Truyền thông

Song hành "quản lý" và "phát triển" báo chí

Bình Minh 11:25 22/12/2023

Năm 2023 được xem là năm bản lề quan trọng trong hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí.

z4995667751781_5b260a9353a91278d7eb1a9c3ab3ea55.jpg
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc báo chí tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: Bình Minh)

Hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí

Điểm nhấn nổi bật trong năm 2023 là Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan liên quan xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/02/2023 về “trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí”, thay thế Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư khoá X về “quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí” nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước mới ban hành; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với cán bộ làm công tác báo chí.

Đặc biệt, Quy định số 101-QĐ/TW xác định rõ các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan hoạt động báo chí để đưa ra hình thức xử lý kỷ luật về Đảng đối với những hành vi vi phạm chưa có chế tài cụ thể xử lý. Đồng thời, đây cũng là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã kịp thời ban hành Hướng dẫn số 116-HD/BTGTW để triển khai thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW. Để triển khai sâu rộng, thực chất, có hiệu quả Quy định số 101-QĐ/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung Quy định số 101-QĐ/TW cho đại diện thường trực Tỉnh uỷ, Thành uỷ, đại diện các Ban, Sở, Ngành liên quan; các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí tại tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và phía Nam.

Nhằm đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Báo chí năm 2016, đánh giá, phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước (QLNN) và hoạt động báo chí trong 06 năm thi hành Luật Báo chí.

Việc tổng kết thi hành Luật Báo chí cho thấy thấy được sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, đã làm cho hành lang pháp lý về báo chí chưa bao quát hết được thực tiễn, bộc lộ những hạn chế, bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Tiếp đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động lên kế hoạch, xây dựng, trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan và ban hành Kế hoạch số 316-KH/BTGTW ngày 29/06/2023 về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2025) nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam; khẳng định sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân đối với báo chí; đề xuất những nội dung phương hướng cho báo chí trong thời gian tới.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet.

Bộ TT&TT đang tiến hành lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016; dự kiến tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí trong năm 2025 để giải quyết căn cơ những bất cập, tồn tại thời gian qua và thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng và làm tốt công tác QLNN.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH, Bộ TT&TT ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT ngày 30/06/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT ngày 30/06/2016 quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, Đơn đề nghị cấp Giấy phép, Giấy Chứng nhận, Giấy phép và Báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP và Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung PTTH thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ PTTH.

Đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin, tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục thống nhất phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin; bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm để báo chí giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.

Trong năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam đã mời 45 báo cáo viên là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đến cung cấp thông tin cho lãnh đạo cơ quan báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí hằng tuần và Hội nghị giao ban tạp chí hằng tháng về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như: các sự kiện đối ngoại quan trọng; các vấn đề liên quan giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội; việc điều tra, truy tố xét xử các vụ án nghiêm trọng…

Theo đánh giá, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin ngày càng quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn bảo đảm để báo chí giữ thế định hướng chủ động, đặc biệt đối với công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoạt động đối ngoại, công tác bảo vệ chủ quyền, các sự kiện trọng đại của đất nước; nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời đối với các trường hợp thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, biểu hiện không bám sát tôn chỉ, mục đích; kiên quyết xử lí các trường hợp thông tin sai sự thật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.

Các cuộc họp giao ban công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí cũng được tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả; tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề giữa cơ quan chỉ đạo với các cơ quan QLNN, cơ quan chủ quản báo chí nhằm quán triệt, chấn chỉnh dấu hiệu “báo hoá” tạp chí điện tử, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí.

Công tác quản lý bào chí được thực hiện phương thức “quản lý theo số lớn” được duy trì, trong đó việc sử dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá hoạt động báo chí để nắm bắt, nhận biết các xu thế thông tin, phát hiện các biểu hiện cần có sự điều chỉnh kịp thời.

Thực tế, Bộ TT&TT đã đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình thực hiện quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Căn cứ kết quả, thực tiễn triển khai, trong Quý IV/2023, Bộ TT&TT tiến hành làm việc với UBND các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương về việc thực hiện quy định của pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Kết quả cho thấy, một số đơn vị triển khai tốt như Thái Nguyên, Nghệ An. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí” để hiện thực hoá mục tiêu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; xác định rõ trách nhiệm của người làm báo trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái trong toàn xã hội; tiến hành tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề chuyển đổi số báo chí, kinh tế báo chí, bản quyền báo chí trên không gian mạng,… Đồng thời, nhiều đề án, kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền đối với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước được kịp thời ban hành…

Công tác quản lý của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí trực thuộc đã bám sát thực tiễn hơn. Nhiều cơ quan chủ quản thuộc các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo, tăng cường đảm bảo điều kiện hoạt động đối với cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan chủ quản được làm việc trực tiếp với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về trách nhiệm chủ quản báo chí theo quy định.

Xây dựng hệ thống báo chí tinh gọn, hiệu quả

Một điểm nổi bật khác trong công tác quản lý báo chí đó là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT phối hợp triển khai giai đoạn 2 (2023 - 2025) Quy hoạch báo chí trên cơ sở có rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, trong đó xác định rõ mục tiêu “quản lý” và “phát triển” đều quan trọng như nhau; kết hợp hài hoà giữa giải pháp sắp xếp và các giải pháp thúc đẩy báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng, đồng thời cũng siết chặt hơn nữa công tác quản lý, xử lý sai phạm, giải quyết dứt điểm những tồn tại tiêu cực trong hoạt động báo chí.

Để tiếp tục triển khai quy hoạch báo chí nói chung; tiến hành sắp xếp quy hoạch báo chí của Thành uỷ Hà Nội, Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn nói riêng một cách hiệu quả, thực chất, phù hợp với tình hình, yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức sơ kết đánh giá 4 năm thực hiện Quy hoạch báo chí; tập trung, nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình cơ quan báo chí mới phù hợp với Quy hoạch báo chí, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển của báo chí truyền thông hiện đại để trình cơ quan có thẩm quyền triển khai thí điểm.

Mục tiêu là xây dựng hệ thống báo chí tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Theo đó, Thành uỷ Hà Nội, Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thực chất và hiệu quả Quy hoạch báo chí của địa phương, đơn vị với các giải pháp cụ thể, chi tiết, rõ ràng, khả thi cao.

Đối với những phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí, căn cứ các quy định đặc thù của địa phương, đơn vị, nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khách quan, công tâm, kỹ lưỡng về thực trạng hoạt động của các cơ quan báo chí; dự báo chính xác, sát thực tế yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong thời gian tới; nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý, vận hành các cơ quan báo chí trực thuộc để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét phương án sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc từ nay đến năm 2025 bảo đảm đúng Quy hoạch báo chí, đồng thời phù hợp với thực tiễn và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp đó, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng Đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện; yêu cầu các cơ quan báo chí khẩn trương hoàn thiện Đề án trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan về kết quả triển khai thực hiện Quy hoạch báo chí và những định hướng trong thời gian tới.

Đến nay, mới chỉ có Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 5945/QĐ-BQP ngày 18/11/2023 phê duyệt Đề án xây dựng Báo Quân đội nhân dân trở thành cơ quan truyền thông chủ lực, đa phương tiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong lúc triển khai giai đoạn 2 Quy hoạch báo chí, việc cấp mới, cấp lại giấy phép thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật; việc cấp giấy phép hoạt động tạp chí đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên ngành, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT thống nhất kiên quyết chưa xem xét cấp lại giấy phép đối với tạp chí trong quá trình hoạt động chưa bảo đảm điều kiện hoạt động và có nhiều sai phạm nghiêm trọng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Song hành "quản lý" và "phát triển" báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO