Truyền thông

Sửa luật để ngăn chặn xuất bản phẩm lậu, giả

Thu Hiền 08:55 30/08/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại hành lang pháp lý, nghiên cứu đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật để ngăn chặn xuất bản phẩm lậu, giả.

Chiều 29/8, tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc”.

z4647766711915_b6d8499339dac2557ea93798cdb6c022.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo với các tham luận tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: Đánh giá tác động của xuất bản phẩm giả, xuất bản phẩm lậu đối với người sử dụng trong quá trình tiếp nhận các giá trị tri thức được truyền tải qua xuất bản phẩm; đánh giá những tác động của việc sử dụng xuất bản phẩm giả, xuất bản phẩm lậu đối với việc chấp hành các quy định pháp luật; đối với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; đề xuất các giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển, đem lại các giá trị có ích cho cộng đồng.

Độc giả cần kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: trên thị trường sách trong nước, việc in ấn, phát hành xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả vẫn đang là vấn nạn nhức nhối lâu nay xuất bản phẩm lậu, giả đang làm bóp méo, bào mòn văn hóa đọc và thưởng thức của công chúng. Những lỗi sai nghiêm trọng trên các xuất bản phẩm lậu, giả gây ra sự không thoải mái và ức chế cho người đọc, thậm chí còn xuất hiện những nội dung sai lệch làm biến tướng nhận thức trong xã hội.

z4647810935748_678fe441991e6265685c1cff095274e1.jpg
PGS.TS. Trần Thanh Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu chào mừng Hội thảo

“Hội thảo khoa học “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc” là một hoạt động khoa học ý nghĩa. Hội thảo nhằm mục đích nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, cũng như thực trạng tác động xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam hiện nay. Từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị từ các chuyên gia, nhà khoa học để tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản đem lại các giá trị có ích cho cộng đồng”- PGS.TS. Trần Thanh Giang nhấn mạnh.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức như: In truyền thống, điện tử, trên không gian mạng... tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm, đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc của cộng đồng.

“Việc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả tạo thành một thói quen tiêu dùng không tốt đối với thị trường kinh doanh xuất bản phẩm, tác động xấu đến định hướng phát triển văn hóa đọc, văn hóa tiêu dùng của người dân. Mặt khác, việc bạn đọc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đã tiếp tay cho hành vi vi phạm phạm luật; Xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả với chất lượng kém tác động xấu đến người sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em. Một số cuốn sách giả, sách lậu không được biên tập, thẩm định nội dung, vi phạm các quy định của pháp luật đã tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin, tri thức, niềm tin của độc giả”, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

z4647764919553_120c320bf93655038309a62f36e8a52f.jpg
Ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam tham luận tại Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới đã đưa ra giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả, đề nghị các thư viện ở nước ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp về việc mua/bổ sung sách báo tài liệu/tài nguyên thông tin cho thư viện. Các thư viện khi mua, bổ sung sách báo, tài nguyên thông tin cho thư viện cần cân nhắc, trước khi có ý định mua sách giả, sách lậu trên thị trường về cho thư viện, đừng vì chút lợi ích vật chất-tiền bạc chiết khấu cao của sách mà mờ mắt, tặc lưỡi cho qua, cứ mua về kho thư viện, dẫn đến hệ lụy khó lường cho bạn đọc của thư viện.

z4647764051870_fa88e829cc7d2c2b47104de46cd8e7f2.jpg
TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Mỗi người đọc cần kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu

Còn TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, vấn nạn sách lậu, sách giả đã ảnh hưởng nặng nề đến tác giả, đến nhà xuất bản và với độc giả. “Người mua sách chưa nhận thức được việc tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu không chỉ phá hệ thống sách bản quyền của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp làm sách chính thống, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng của ngành xuất bản trong nước. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa đọc”, TS Vũ Thùy Dương chia sẻ.

Cũng theo TS. Vũ Thùy Dương, hành vi in ấn, phát hành sách giả, sách lậu xảy ra ở rất nhiều loại hình sách, ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa đọc. Từ việc truyền thông thay đổi ý thức của độc giả không dung dưỡng, tiếp tay cho hành vi in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu cho đến việc xây dựng một quy định đặc thù đối với sách giả sách lậu, hoặc phải coi đó là hành vi sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là những giải pháp cơ bản. Trong lúc chờ đợi có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý nhà nước thì mỗi người đọc chúng ta cần kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu.

Vi phạm bản quyền xuất bản trong bối cảnh 4.0

Nói về vấn nạn vi phạm bản quyền trên không gian mạng, Giám đốc Bản quyền Voiz FM Nguyễn Luận cho biết: Với sự giúp sức của công nghệ trong bối cảnh 4.0 như hiện nay, việc vi phạm bản quyền còn diễn ra nhanh và rộng hơn, chỉ cần vài thao tác scan chụp hoặc tải, các file sách ebook và sách nói đã có thể bị chia sẻ tràn lan, không chỉ thiệt hại trực tiếp đến các đơn vị xuất bản điện tử, mà còn tác động gián tiếp đến động lực mua sách giấy của khách hàng.

z4647763186019_3cf8f636399c9879aa19c4276fa7038d.jpg
Giám đốc Bản quyền Voiz FM Nguyễn Luận: cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà xuất bản sách giấy và sách nói

Giám đốc Nguyễn Luận cũng đưa ra các giải pháp như: Phối hợp xử lý các hành vi vi phạm bản quyền sách nói trên các nền tảng trực tuyến, như YouTube, Facebook, các ứng dụng di động... Các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý vi phạm bản quyền. Các nhà xuất bản, nhà phát hành cũng có thể chủ động báo cáo và yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến;

“Cục Xuất bản, In và Phát hành cần khuyến các đơn vị xuất bản tích cực tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, đẩy mạnh hơn việc chuyển thể các tác phẩm sang định dạng sách nói chính thống và chất lượng để phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà xuất bản sách giấy và sách nói, để đảm bảo quyền lợi của tác giả và nhà xuất bản, cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”- Giám đốc Nguyễn Luận đề nghị.

Ngăn chặn, đẩy lùi nạn sách lậu cần sự chung tay của toàn xã hội

Phát biểu kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của các đơn vị xuất bản, của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc phát hiện, xử lý những cá nhân, đơn vị in sách lậu, sách giả.

z4647760832564_899e790b4d368b8d4ab08b4942aca582.jpg
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành kết luận Hội thảo

“Chế tài xử lý hành vi in sách lậu, sách giả vẫn còn nhiều điều bất cập, vì thế thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại hành lang pháp lý, nghiên cứu đề xuất sửa đổi thêm một số nội dung trong Luật Xuất bản để kịp thời bắt kịp với thực tiễn đặt ra”- Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, việc đẩy lùi nạn sách lậu, sách giả không phải công việc trong ngày một, ngày hai và cũng không phải của một cơ quan nào mà là một quá trình lâu dài, với sự chung tay của toàn xã hội. Về phía đơn vị làm sách, nhà xuất bản phải coi câu chuyện đấu tranh bản quyền sách là câu chuyện của chính mình, không thể đùn đẩy cho cơ quan chức năng.

“Đồng thời, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa. Chúng tôi đã lập nhóm Zalo các nhà báo hỗ trợ cho các đơn vị xuất bản và tới đây họ không chỉ tuyên truyền sách hay, sách tốt mà cung cấp về sách lậu, sách giả. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo luật đã có những quy định bắt buộc sinh viên học sách thật. Tới đây, chúng tôi mong muốn cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trên toàn quốc có những cam kết để 100% sinh viên học sách thật” - Cục trưởng Nguyễn Nguyên nói./.

Bài liên quan
  • Xuất bản Việt Nam - Vững bước để phát triển trong thời đại số
    Những năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức trong bối cảnh những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai, xung đột của các nước trên thế giới… nhưng ngành Xuất bản vẫn vững bước, tiếp tục phát huy vai trò lưu giữ và truyền bá tri thức.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật để ngăn chặn xuất bản phẩm lậu, giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO