Truyền thông

Xuất bản Việt Nam - Vững bước để phát triển trong thời đại số

Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành 17/08/2023 06:20

Những năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức trong bối cảnh những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai, xung đột của các nước trên thế giới… nhưng ngành Xuất bản vẫn vững bước, tiếp tục phát huy vai trò lưu giữ và truyền bá tri thức.

Vượt qua khó khăn, ngành xuất bản mở ra những thị trường mới thích nghi với xu thế phát triển của ngành công nghiệp số.

Hiện nay, ngành Xuất bản đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn như: giá giấy và vật tư in ấn tăng cao, nhiều tỉnh thành bị giãn cách xã hội nên hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các nhà xuất bản (NXB), công ty phát hành sách, công ty sách bị đình trệ, chuỗi dịch vụ bị đứt gãy. Nhiều cửa hàng sách truyền thống buộc phải dừng hoạt động, doanh thu sụt giảm trong điều kiện vẫn phải trang trải chi phí tiền lương, thuê mặt bằng…; đời sống của người lao động trong ngành Xuất bản gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, trong hơn 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng, ngành Xuất bản có những thuận lợi cơ bản khi thể chế, chính sách quản lý hoạt động xuất bản ngày càng hoàn thiện, năng lực và tiềm lực toàn ngành được nâng lên một bước; sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân đối với văn hóa đọc có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ sau khi có quyết định của Thủ tướng năm 2014 lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam và Luật Thư viện năm 2019 lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Toàn ngành đã có những nỗ lực lớn, vượt qua khó khăn để hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác và đạt những thành tích được xã hội ghi nhận.

Trong những năm 2017 đến 2022, các NXB đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu ngày càng tăng. Chỉ lấy số liệu của hai năm gần đây, cho thấy, so với năm 2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu năm 2022 là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,2%), gồm 598.938.423 bản (tăng 49,5%).

Cũng so với năm 2021, xuất bản phẩm dạng sách in năm 2022 là 32.645 cuốn (tăng 11,5%), xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6 %) với khoảng 32.500.000 bản (tăng 30%) và các xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại…) đạt 2.034 xuất bản phẩm (tăng 48%) với 26.501.152 bản (tăng 3,4%).

Những năm gần đây, số lượng xuất bản phẩm và số bản phát hành cũng như doanh thu, lợi nhuận của toàn ngành Xuất bản năm sau đạt cao hơn năm trước. Năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành đạt ngưỡng trên 3000 tỷ đồng. Năm 2022, đã tăng lên 3.994,09 tỷ đồng (tăng 33,3% so với 2021); lợi nhuận (sau thuế) đạt 429,483 tỷ đồng (tăng 11,8% so với 2021). Năm 2022, có 18/57 NXB có mức tăng trưởng cao về doanh thu…

xuat-ban.png

Có được kết quả này là do các NXB, các đơn vị xuất bản, phát hành sách đã có bước chuyển biến tích cực, linh hoạt ứng phó với tình hình mới bằng việc chuyển đổi mô hình, phương thức kinh doanh, tích cực ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), trong khi đầu tư của Đảng và Nhà nước về sách đặt hàng cũng được tăng cường.v.v…

Có thể thấy, với những biến động như vậy, ngành Xuất bản vẫn duy trì ổn định tính năng sản xuất, các NXB vẫn giữ vững được mặt trận an ninh tư tưởng, cung cấp các sách hay có giá trị phục vụ cho tuyên truyền như: sách về chính trị có sách của Tổng Bí thư, sách của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước và một số sách mới mang tính phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội…

Các NXB, các đơn vị liên kết xuất bản đã cố gắng nắm bắt xu thế phát triển xuất bản hiện đại trên thế giới, rất nhanh nhạy trong việc khai thác và mua bản quyền, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ nhu cầu thị hiếu của bạn đọc… Sách được chọn lọc kỹ về nội dung và ngày càng được đầu tư nhiều hơn về hình thức, chất lượng in ấn, vì vậy sách mới trong những năm gần đây hình thức đẹp hơn, chất lượng nâng cao hơn.

xuat-ban-2.png

Một số đơn vị đã xuất bản thêm các phiên bản sách đẹp, giá trị cao, có số lượng giới hạn đáp ứng nhu cầu độc giả mua sách để sưu tầm. Các tựa sách thiếu nhi ngoài nội dung hay, hình thức đẹp, các hình ảnh minh họa còn có thể chuyển động, có âm thanh kích thích sự ham mê đọc sách của các bé. Các tựa sách thể loại manga comic, light novel còn có quà tặng kèm phù hợp với thị hiếu và xu hướng yêu thích của giới trẻ.

Các thể loại sách giáo dục, thiếu nhi, văn học, tâm lý kỹ năng, kinh tế,… được các đơn vị quan tâm xuất bản nhiều hơn. Công tác truyền thông cho sách cũng được các đơn vị xuất bản và phát hành đầu tư bài bản với nội dung phong phú, hình thức và phương thức tiếp cận độc giả đa dạng, hiệu quả. Sách mới, sách “hot” được đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội thay thế dần cho hình thức truyền thông trên báo giấy. Xuất hiện nhiều phương thức xuất bản và phát hành mới, đặc biệt là xuất bản gắn liền với phát hành sách nói, sách ngắn.

Ngành xuất bản đang không ngừng nỗ lực chuyển đổi đổi số để phát triển. Điều này có thể thấy rõ từ năm 2019 đến năm 2022 như việc đăng ký xuất bản điện tử từ 4 NXB tăng lên 19 NXB, cơ sở phát hành từ 2 tăng lên 17 cơ sở, số đầu sách điện tử từ 286 tăng lên 3050; sự phát triển của thị trường sách nói, sách tóm tắt điện tử từ không có lên quy mô 50 tỷ năm 2022. Sách điện tử và các dòng sách nói ngày càng mở rộng trên thị trường để phục vụ bạn đọc. Riêng Waka, mỗi một ngày là 56.000 lượt truy cập nghe sách, một năm là 16 triệu lượt, như vậy tương tương đương với bán 16 triệu bản sách điện tử trong một năm. Fonos là 7 - 10 triệu, Voiz-M từ 18-20 triệu…

Dịch COVD-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống phát hành sách, đặc biệt là kinh doanh bán lẻ truyền thống, nhưng lại tạo cơ hội chưa từng có cho việc kinh doanh, phát hành sách trên các nền tảng, ứng dụng công nghệ mới. Các sàn TMĐT Tiki, Shopee, Fahasa.com… có dịp tăng thêm được nhiều khách hàng mới và có doanh thu sách tăng trưởng đột biến.

Các công ty, nhà sách lớn, chuyên nghiệp đã chủ động tối ưu hóa các nguồn lực, tập trung cải tiến quy trình quản trị, tích cực áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới theo mô hình hiện đại của thế giới kết hợp với tập quán văn hóa của Việt Nam, như: xây dựng không gian sách và trải nghiệm văn hóa đọc tại các siêu thị, các trung tâm du lịch - văn hóa có uy tín, có thương hiệu lớn; gắn mô hình nhà văn hóa ở khu vực nông thôn với tủ sách; đầu tư các ứng dụng công nghệ để tạo thêm các tiện ích cho khách hàng như tra cứu sách, trải nghiệm sách và mua sách qua mạng... để thu hút khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.

Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam - Tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống “đọc và học” của dân tộc.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội. Để phát triển văn hóa đọc lên tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Theo đó, quyết định tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách của con người.

Với các thông điệp như: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”…, đến nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thực sự đã trở thành ngày hội của những người yêu sách và lan tỏa trong cộng đồng.

Theo đó, kế hoạch và tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện với các hoạt động ý nghĩa để lan tỏa và nâng tầm văn hóa đọc của Nhân dân.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các đơn vị tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; đồng thời, khuyến khích các đơn vị xuất bản tham mưu ý tưởng, cách làm và trực tiếp thực hiện các việc lớn, giúp các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động Ngày sách và văn hóa đọc trong phạm vi địa phương, ngành và đối tượng tập hợp của các tổ chức hội, đoàn thể, từng bước biến ngày này thành Ngày Hội sách trong xã hội. Các hội sách ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ và nhiều địa phương khác trong cả nước đều có sự quan tâm và tích cực tham gia của các nhà xuất bản, các công ty, đơn vị phát hành sách.

Tại các ngày Hội sách, các đơn vị tham gia không chỉ nhằm mục đích kinh doanh bán sách, mà còn tổ chức các hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sách và tác giả, trao đổi bản quyền và ký kết các liên kết, hợp tác phát triển văn hóa đọc trên nền tảng, ứng dụng công nghệ số, như: Hội sách trực tuyến quốc gia trên sàn Book365 các năm 2020, 2021, 2022.

sach-dien-tu.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Sự hưởng ứng tích cực, chủ động của các NXB, công ty phát hành sách trong việc tổ chức các hội chợ sách, triển lãm sách trực tuyến, thể hiện sự nhạy bén với xu thế, công nghệ mới; là phương thức mới để giới thiệu sách, lan tỏa văn hóa đọc trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ.

Đặc biệt, phong trào đọc sách, tặng sách đã đến được nhiều nơi trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “phải soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Vai trò của truyền thông trong việc quảng bá sách và văn hóa đọc

Thời gian qua, việc truyền thông, quảng bá sách và văn hóa đọc đã có những chuyển biến rất tích cực. Các báo đài, cơ quan truyền thông đã đăng tải hằng ngàn tin, bài, tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, quảng bá đến đông đảo công chúng rất tốt cho hoạt động của ngành Xuất bản và hoạt động văn hoá đọc trong thời gian qua.

Nhất là thời gian giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19, tại các trung tâm lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ..v.v…việc cung cấp, trao đổi thông tin với các cơ quan thông tấn, báo chí được duy trì, phát huy tác dụng, giúp các cơ quan chức năng của một số địa phương xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp xuất bản, phát hành hoạt đông một cách hiệu quả, thiết thực.

Cùng với đó, nhiều báo in, báo điện tử, đài truyền hình đã xây dựng riêng những chương trình giới thiệu sách hằng ngày, hằng tuần. Có thể kể đến VTV3 với “Cà phê sáng”, Truyền hình VOV với “Sách và cuộc sống”, các mục Góc đọc sách, giới thiệu sách mới, trò chuyện về sách…

Đặc biệt là sự kiện những chuyên mục sách của các cơ quan báo chí về truyền thông, khuyến khích văn hoá đọc đã được giới thiệu vào ngày 21/4, Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2023. 8 báo và tạp chí gồm: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Dân Trí, Zing đều xây dựng các chuyên mục riêng để giới thiệu sách và văn hoá đọc, nhận được sự chú ý của đông đảo độc giả.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH) thuộc Bộ TT&TT đã xây dựng một nền tảng số (dưới dạng tương tác) yêu cầu các nhà xuất bản, công ty phát hành sách cung cấp thông tin sách hay, sách có giá trị để các cơ quan báo chí có thể tổ chức tin bài kịp thời. Và mới đây nhất (7/2023), Cục XBIPH đã tổ chức một cuộc gặp “bàn tròn” giữa những người làm xuất bản và các cơ quan báo chí, truyền thông để cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy truyền thông cho văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sách đơn thuần, nhiều đơn vị báo chí, truyền thông còn tổ chức các buổi trò chuyện, trao đổi về sách dưới dạng talkshow, thu hút sự tương tác của độc giả bằng những phần quà là những cuốn sách, góp phần đưa sách đến gần hơn với người đọc.

Ngoài các cơ quan báo chí, truyền thông, nhiều đơn vị làm xuất bản hiện nay cũng rất nhanh nhạy và năng động trong việc truyền thông, quảng bá, đưa sách đến với người đọc một cách trực tiếp và nhanh nhất.

Ngoài việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sách trên các trang mạng xã hội, các đơn vị này còn thành lập các nhóm đọc sách, liên tục có những hoạt động game mini, tặng quà, đọc sách trả review… thu hút sự tương tác rất lớn của độc giả.

Tùy theo từng thế mạnh của các đơn vị về mỗi dòng sách mà có các nhóm bạn đọc phù hợp, như sách thiếu nhi, sách kinh điển, sách trinh thám, sách văn học, sách lịch sử, kiến thức… Và không ngạc nhiên khi có những đơn vị đã sở hữu những đầu sách ăn khách, liên tục tái bản để đáp ứng nhu cầu bạn đọc thông qua những hình thức quảng bá này.

Có thể thấy rằng báo chí truyền thông là một trong những kênh quan trọng đối với việc giới thiệu sách, làm cầu nối để bạn đọc có thể lựa chọn những cuốn sách tốt nhất, chất lượng nhất. Đồng thời, báo chí truyền thông cũng là kênh nhanh nhất để lan tỏa tinh thần văn hóa đọc rộng rãi trong cộng đồng.

Từ những nỗ lực của ngành Xuất bản cũng như các cơ quan truyền thông, báo chí và sự chung tay của Nhân dân sẽ mở ra những bước phát triển mới trong việc quảng bá, truyền thông sách, đưa sách đến gần hơn với người đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)

Bài liên quan
  • Xuất bản sách dân gian cho thiếu nhi
    Trong rất nhiều xu hướng xuất bản sách cho thiếu nhi năm 2023, Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam đã cho ra mắt nhiều bộ sách thiếu nhi dân gian.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xuất bản Việt Nam - Vững bước để phát triển trong thời đại số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO