Truyền thông

Ngành xuất bản cần phát triển theo hướng nội hàm mới để "tái sinh"

PV 04/03/2023 19:09

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Phát triển theo hướng nội hàm mới, ngành xuất bản sẽ có tương lai cực kỳ xán lạn".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ TT&TT vừa có buổi làm việc với Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH) về thúc đẩy phát triển ngành trong thời gian tới. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết nhằm “tái sinh” ngành xuất bản trong giai đoạn mới.

Tăng cường hợp tác để phát triển ngành xuất bản

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Muốn đổi mới trước tiên ngành XBIPH phải có một định hướng cụ thể, mà muốn có định hướng cụ thể thì phải giải được hai câu chuyện: Thứ nhất là phải nghiên cứu xem hiện nay người lớn và trẻ nhỏ đọc sách như thế nào, số sách trên đầu người là bao nhiêu; Thứ hai là doanh thu của ngành tăng giảm hàng năm ra sao so với các nước trong khu vực và những nước có thu nhập bình quân cao.

z4151381290819_fd0458e483874051fcbdce1fce5b1973.jpg

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng sách bây giờ có vô vàn hình tướng, cần phải xem các biến thể của sách để đưa vào quản lý. Đồng thời cần xác định xem xu thế nào là xu thế đúng (nghiên cứu sâu cả trong nước và quốc tế) để tìm ra định hướng đúng để thúc đẩy xuất bản sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời đại có nhiều thông tin thì cái ngắn lên ngôi, nếu một cuốn sách có phiên bản tóm tắt thì có thể tiếp cận người đọc dễ dàng hơn, nhanh hơn.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng hợp tác là lời giải chính cho ngành xuất bản. Ngành xuất bản bây giờ không chỉ làm nội dung mà còn làm công nghệ, cái gì dễ thì làm, khó thì hợp tác. Mỗi cuốn sách ra đời thì phải nghĩ ngay đến phiên bản của nó.

Bộ trưởng cho rằng: “Phát triển theo hướng nội hàm mới, ngành xuất bản sẽ có tương lai cực kỳ xán lạn. Chúng ta cũng phải tư duy về sách khác đi thì cơ hội phát triển ngành sách sẽ rất lớn. Muốn đổi mới, muốn tái sinh thì phải quay về gốc của nó và thay đổi nội hàm”.

Ngành xuất bản cần những hỗ trợ về công nghệ để phát triển 

Báo cáo về hoạt động của lĩnh vực XBIPH, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục XBIPH cho biết: Hiện cả nước có 57 nhà xuất bản (NXB), hơn 2.400 cơ sở in và số cơ sở phát hành là 2.050. Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực XBIPH là trên 109.000 người. Tính đến hết năm 2022, mức bình quân sách của Việt Nam là 6,02 bản/người/năm.

z4151381288179_8b06a72d95e39ec34149bd92f77c6ff0.jpg
Ông Nguyễn Nguyên: mức bình quân sách của Việt Nam là 6,02 bản/người/năm.

Năm 2022, chỉ số bản sách có tăng lên, lĩnh vực in có sự phát triển nhưng so với trước kia thì vẫn không bằng. Cơ cấu sách hiện nay có 2 vấn đề bất cập, đó là sách giáo dục hiện nay chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 66%); doanh thu của ngành còn thấp. Hiện nay ngành xuất bản đang thiếu vắng những đơn vị lớn có khả năng đầu tư.

Thêm nữa, việc ứng dụng công nghệ số vào NXB và cơ sở phát hành còn chậm; mới phát triển được thị trường sách nói, thị trường sách điện tử khác chậm; dữ liệu lớn của ngành in chưa được xây dựng.

z4151381290388_55e96d22e0ccdfd617f8109ecb52c0c3.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: để thúc đẩy phong trào đọc sách thì cần mở rộng nội hàm như đa dạng các chương trình về sách

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định: XBIPH là ngành có tác động sâu rộng hơn tới các tầng lớp trí thức, nên cần có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện về ngành, đặc biệt là ngành in. Đồng thời để thúc đẩy phong trào đọc sách thì cần mở rộng nội hàm như đa dạng các chương trình về sách: người nổi tiếng tặng sách, chia sẻ cách đọc sách; giờ đọc sách trong nhà trường… Về việc hỗ trợ kinh doanh sách thì sẽ tạo cơ hội bán sách vào hệ sinh thái của các ngân hàng…

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam đã có những chia sẻ về tình hình phát triển của ngành in.

z4151381276969_28b09952e3b13d44ff5c47bd31899b31.jpg
Ông Nguyễn Văn Dòng: Ngành in đã có sự đầu tư công nghệ nên các sản phẩm sách đã có chất lượng tốt hơn, sách của Việt Nam giờ có thể xuất khẩu được

Theo Chủ tịch Hiệp hội in, ngành in hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức như: doanh thu ngành in đang có sự chênh lệch rất lớn, ví dụ như có những doanh nghiệp (DN) in doanh thu có 5 tỷ đồng, nhưng có DN doanh thu lên tới 5.000 tỷ đồng. Nhiều đơn vị nhà nước chuyển sang cổ phần nhưng bản chất không thay đổi nên khó phát triển…

Tiền thân của ngành in sinh ra là để phục vụ xuất bản, nhưng dần ngành in phát triển rất mạnh trong nhiều lĩnh vực nên hiện in bao bì chiếm 2/3 sản lượng ngành in, xuất bản chỉ còn chiếm tỉ trọng khoảng 10% ngành in.

“Tuy vậy nhưng sản phẩm truyền thống của các nhà in hiện nay cũng vẫn là xuất bản phẩm. Ngành in đã có sự đầu tư công nghệ nên các sản phẩm sách đã có chất lượng tốt hơn, sách của Việt Nam giờ có thể xuất khẩu được”, ông Dòng nhận định.

Ông Dòng cũng bày tỏ: Việc chuyển đổi số của ngành in vẫn yếu, không chỉ trong sản xuất mà còn cả trong thương mại điện tử. Tuy tiềm năng phát triển lớn nhưng chất lượng nguồn nhân lực của ngành còn yếu. Nếu không được cải thiện thì sẽ càng mất cân đối và dần dần sẽ rơi vào tay nước ngoài.

z4151381283610_0321f63809a07e11d4fdf3f408399f76.jpg
Bà Nguyễn Hoài Anh: ngoài các ấn phẩm sách truyền thống, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã mở rộng thêm nhiều loại xuất bản phẩm khác như sách nói, sách rút gọn

Từ thực tế tại đơn vị, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật cho hay, để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng, ngoài các ấn phẩm sách truyền thống, NXB đã mở rộng thêm nhiều loại xuất bản phẩm khác như sách nói, sách rút gọn, sách dành cho công nhân khu công nghiệp, sách cho sinh viên... Đồng thời, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết đến sách của NXB mình.

Chia sẻ góc nhìn của người đã có nhiều năm hoạt động trong ngành xuất bản, ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, để tái sinh, cần mở rộng nội hàm, không chỉ là công tác xuất bản mà phải là sự nghiệp xuất bản. Và vấn đề mấu chốt, theo ông Lê Hoàng, cần phát triển văn hóa đọc để Việt Nam có nhiều người đọc sách hơn.

Dẫn chứng câu chuyện thực tế lĩnh vực xuất bản Indonesia, Hàn Quốc đã khuyến khích người dân đọc sách từ khi còn nhỏ, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị sắp tới khi sửa Luật xuất bản, cần nghiên cứu bổ sung nội dung về phát triển văn hóa đọc vào dự thảo Luật: “Văn hóa đọc phát triển, sức mua sách sẽ tăng lên và từ đó sẽ tạo điều kiện cho hệ sinh thái xuất bản cất cánh”.

z4151381272937_4d5a543aa689be47e293fc8b44a90062.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ để sách được giới thiệu đến nhiều người qua các nền tảng công nghệ

Từ kết quả tiêu thụ ấn tượng tới 30.000 bản trong tháng 2 của cuốn “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” nhờ được người nổi tiếng giới thiệu, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng rất cần có các đại sứ văn hóa đọc, đó là các chính trị gia, những doanh nhân thành công và những người có ảnh hưởng tới giới trẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ để sách được giới thiệu đến nhiều người qua các nền tảng công nghệ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành xuất bản cần phát triển theo hướng nội hàm mới để "tái sinh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO