Tận dụng tốt cơ hội, tôm Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh vào thị trường EU

PV| 15/11/2022 10:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Với EVFTA, Việt Nam có lợi thế hơn nhiều nước nhờ thuế suất ưu đãi nên đã trở thành nhà cung cấp tôm thứ hai trên thế giới và lớn nhất châu Á cho EU. Đảm bảo nguồn cung tôm chất lượng và thực hiện chế biến sâu tiếp tục là những giải pháp bền vững để sản phẩm tôm giữ vị thế ở thị trường này.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang EU

Hơn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp thủy sản đã tăng sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo hiệp định, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong bức tranh xuất khẩu thủy sản giá trị 8,5 tỷ USD với toàn màu xanh tăng trưởng trong 9 tháng năm 2022, thị trường EU cũng đóng góp một gam màu tươi sáng với giá trị đã chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang EU, với 54% tổng kinh ngạch xuất khẩu.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhận định, Việt Nam tiếp tục phát huy tối đa thế mạnh là tôm chế biến sâu. Hiện nay, Việt Nam đang thứ hai về xuất khẩu tôm sang thị trường EU sau Ecuador và từng bước nâng cao sản lượng để cạnh tranh với các đối thủ.

Các chuyên gia cho rằng, các sản phẩm tôm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trước nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của EU tăng trở lại sau dịch COVID-19; nhất là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ và Pháp.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, năm 2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra kỳ vọng lớn cho xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Theo đó, nhóm thủy sản chủ lực như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... Có thể nói, các nhóm mặt hàng thủy sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.

Đến năm 2022, hết quý II, EU nằm trong nhóm ba thị trường xuất khẩu thủy sản cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, các ưu đãi thuế quan của EVFTA đã bộc lộ hiệu quả rõ nét, dẫn tới việc xuất khẩu thủy sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thủy sản chính tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Tận dụng tốt cơ hội , tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường EU - Ảnh 1.

Tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang EU, chiếm 54% tổng kinh ngạch xuất khẩu.

Còn nhiều rào cản cần vượt qua

Đánh giá về việc tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 2 năm vừa qua, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận, EU là thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu cao để vào thị trường. Điều này cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam đã định hướng thị trường và mặt hàng tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thị phần hiện nay vẫn còn thấp, rau quả chưa đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...

"Chúng ta vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chúng ta chưa tập trung, như vậy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa", ông Ngô Chung Khanh khẳng định.

Khi xuất khẩu sang EU, thách thức lớn đối với thủy sản là bảo đảm quy tắc xuất xứ. Mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản và Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp đào tạo cho doanh nghiệp bảo đảm về chứng nhận xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi việc các doanh nghiệp không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp C/O, quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, việc bị đánh thẻ vàng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) là yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thủy sản sang EU.

Ngoài ra, còn có các thách thức khác về dài hạn như yêu cầu chứng nhận ngày càng cao hơn của thị trường, môi trường hay lao động cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với thủy sản Việt.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua rất tích cực, nhưng so với đối thủ cạnh tranh, so về thị phần thì chưa phải là tỷ lệ tốt. Do đó, bên cạnh các yếu tố đã có từ chính EVFTA, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nắm bắt để tận dụng tốt ưu đãi của hiệp định này.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Có thể nói rằng, việc chuẩn bị chu đáo nguồn cung tôm nguyên liệu đạt đủ tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm được thúc đẩy nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… Hiệp định EVFTA yêu cầu sản phẩm thủy sản phải có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ EU. Điều này có nghĩa là nguyên liệu thủy sản dùng cho thủy sản sơ chế hoặc chế biến phải được nuôi dưỡng, thu hoạch hoặc đánh bắt tại Việt Nam hoặc nhập khẩu có xuất xứ từ EU.

Cà Mau hiện có hơn 19.000 ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…). Sản phẩm tôm - rừng được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn khoảng 5 - 10% so với sản phẩm truyền thống. Đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, các doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ nông dân chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250.000-500.000 ha mỗi năm và con giống có chất lượng cao.

Ở Bạc Liêu, có hàng chục doanh nghiệp đầu tư vào "Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu". Những đơn vị này được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhưng EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia… Bạc Liêu còn có hơn 20 công ty và gần 700 hộ đang thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, với tổng diện tích hơn 3.900 ha. Qua hơn 3 năm áp dụng, nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả sản xuất và dự báo sẽ được mở rộng phát triển trong thời gian tới.

Hiện nay, Bộ Công Thương ủy quyền cho 20 cơ quan, tổ chức (bao gồm 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước và Sở Công Thương thành phố Hải Phòng) được cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA. Việc mở rộng và duy trì nguồn cung nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của COVID-19, là yếu tố then chốt để ngành thủy sản của Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường EU nhờ cú hích từ EVFTA./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng tốt cơ hội, tôm Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh vào thị trường EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO