vở đến nhà in Việt Hưng, xí nghiệp mới được thành lập đặt ở chân Đèo Khế, gần trục giao thông quan trọng cho tiện việc phát hành báo đi khắp cả nước. Từ Khuôn Câm đến Đèo Khế lại mất thêm một nửa ngày đường.
Bản thảo các bài vở vừa đến nơi, toàn bộ công nhân nhà in lao vào sắp chữ suốt ngày đêm với khí thế hào hứng chưa từng có.
Những tệp Báo Nhân Dân đầu tiên vừa ra khỏi máy in, đã có các anh quân bưu đợi sẵn hỏa tốc mang về Mặt trận Đường số 18 bên dòng sông Bạch Đằng cho kịp đến tay các chiến sĩ trước giờ mở màn Chiến dịch.