Thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số (CĐS)
Nghị quyết số 121/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành nêu rõ trước những thuận lợi và khó khăn, thách thức, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng có khả năng khó khăn hơn vào cuối năm 2022 và năm 2023; áp lực lạm phát còn cao; dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số (CĐS); đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý trong tháng 9/2022. Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ trước ngày 30/9/2022 để ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy CĐS, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Tại Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN mới đây, Thủ tướng Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, trong đó đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng. Tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%. Đến cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phải đạt 50%. Mục tiêu trước mắt là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một thành viên có thể thực hiện DVCTT. Về lâu dài, chúng ta phải giúp người dân, DN thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến.
"Xã hội hóa một số công đoạn trong tiếp nhận, trả kết quả TTHC, hỗ trợ việc thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp để tất cả mọi người dân, nhất là những người yếu thế, ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo có thể làm được DVCTT", Thủ tướng khẳng định.
Sử dụng dữ liệu trong CSDL quốc gia về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu
Nghị quyết số 121/NQ-CP cũng nêu rõ việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Theo đó, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, xác định những vấn đề vướng mắc phải sửa đổi và kiến nghị phương án, lộ trình sửa đổi đáp ứng được lộ trình đề ra của Đề án 06, Luật cư trú và bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo Luật cư trú, gửi kết quả cho Bộ Công an trước ngày 20/9/2022.
Đáng chú ý, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, chuyển sang sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư trong thực hiện các giao dịch, TTHC cho công dân; bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10/2022.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp trên cơ sở rà soát, đề xuất của Bộ Công an và các bộ, cơ quan, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 01/01/2023 theo quy định của Luật Cư trú.
Thời gian qua, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đạt được kết quả bước đầu. Việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, từng bước hình thành CSDL lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương; và 04 DN Nhà nước; CSDL hộ tịch điện tử đã cung cấp gần 7,6 triệu thông tin khai sinh và tiếp nhận số định danh cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư.
Bộ Công an hiện đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, xác thực khách hàng cho phép thực hiện giao dịch tại ATM không cần thẻ ngân hàng...
Đặc biệt, Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18/7/2022, bước đầu hình thành hệ sinh thái công dân số, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử, TTHC trên môi trường điện tử và nhiều tiện ích phục vụ Nhân dân. Nhờ đó, tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
"Nhằm phát huy những kết quả đạt được, các bộ, ngành, địa phương phải xác định lộ trình phát triển CSDL quốc gia về dân cư từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ người dân, DN và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp", Thủ tướng nhấn mạnh./.