Sử dụng CNTT để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch

PV| 24/04/2020 09:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 20 và 22/4/2020.

Theo đó, kết luận nêu rõ: Cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế xã hội (KT-XH), bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt. Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Sử dụng CNTT để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển SXKD việc làm và đời sống người dân.

Trong các ngày vừa qua, các cấp, các ngành, các địa phương (nhất là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) đã tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đã thực hiện kịp thời, đúng đắn biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành và các địa phương cùng toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, đồng bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đánh giá cao các ngành kinh tế như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, đặc biệt các doanh nghiệp (DN) đã đồng hành cùng Chính phủ đương đầu với đại dịch.

Việt Nam đã kiềm chế được lây lan trong cộng đồng, kiểm soát tốt dịch bệnh; các hoạt động ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng cách ly, dập dịch được triển khai quyết liệt, được nhân dân ủng hộ; đã qua 6 ngày liền không ghi nhận ca mắc mới, có 223 bệnh nhân khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong. Thực tiễn phòng, chống dịch cho thấy khả năng ứng phó với dịch bệnh tại các tuyến được tăng cường, năng lực ngành y tế, nhất là y tế công đã có bước trưởng thành, đưa ra được các phác đồ điều trị hiệu quả. Đây là kết quả tích cực.

Chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch dài hơi hơn cùng phát triển KT-XH

Cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng phát triển KT-XH, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các lực lượng và mọi người dân đề cao cảnh giác, tuyệt đối không thoả mãn, lơ là, chủ quan; cần quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, xâm nhập, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch kịp thời; bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân, không được để đại dịch gây hậu quả nghiêm trọng như đã và đang xảy ra tại một số nước trên thế giới.

Trong giai đoạn mới, cả nước cần thực hiện chủ trương: ngăn chặn triệt để dịch bệnh từ bên ngoài, dập dịch bên trong. Tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ cao với hình thức cách ly linh hoạt, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện ca bệnh để cách ly, điều trị hiệu quả; sử dụng CNTT để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch; vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Kết luận cũng yêu cầu chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Các địa phương quyết định việc mở cửa đón du khách trong nước với điều kiện đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn. Trong khi chưa có vắc xin và thuốc đặc trị COVID-19 phải thích nghi "chung sống" với dịch bệnh, tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao

Các địa phương phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao; vận động người dân thường xuyên rửa tay sát khuẩn, tạo thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tại nơi công cộng, kể cả trên phương tiện giao thông công cộng; hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng, nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; người có dấu hiệu ốm sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, trường học, nơi công cộng, phải liên hệ với bệnh viện, bác sĩ để được tư vấn và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.

Từ ngày 23/4/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài các biện pháp quy định nêu trên, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm các yêu cầu sau:

- Tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, địa bàn có nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguy cơ: Thành phố Hà Nội.

Các huyện Mê Linh, Thường Tín của Thành phố Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh là địa bàn có nguy cơ cao. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan xác định phạm vi khu vực nguy cơ cao và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp: tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động KT-XH.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện: Tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; Xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thôn, bản, khu vực dân cư của địa phương mình để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; Hướng dẫn thực hiện chi tiết biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường học trên địa bàn.

Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về phòng, chống dịch và tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ về y tế đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu chung cư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, bảo đảm mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có bộ quy tắc hoặc quy định về phòng, chống dịch; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp vận tải hành khách, cơ sở kinh doanh dịch vụ,… phải có quy tắc chặt chẽ về phòng, chống dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế đẩy mạnh Chương trình hướng dẫn cộng đồng chủ động điều chỉnh lối sống và sinh hoạt cho phù hợp với những chuẩn mới của cuộc sống trong bối cảnh còn rủi ro dịch bệnh; hướng dẫn biện pháp xử lý khi phát hiện người mắc bệnh; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng, nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch và mức độ lây truyền để đánh giá hiệu quả can thiệp trong thời gian qua và dự đoán lây nhiễm trong thời gian tới.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, sinh viên đi học lại

Thủ tướng đánh giá cao ngành Giáo dục thời gian qua đã quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 đối với giáo viên, học sinh, sinh viên trong các nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các địa phương cho học sinh, sinh viên đi học trở lại phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, chu đáo; tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục phát huy học trực tuyến, học qua truyền hình. Lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm về việc này.

Thủ tướng cơ bản thống nhất với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông do Bộ GDĐT đề xuất, trong đó lưu ý: Đề thi phù hợp với thực tế dạy và học, đảm bảo nâng cao chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức kỳ thi và chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng; đồng thời tăng cường giám sát, thanh tra, nhất là của ngành giáo dục, ngành công an, đảm bảo kỳ thi trung thực, an toàn.

Bộ GDĐT sớm hoàn thiện, ban hành Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế khẩn trương đánh giá và chỉ đạo việc áp dụng ứng dụng Bluezone phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam về nước

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với các kiến nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 như sau: Bộ Y tế phân bổ khoản tiền 250 tỷ đồng ủng hộ, tài trợ hoạt động phòng, chống dịch qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và qua tin nhắn cho các địa phương thực sự khó khăn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống tham nhũng tiêu cực.

Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 theo nguyên tắc cho xuất khẩu số khẩu trang sản xuất được trên cơ sở bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng trong nước (kể cả dự trữ).

Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng) quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam là học sinh dưới 18 tuổi, người đi chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn phải về nước, bảo đảm phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam làm đầu mối tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước, với cơ chế tự trang trải (bằng chế độ bán vé).

Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phối hợp với các địa phương có biên giới đường bộ tổ chức tốt việc kiểm soát chặt chẽ và thực hiện cách ly người nhập cảnh.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng CNTT để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO