Tại sao trường mẫu giáo phương Tây không dạy trẻ phải chia sẻ cho bạn nhưng vẫn đào tạo ra những em bé có EQ cao?

An Nhiên| 19/04/2020 12:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các nhà tâm lý và giáo dục phương Tây, ép trẻ phải chia sẻ chỉ tạo ra những đứa trẻ ích kỷ và không biết tôn trọng.

"Con phải chia sẻ cho bạn nhé", "Con đừng keo kiệt với mọi người"... chắc chắn nhiều bậc phụ huynh và giáo viên đã dạy các con như vậy bởi họ nghĩ biết chia sẻ là biểu hiện của EQ cao. Và cha mẹ hi vọng rằng trẻ có EQ cao sẽ có kỹ năng tốt, dễ dàng hòa nhập với xã hội trong tương lai.

Nhưng ở các trường mẫu giáo phương Tây, các giáo viên và cả cha mẹ không dạy con phải chia sẻ.

Tại sao trường mẫu giáo phương Tây không dạy trẻ phải chia sẻ nhưng vẫn đào tạo ra những em bé có EQ cao - Ảnh 1.

"Con có thể nói "không" với các bạn nếu con không muốn cho mượn!".

Trên mạng xã hội mới đây vừa có một cuộc thảo luận sôi nổi khi một bà mẹ là Alanya Kolberg cho biết ủng hộ việc con mình không chia sẻ đồ chơi với bạn.

Trong một lần cho con đi chơi công viên, con trai Alanya có cầm theo một món đồ chơi. Khi tới công viên, món đồ chơi này đã thu hút sự chú ý của 6-7 đứa trẻ khác và đứa trẻ nào cũng muốn thử món đồ chơi của cậu bé.

Cậu con trai lúc đó tỏ ra lo lắng khi các bạn cứ chăm chăm muốn mượn đồ của mình và đưa mắt nhìn mẹ cầu cứu. Người mẹ đã nói với con trai: "Con có thể nói "không" với các bạn nếu con không muốn cho mượn!".

Sau đó bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội và câu đầu tiên cô viết: "Con tôi không bắt buộc phải chia sẻ với các bạn". Bài viết của cô đã gây ra một cuộc thảo luận rôm rả và được 200.000 lượt chia sẻ.

Thực tế trong các trường mẫu giáo ở Mỹ, các cô giáo đã dàn xếp khi những đứa trẻ tranh giành đồ chơi với nhau. Khi đó, cô giáo dạy bọn trẻ không phải là chia sẻ mà là "thay phiên nhau" chơi.

"Thay phiên nhau" khác hoàn toàn so với "chia sẻ với nhau". Điều đó có nghĩa, đứa trẻ đang cầm món đồ chơi đó có thể quyết định thời gian và cách chơi, sau đó nó có quyền hoặc tự nguyện hoặc không chia sẻ món đồ chơi đó với các bạn khác.

Nhưng cũng nhờ cách "thay phiên" đó mà trẻ sẽ ít tranh giành đồ với nhau hơn bởi chúng biết cách tôn trọng hơn.

Trong những lần "thay phiên" đó, các cuộc hội thoại giữa bọn trẻ thường là: "Bạn chơi trước món đồ này nhé, khi không chơi nữa, bạn có thể cho tớ mượn được không?". Đứa trẻ đang cầm đồ chơi trả lời: "Tất nhiên rồi".

"Không ai có thể chạm vào những thứ của tôi"

Khi trẻ tầm 2 tuổi, chúng sẽ phân định rõ ràng những gì thuộc về mình. Khi đó, chúng sẽ trở nên mất kiểm soát, thậm chí hung hăng nếu ai chạm vào đồ của chúng.

Thực tế, khi con có hành động "ki bo" đó, cha mẹ cũng không nên lo lắng bởi đó là giai đoạn bắt đầu nhận thức của trẻ trong quá trình phát triển.

Nói một cách đơn giản, hãy làm rõ ràng quyền sở hữu của trẻ: đây là của tôi, đây là của bạn, của mọi người. Chỉ khi có một định nghĩa cơ bản về quyền sở hữu thì trẻ sẽ có nhận thức tốt hơn và biết cách xin phép khi muốn dùng đồ của người khác. Đó cũng là cách để dạy trẻ biết tôn trọng mọi người.

Trong giai đoạn nhạy cảm khi nhận thức về quyền sở hữu, trẻ sẽ có những thái độ, hành động được quy kết là "ích kỷ", "hống hách". Thực tế cho thấy, phản ứng như vậy của trẻ là bình thường. Cha mẹ đừng nên gán cho con những tính từ không hay hoặc bắt con chia sẻ vào thời điểm này. Bởi kết quả sẽ là phản tác dụng, thậm chí còn khiến trẻ bối rối và mất ý thức sở hữu.

Thay vào đó, cha mẹ nên hướng dẫn con về sự sở hữu như: "Đây là đồ chơi của con", "Đây là mỹ phẩm của mẹ", "Đây là dép của bố",  để trẻ biết phải biết cách xin phép khi muốn dùng đồ của người khác.

Tại sao trường mẫu giáo phương Tây không dạy trẻ phải chia sẻ nhưng vẫn đào tạo ra những em bé có EQ cao - Ảnh 4.

Trẻ phải biết cách xin phép khi muốn dùng đồ của người khác.

Thiếu ý thức về quyền sở hữu, trẻ sẽ ích kỷ hơn

Laura Markham, Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng tại Đại học Columbia, Mỹ đã đề cập tới trong cuốn sách bán chạy nhất của bà "Peaceful Parent, Happy Kids" (Cha mẹ bình yên con hạnh phúc): "Bắt buộc chia sẻ không dạy cho trẻ ý nghĩa thực sự của sẻ chia mà còn gây chấn thương tâm lý cho trẻ".

Trong thực tế có nhiều tình huống kiểu như: khi có khách tới nhà và mang theo con đi cùng, đứa trẻ muốn chơi đồ chơi của con mình, lập tức chủ nhà yêu cầu con phải nhường bạn, đưa cho bạn chơi.

Tại sao trường mẫu giáo phương Tây không dạy trẻ phải chia sẻ cho bạn nhưng vẫn đào tạo ra những em bé có EQ cao? - Ảnh 3.

Bố mẹ coi đó là một hành vi hiếu khách, chia sẻ giữa con và bạn, nhưng đứa trẻ bị ép phải chia sẻ không nghĩ như vậy. Nó sẽ thấy không có cảm giác an toàn ngay với cả người gần gũi nhất với chúng là bố mẹ khi bị bắt phải làm việc mà chúng không thích.

Dần dần các con sẽ trở nên cảnh giác và giấu hết đồ chơi của mình khi có bạn tới nhà vì không muốn bị bố mẹ ép phải chia sẻ nữa.

Cảm giác không thấy an toàn khi bị người lớn ép làm việc mình không muốn sẽ dẫn đứa trẻ tới những hành vi ích kỷ.

Còn đứa trẻ được bạn nhường cho đồ chơi, sẽ coi đó là việc đương nhiên và không hình thành được thói quen tốt là xin phép khi muốn dùng đồ của ai.

Ngược lại, chỉ khi trẻ cảm thấy an toàn về những thứ chúng đang sở hữu thì dần dần sẽ biết phải tôn trọng người khác khi muốn dùng đồ của họ, biết cách trân trọng đồ đạc, bảo vệ quyền lợi của mình và từ đó sẽ có ý thức tự giác chia sẻ hơn.

Tại sao trường mẫu giáo phương Tây không dạy trẻ phải chia sẻ nhưng vẫn đào tạo ra những em bé có EQ cao - Ảnh 5.

Chỉ khi trẻ cảm thấy an toàn về những thứ chúng đang sở hữu thì dần dần sẽ biết phải tôn trọng người khác.

Khi cho phép trẻ từ chối, làm thế nào để trẻ tự nguyện chia sẻ?

Tôn trọng quyền sở hữu của trẻ

Một số cha mẹ cho rằng, con là do mình sinh ra, những món đồ của chúng là do mình sắm nên mình có quyền xử lý mọi việc theo ý bản thân.

Điều kiện tiên quyết để trẻ sẵn sàng chia sẻ là cha mẹ tôn trọng quyền sở hữu của con. Vì vậy trước khi muốn cho ai đó mượn một món đồ gì của con, cha mẹ phải hỏi ý kiến chúng. Khi trẻ không đồng ý chia sẻ, cha mẹ nên tôn trọng quyết định của con.

Hãy để trẻ trải nghiệm niềm vui chia sẻ

Chia sẻ không phải để làm hài lòng người khác mà là làm hài lòng chính bản thân mình.

Ban đầu, trẻ sẽ không hiểu được định nghĩa này và chúng chỉ chống lại việc bị ép chia sẻ đồ cho ai đó. Vì vậy, trước tiên đừng bao giờ ép trẻ phải chia sẻ, hãy để trẻ tự nguyện làm việc đó. Sau đó cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu, khi con cho bạn chơi cùng, con thấy bạn vui và chắc chắn con cũng sẽ vui khi chơi chung với bạn.

Tại sao trường mẫu giáo phương Tây không dạy trẻ phải chia sẻ nhưng vẫn đào tạo ra những em bé có EQ cao - Ảnh 6.

Đừng bao giờ ép trẻ phải chia sẻ, hãy để trẻ tự nguyện làm việc đó.

Khuyến khích trẻ chơi lần lượt

Thay phiên nhau chơi sẽ là cách giải quyết tốt nhất khi những đứa trẻ cùng thích một món đồ chơi nào đó.

Hãy để trẻ hiểu rằng, trao đổi, thay phiên nhau chơi sẽ không làm mất đồ chơi của bé, ngược lại bạn cũng có cơ hội để thử chơi món đồ chơi mới của bạn khác khi cả hai chia sẻ, đổi đồ chơi cho nhau.

Buộc trẻ phải chia sẻ không có nghĩa là sẽ tạo ra một đứa trẻ có EQ cao

EQ, trí tuệ cảm xúc cao không có nghĩa là dạy trẻ phải hi sinh cảm xúc của mình để làm hài lòng người khác, cũng không phải kìm nén cảm xúc để khiến người khác hạnh phúc.

Trí thông minh cảm xúc cao thực sự phải là tìm ra cách hòa hợp với mọi người để luôn cảm thấy thoải mái với chính mình.

Tại sao trường mẫu giáo phương Tây không dạy trẻ phải chia sẻ cho bạn nhưng vẫn đào tạo ra những em bé có EQ cao? - Ảnh 6.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tại sao trường mẫu giáo phương Tây không dạy trẻ phải chia sẻ cho bạn nhưng vẫn đào tạo ra những em bé có EQ cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO