Trước đây, thư viện đơn thuần là nơi cất trữ sách, báo, tạp chí,... và để tiếp cận nguồn tài liệu này, người đọc không có cách nào khác là phải thông qua các thủ thư. Các dịch vụ tại thư viện cũng khá đơn giản như: đọc tại chỗ, mượn về nhà, sao chụp tài liệu…
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, thư viện được phát triển theo xu hướng số hóa, trở thành các trung tâm thông tin, trung tâm học liệu, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu khoa học, trung tâm văn hóa cộng đồng,… với những tiện ích hiện đại, có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các đối tượng sử dụng khác nhau.
Đặc biệt, nhiều thư viện còn trở thành biểu tượng về kiến trúc, giáo dục và văn hóa của một quốc gia.
Tại Việt Nam những năm gần đây, không thể phủ nhận nỗ lực của ngành thư viện trong việc tự đổi mới và nâng cao năng lực, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Đó là cơ sở để số lượt người sử dụng thư viện đã tăng từ 15 đến 20%/năm, lượt sách báo phục vụ trung bình tăng từ 35 đến 45%/năm, tổng số lượt người sử dụng thư viện đạt hơn 144 triệu lượt; tổng số lượt sách, báo được thư viện phục vụ đạt 328 lượt.
Các thư viện cũng đã từng bước hiện đại hóa. Mô hình thư viện điện tử, thư viện số đã dần hình thành như: Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh), Thư viện điện tử S.Hub nằm trong khuôn viên của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, trước nhu cầu, yêu cầu về tri thức, hoạt động thư viện cần sự chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, bởi những thách thức đặt ra trong thời đại bùng nổ công nghệ là không hề nhỏ, nhất là khi người đọc hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn tài liệu, sách, báo hoặc tìm hiểu thông tin thông qua các tài liệu mở trên mạng internet, trên máy đọc sách…
Thị trường sách nói cũng đang phát triển hết sức đa dạng, phong phú, mang lại nhiều tiện ích cho độc giả. Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ như hiện nay, nếu không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, phương thức hoạt động, các thư viện chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc và không thể hoàn thành sứ mệnh cung cấp thông tin, tri thức một cách có hiệu quả. Có thể thấy, nếu không thật sự bước chân vào “cuộc chơi” số hóa, thư viện sẽ dần bị thay thế bởi các nguồn tri thức khác.
Tại Mỹ, từ năm 1991, Thư viện Quốc hội Mỹ đã sử dụng các thành tựu kỹ thuật mới và internet để kết nối với các thiết chế giáo dục trên cả nước. Đến cuối tháng 11/2005, thư viện lớn nhất thế giới này đã sử dụng kỹ thuật số để lưu trữ sách và các tư liệu khác từ tất cả các nền văn hóa của nhân loại, đồng thời, công bố đề án thành lập Thư viện số thế giới. Cũng tại Mỹ, Thư viện công cộng Seattle có rất nhiều tính năng công nghệ cao, bao gồm cả một hệ thống xử lý trên máy vi tính, sẽ tự động xác định, sắp xếp và chuyển sách tới độc giả. Từ năm 2011, Đại học Chicago mở cửa Thư viện mới nhất Joe and Rika Mansueto với những ngăn sách có mật độ cao, có thể được truy cập thông qua hệ thống lưu trữ và thu hồi tự động tài liệu trong thời gian trung bình ba phút thông qua việc sử dụng các cần cẩu rô-bốt. Cũng sử dụng một nhóm rô-bốt phân loại sách và các dịch vụ trực tuyến, người dùng đến Thư viện Oodi - một thư viện mới ở Helsinki (Hen-sin-ki, Phần Lan) đã có thể truy cập vào gần ba đến bốn triệu hạng mục sách chỉ với một cú nhấp chuột.
Việc số hóa tài liệu tại các thư viện không chỉ giúp bảo quản, duy trì tuổi thọ của tài liệu đã được lưu trữ trở nên tiện lợi và dài lâu hơn mà còn dễ dàng mở rộng đối tượng người sử dụng nguồn tài liệu này. Chưa kể, còn góp phần thúc đẩy và mang lại những tiện ích lớn khi tìm kiếm thông tin (có thể tìm kiếm ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào), tạo thuận lợi cho người sử dụng khi chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin của thư viện này với các thư viện khác.
Tất nhiên xây dựng hệ thống các thư viện số cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay các thư viện số mới chỉ phổ biến ở một số thành phố hoặc trường đại học lớn, có tiềm lực hoặc quy mô quốc gia, còn hầu hết các thư viện tại các vùng miền vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất, năng lực tài chính, cũng như công nghệ để thực hiện số hóa.
Tốc độ số hóa nhìn chung diễn ra chậm, không thường xuyên, việc bổ sung tài liệu điện tử cho các thư viện cũng còn hạn chế.
Ở Việt Nam hiện tại còn khoảng 20% số thư viện công cộng chưa có tài liệu số, số còn lại mặc dù đã có nhưng cũng không đáng kể. Một vấn đề quan trọng khác cần giải quyết khi xây dựng và phát triển thư viện số ở Việt Nam là hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về vấn đề quyền pháp lý trong số hóa tài liệu, cung cấp tài liệu cho bạn đọc.
Theo khoản 10, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019 thì: “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”. Nếu chiếu theo điều này thì việc số hóa tài liệu trong thư viện có được coi là “sao chép” như Luật Sở hữu trí tuệ quy định hay không, và như vậy có bị coi vi phạm bản quyền? Đây là nút thắt quan trọng cần sớm được tháo gỡ nếu muốn số hóa hiệu quả hệ thống thư viện trên cả nước.
Chưa kể, việc số hóa hiện nay đang được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, mỗi thư viện làm một kiểu, không có sự liên kết, điều phối giữa các thư viện, dẫn đến tình trạng chồng chéo nguồn tài liệu lưu trữ. Thậm chí, có thư viện tiêu tốn rất nhiều tiền cho các dự án hiện đại hóa nhưng lại chỉ dừng ở việc mua các trang thiết bị hiện đại rồi để đó, không sử dụng được.
Ngoài ra, yếu tố con người cũng hết sức quan trọng, nhất là khi trên thực tế cho thấy tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực cho phát triển thư viện số. Dù những cơ sở đào tạo về ngành thư viện rất cố gắng, nhưng phần lớn chương trình đào tạo hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu đổi mới thư viện hiện nay.
Để tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tốc độ số hóa, ngành thư viện cần xác định số hóa tài liệu là việc làm cần thiết, phải được duy trì thường xuyên. Trong đó, lựa chọn tiến trình thực hiện phù hợp tình hình thực tế cũng như tiềm năng đầu tư, số hóa trước những tài liệu cũ, có nguy cơ hư hỏng cao, những tài liệu quý, độc bản và những tài liệu được nhiều bạn đọc quan tâm. Các thư viện cũng cần liên kết chặt chẽ với nhau, cùng thực hiện nhiều cách làm số hóa tài liệu hiệu quả như: kết nối đồng bộ dữ liệu, sử dụng chung nguồn dữ liệu…
Một trong các điểm mới của Luật Thư viện 2019 (có hiệu lực từ tháng 7/2020) là đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện. Theo đó, khoản 1, Điều 29 quy định cụ thể về liên thông thư viện bao gồm các nội dung sau: Hợp tác trong việc bổ sung, mua, thu thập tài nguyên thông tin dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp; chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện; Liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng và phát triển một hệ thống thư viện số dùng chung, kết nối toàn bộ các thư viện số dữ liệu lớn (BigData) tạo ra cổng thông tin tri thức thư viện số thống nhất.
Từ đây, độc giả có thể dễ dàng truy cập, sử dụng trên máy tính và các thiết bị di động,… góp phần đáp ứng nhu cầu bạn đọc, thúc đẩy văn hóa đọc cũng như nghiên cứu - đào tạo, sáng tạo tri thức.
Ngoài ra, với số lượng sách xuất bản mỗi năm càng nhiều, nên chăng có quy định là khi các nhà xuất bản hay các cá nhân nộp sách và tài liệu lưu chiểu bên cạnh bản in cần có bản số hóa để các thư viện dễ dàng và ít tốn kém hơn trong công tác số hóa sau này?
Hiện nay, một số thư viện đã thực hiện liên kết với các nhà xuất bản để sử dụng chung tài liệu số hóa, bởi các nhà xuất bản này đã chủ động số hóa sách in để phục vụ bạn đọc trên các thiết bị số.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, việc số hóa tài liệu thường được giao cho một đầu mối. Đầu mối này sẽ nhận kinh phí trực tiếp từ Nhà nước, các cá nhân và tổ chức khác nhau, sau đó tiến hành hoạt động điều phối giữa các thư viện.
Theo Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng, cách làm này không chỉ tránh chồng chéo nguồn tài liệu mà còn quy chuẩn được các tiêu chí số hóa tài liệu (độ phân giải ảnh chụp tài liệu, cách làm biên mục...), để đến khi cần chia sẻ tài liệu giữa các thư viện sẽ không mất thời gian xử lý lại. Bên cạnh đó, cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành thư viện, theo hướng chuẩn hóa quốc tế. Ngoài nghiệp vụ thư viện thông thường, nguồn nhân lực tại các thư viện số phải bảo đảm được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ, cũng như kỹ năng về quản trị thông tin tri thức, quản trị thông tin trên internet…
Cách mạng công nghiệp 4.0 còn tiếp tục và sẽ không ngừng ghi dấu những sáng kiến, phát minh công nghệ. Đây vừa là thời cơ, cũng vừa là thách thức đối với hệ thống thư viện của Việt Nam, đòi hỏi các thư viện phải không ngừng cập nhật xu hướng mới, số hóa tài liệu, hiện đại hóa phương thức hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả phục vụ. Xây dựng các thư viện số không chỉ là đáp ứng xu thế chung của thời đại mà còn là yêu cầu tự thân của hoạt động ngành thư viện, nhằm đưa thiết chế văn hóa này phát triển bền vững, luôn bảo đảm chức năng là nguồn cung cấp tri thức căn bản, phục vụ nhu cầu nhiều đối tượng bạn đọc đương đại, và lưu giữ tài liệu cho các thế hệ mai sau.