Sớm triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp

Trường Thanh| 18/03/2022 19:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, khẩn trương hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả các dịch vụ công (DVC) trực tuyến, đặc biệt là 25 DVC thiết yếu để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Sáng 18/3 đã diễn ra Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ và tích hợp 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì.

Bắt tay triển khai ngay những nhiệm vụ được giao

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt, chỉ đạo rõ 3 nội dung cụ thể.

Thứ nhất, đây là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của DN.

Thứ hai, việc triển khai Đề án phù hợp với Chương trình CĐS quốc gia, với quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài.

Thứ ba, phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án.

Sớm triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị, các bộ, cơ quan, địa phương cần bắt tay triển khai ngay những nhiệm vụ được giao theo đúng lộ trình của Đề án. Để làm tốt việc này, trước hết cán bộ, công chức được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06 phải nhiệt huyết, công tâm, tinh thông nghiệp vụ và đổi mới sáng tạo, là chủ thể, trung tâm của công cuộc CĐS nói chung, triển khai Đề án nói riêng.

Số hóa trong giải quyết TTHC

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của bộ, ngành, địa phương thực sự quan tâm, chỉ đạo việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 tại cơ quan, địa bàn mình phụ trách, trong đó phải triển khai đầy đủ các nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan mình, không phải nhiệm vụ của riêng hệ thống cơ quan Công an hay Văn phòng UBND cấp tỉnh.

"Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, khẩn trương hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả các DVC trực tuyến, đặc biệt là 25 DVC thiết yếu để phục vụ người dân, DN đã được xác định trong Đề án", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Sớm triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ và tích hợp 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.

Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ được giao chủ trì và VPCP để tổ chức triển khai, cung cấp cho người dân. Đồng thời, theo dõi, giám sát để bảo đảm việc thực hiện thực chất, có hiệu quả thực sự, tạo tiền đề để triển khai nhân rộng với các DVC khác.

Bên cạnh đó thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và giải quyết TTHC theo hướng thông tin, giấy tờ của công dân chỉ cung cấp một lần. Việc này cần hoàn thành chậm nhất trong tháng 4/2022, làm cơ sở nhân rộng việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác phục vụ số hóa trong giải quyết TTHC.

Thống nhất quy trình nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật để cung cấp 25 DVC thiết yếu lên Cổng DVCQG

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, đã có 62 bộ, ngành địa phương thành lập tổ công tác. 67 bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai Đề án. Đồng thời, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các DVC thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Tuy nhiên, đây mới là bước đầu, các nhiệm vụ của Đề án thời gian tới là rất lớn, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành trong 06 tháng đầu năm 2022 để tạo bước khởi đầu vững chắc, hoàn thành các mục tiêu năm đầu của Đề án. Đặc biệt chú trọng việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư để tạo chuyển biến thực chất trong số hoá, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) Ngô Hải Phan đã giới thiệu 13 nhiệm vụ địa phương chủ trì triển khai theo Đề án 06 và tiến độ triển khai 25 DVC thiết yếu.

Cục Kiểm soát TTHC cũng tập huấn, hướng dẫn đến các đầu cầu trực tuyến về nội dung: nâng cấp, triển khai hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; đánh giá chỉ số phục vụ người dân và DN trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC bằng dữ liệu theo thời gian thực.

Sớm triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan phát biểu.

Đại diện Bộ Công an đã tập huấn về quy trình, yêu cầu kết nối CSDL quốc gia về dân cư, quy trình kết nối hệ thống định danh và xác thực điện tử…

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, theo yêu cầu đặt ra của Đề án, từ nay đến hết tháng 5/2022, các bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương phải tập trung nguồn lực để rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình TTHC (bảo đảm kết nối, tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư theo nguyên tắc: Khai báo một lần, cắt giảm giấy tờ công dân trong thực hiện TTHC).

Theo đó, các bộ, cơ quan cần thống nhất quy trình nghiệp vụ, giải pháp kỹ thuật để tích hợp, cung cấp 25 DVC thiết yếu lên Cổng DVCQG.

Trong đó, Bộ Công an tập trung cung cấp 11 DVC, Bộ Tư pháp chủ trì hướng dẫn tái cấu trúc quy trình 3 DVC là: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, hoàn thành trong tháng 3/2022.

VPCP có trách nhiệm tái cấu trúc quy trình đối với 2 nhóm DVC: liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.

Các địa phương nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC, tích hợp CSDL quốc gia về dân cư để hạn chế thông tin phải nhập đối với những dữ liệu đã có trong CSDL đối với 3 DVC: đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn và triển khai theo hướng dẫn, đề nghị của Bộ Giao thông vận tải cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sớm triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO