Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng
Cùng với sự phát triển của Internet, xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin dẫn đến việc không còn phân biệt ranh giới giữa hạ tầng viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều loại hình truyền thông mới trên Internet xuất hiện đang ngày càng có tác động mạnh mẽ lên đời sống của người dân và toàn xã hội, điều này mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức.
Tóm tắt:
Các website phim lậu xâm phạm bản quyền, gây thất thu cho nhà sản xuất và nhà nước. - Hiện tượng xem phim lậu phổ biến do người dùng chưa nhận thức đầy đủ về tác hại và thiếu chế tài xử phạt.
- Các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, YouTube... đang lấn át các kênh truyền hình trong nước, khiến phim Việt Nam khó cạnh tranh.
- Nội dung phim nước ngoài tràn lan, nhiều phim không phù hợp với văn hóa Việt, làm mai một giá trị truyền thống.
- Nhiều phim nước ngoài, đặc biệt là phim Trung Quốc, chứa nội dung sai lệch về lịch sử, xâm phạm chủ quyền lãnh
thổ Việt Nam, điển hình là hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật: Ban hành luật và nghị định mới về điện ảnh, quản lý thông tin trên mạng, quy định
rõ trách nhiệm của các bên liên quan, chế tài xử phạt hành vi vi phạm.
- Ứng dụng công nghệ: Sử dụng công nghệ để rà quét, giám sát nội dung phim trên không gian mạng, phát hiện và
xử lý kịp thời các sai phạm.
- Đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới: Yêu cầu các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ nội dung
vi phạm, đóng thuế đầy đủ.
- Ngăn chặn phim lậu: Chặn các trang web phim lậu, nâng cao nhận thức của người dùng về tác hại của phim lậu.
- Tuyên truyền, giáo dục: Nâng cao nhận thức của người dân về giá trị văn hóa truyền thống, tác hại của phim ảnh
độc hại, xâm phạm chủ quyền.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành.
- Đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý.
- Tăng cường dự báo, nắm bắt tình hình, chủ động xử lý các tình huống.
Công nghệ số là vườn ươm để các loại hình truyền thông trên Internet, góp phần đổi mới phương thức thông tin tuyên truyền, đưa thông tin chính thống, thông tin tích cực tiếp cận đến mọi người dân cũng như đến cộng đồng quốc tế một cách thuận tiện, nhanh chóng và đầy đủ nhất.
Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển bùng nổ của các loại hình truyền thông trên Internet cũng là “con dao hai lưỡi” với những tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội khi trở thành môi trường, công cụ thuận lợi để một số đối tượng, thế lực thù địch thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG), trật tự an toàn xã hội (TTATXH), gây bức xúc trong dư luận xã hội; với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, nhiều thách thức đang đặt ra đối với vấn đề bảo vệ quyền tác giả, nhất là với lĩnh vực điện ảnh, một trong những thể loại thường xuyên phải đối mặt với các hình thức xâm phạm bản quyền tinh vi, trắng trợn trên không gian mạng.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), các Bộ ngành chức năng liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý các loại hình truyền thông trên không gian mạng, phổ biến phim trên không gian mạng, trong đó công tác xử lý vi phạm được triển khai quyết liệt, đảm bảo tính răn đe, chấn chỉnh kịp thời nhiều hành vi sai phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng cũng gặp nhiều khó khăn do tính chất mở và linh hoạt của Internet khiến người dùng dễ dàng đăng phát và cũng dễ dàng gỡ bỏ, phi tang chứng cứ; khó xác định chủ thể của các website sử dụng tên miền quốc tế, dịch vụ lưu trữ dữ liệu có máy chủ đặt tại nước ngoài, các nền tảng xuyên biên giới...
Sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của các loại hình truyền thông trên mạng đang đặt ra những yêu cầu mới cho các cơ quan quản lý (CQQL), nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý về điện ảnh, thông tin điện tử theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Thực trạng các hoạt động phát hành phim bất hợp pháp, hoạt động xâm lăng văn hóa, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, an ninh quốc gia thông qua việc phổ biến phim trên không gian mạng
Hoạt động phát hành phim bất hợp pháp (phim lậu) diễn ra phức tạp
Phim lậu là phim được sao chép hoặc phân phát trái phép mà không có sự đồng ý của người sở hữu bản quyền, người có quyền khai thác phim.
Hiện nay, việc chiếu phim lậu là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), cụ thể các website phim lậu đã xâm phạm quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Hiện tượng xem phim “chùa” trên mạng diễn ra khá phổ biến; nhiều trang phim lậu cập nhật đầy đủ những bản phim chiếu rạp (bao gồm phim Việt Nam và bom tấn nước ngoài) với chế độ độ phân giải cao, trong đó có không ít bộ phim trước khi phát hành đã được kiểm duyệt chặt chẽ, có phim bị cấm chiếu, hoãn chiếu nhưng trên trang phim lậu lại được phát tán công khai.
Thủ đoạn của các trang web lậu là đi sao chép phim từ các website của nước ngoài hoặc của chính các website Việt Nam đã mua bản quyền chiếu phim theo đúng quy định và chiếu miễn phí trên website đó. Đồng thời, người xem được xem miễn phí nhưng có thể sẽ phải xem quảng cáo, và các website chiếu phim lậu sẽ chạy quảng cáo, yêu cầu người xem bấm vào link pop-up (một hộp thoại nhỏ tự động bật lên khi người dùng mở trình duyệt hoặc truy cập vào một website) để kiếm doanh thu, với lượt xem, lượt click càng cao thì doanh thu càng lớn trong khi các đối tượng quản trị lại trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có đến trên 80% phim Việt từng chiếu rạp, sau đó phát hành trên các ứng dụng cung cấp nội dung trực tuyến OTT (Over The Top - dịch vụ gia tăng trên nền tảng mạng) bị phát tán trái phép trên mạng. Đây là nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà sản xuất phim tại Việt Nam vì không chỉ khi phim mới ra rạp đã bị quay lén, mà khi muốn kiếm thêm doanh thu qua việc bán bản quyền cho nhà mạng cũng bị sao chép tràn lan...
Trường hợp Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố vụ án hình sự “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” đối với website phim lậu lớn nhất Việt Nam - www.phimmoi.net được coi là động thái cứng rắn nhất và đầu tiên từ trước tới nay của cơ quan Công an khi xử lý tình trạng phim lậu và vi phạm bản quyền trên không gian mạng.
Nhưng có thể thấy rõ, pháp luật Việt Nam chưa có chế tài xử phạt với hành vi xem phim lậu mà chỉ mới đưa ra những mức phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phân phối, phát tán phim khi chưa mua bản quyền cũng như được sự cho phép từ phía nhà sản xuất của các trang web phim lậu. Theo đó, việc phân phối phim lậu là vi phạm quyền nhân thân và tài sản của tác giả, nhà sản xuất phim cũng như những tổ chức cá nhân đầu tư vào phim đó.
Ngoài vấn nạn hoành hành của những trang phim lậu, ngành điện ảnh Việt Nam còn chứng kiến cảnh phim Việt bị sao chép, cắt xén, review, livestream... trên mạng, trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) gây ảnh hưởng xấu đến nền ngành điện ảnh Việt Nam nói chung, cũng như cá nhân, tổ chức sở hữu bản quyền phim nói riêng. Việc quay lén, cắt xén phim ảnh được xem là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Điều 28 Luật SHTT 2005 (sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Luật SHTT sửa đổi 2022).
Cụ thể hành vi sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Luật SHTT 2005 được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Các cơ quan chức năng thuộc Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Bộ Công an đã triển khai chặn kỹ thuật hàng trăm website phim “lậu” nhưng đó cũng mới chỉ là giải pháp giải quyết được được phần ngọn của vấn đề. Muốn giải quyết được vấn nạn phim “lậu” tràn lan, trước hết phải giải quyết được phần gốc, đó là ý thức của người dùng Internet Việt Nam; một khi vẫn còn nhiều người muốn xem phim lậu thì các website phim lậu vẫn còn tồn tại.
Cần hết sức lưu ý, việc xem “phim lậu” tưởng như miễn phí, đơn giản và dễ dàng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người xem “chùa”. Nhiều trang web chứa mã độc “đội lốt” trang xem phim miễn phí, dễ dàng tự động cài virus vào máy tính để lấy cắp thông tin hoặc tài khoản, số thẻ ngân hàng của người dùng.
Ngoài ra, việc những bộ phim chưa qua kiểm duyệt, có yếu tố bạo lực quá mức, khiêu dâm hay có nội dung vi phạm an ninh quốc gia, thuần phong mỹ tục hoặc chứa chủ đề nhạy cảm được chiếu tràn lan trên các trang web “lậu”, dễ tạo ảnh hưởng rất xấu tới người xem - đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi. Những thông tin quảng cáo, cửa sổ pop-up gắn trên màn hình xem phim được xem như “gài bẫy” người dùng. Ở nhiều trang phim lậu, người xem có thể dễ nhìn thấy hình ảnh 18+ gợi dục hay các lời mời gọi tham gia cá độ, cờ bạc online...
Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh là tình trạng chung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, gây tác động tiêu cực và lâu dài đến sự phát triển nền điện ảnh quốc gia nói riêng và uy tín mỗi quốc gia trong quá trình hội nhập nói chung. Một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế; đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Hiện nay trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đáp ứng việc thực thi các công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
Tuy nhiên, đứng trước diễn biến phức tạp của vấn nạn vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng, cần tiếp tục đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu mới phải thực hiện. Bản quyền phim ảnh đã và đang có sự đóp góp rất lớn đối với nền kinh tế quốc gia, do đó cần có thêm những đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện, củng cố các cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hộ bản quyền, nâng cao nhận thức về bản quyền nhằm giúp nền công nghiệp điện ảnh trong nước phát triển.
Xâm lăng văn hóa qua phim ảnh, đặc biệt trên không gian mạng
Có thể thấy, hiện nay nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang bị mai một, trong khi những thói hư tật xấu, văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam xâm nhập tràn lan, làm băng hoại đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong giới trẻ - những người được xem là đội ngũ tiên phong của công cuộc chuyển đổi số.
Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok hay Netflix... đang dần chiếm lĩnh và lấn át các kênh truyền hình trong nước. Nhiều hãng tivi thông minh hiện nay đã tích hợp sẵn nút bật-tắt để xem các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Netflix... đồng nghĩa với việc người xem chỉ bấm nút là đã “lạc” vào những kênh này để xem. Không còn ranh giới giữa truyền hình truyền thống với kho tàng nội dung phim, video trên Internet. Những khái niệm như “kênh truyền hình thiết yếu”, “báo chí chính thống” chỉ còn thế hệ “8X” trở về trước biết đến.
Trong bối cảnh đó, những sản phẩm văn hóa, phim ảnh do Việt Nam sản xuất đang bị các ấn phẩm nước ngoài lấn lướt. Khảo sát thị trường phim tại Việt Nam cho thấy, kể cả phim chiếu rạp và phim chiếu trên các nền tảng xuyên biên giới thì phim nước ngoài vẫn ở địa vị thống trị. Điều này bắt nguồn từ một thực tế hiển nhiên, đó là hệ thống phân phối phần lớn thuộc về các nhà phân phối nước ngoài. Thêm vào đó, trừ một số bộ phim ăn khách mà chất lượng nghệ thuật còn nhiều điều phải bàn thì nhiều phim Việt chưa đủ sức hấp dẫn khán giả, khó mang lại giá trị thương mại. Hệ quả là trong khi những giá trị Việt phai nhạt dần thì khán giả, nhất là giới trẻ trong nước được thoải mái tiếp cận những bộ phim tràn ngập tinh thần, văn hóa, tư tưởng nước ngoài. Trong những bộ phim đó, tốt có, xấu có, không phù hợp với suy nghĩ, lối sống người Việt Nam cũng có; vô hình trung các giá trị của dân tộc trở thành cổ hủ, lạc hậu và dần bị mai một.
Phim ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật vừa giúp các bạn trẻ thụ hưởng những giá trị, vừa góp phần điều chỉnh tư duy, hành vi của con người. Do đó, việc thiếu vắng tầm nhìn, định hướng trong quản lý lĩnh vực phim ảnh có thể dẫn đến những hệ quả lớn và nghiêm trọng hơn rất nhiều đối với văn hóa, tư tưởng so với thiệt hại về khía cạnh kinh tế. Xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Song, phim Việt Nam chiếu tại các rạp đang bị phụ thuộc vào khung giờ chiếu, kênh phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài với hơn 80% thị phần.
Cùng với đó, phim nhập khẩu chiếm 80% lượng phim chiếu rạp hằng năm, một tỷ lệ ngược hoàn toàn so với ở một số nước trong khu vực. Luật Điện ảnh 2022 và Nghị định hướng dẫn có quy định: Tỷ lệ phim Việt chiếu trong các rạp phải đạt ít nhất 15%; ưu tiên giờ vàng cho phim Việt... Rõ ràng là, tỷ lệ chiếu phim không quan trọng bằng sự băn khoăn, trăn trở: Khi nào phim Việt hay có thể thống lĩnh các rạp và chinh phục được khán giả.
Trong thực tế, có những phim doanh thu “trăm tỷ” lại không mang nhiều giá trị nghệ thuật, nhiều bộ phim đậm chất nghệ thuật thì lượng vé bán ra lại rất khiêm tốn.
Luật Điện ảnh năm 2022 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 đã quy định cả hai cách tiền kiểm và hậu kiểm trong công tác quản lý phim trên không gian mạng. Tiền kiểm là siết chặt hơn về quy định các đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng, cũng như danh sách phim và mức phân loại trước khi phổ biến. Khâu hậu kiểm có áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm. Bộ VHTT&DL tổ chức thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến trên không gian mạng, phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cùng với những nội dung trong Luật Điện ảnh năm 2022, nhiều quy định mới có hiệu lực từ năm 2023 đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, giúp cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Thế nhưng tình trạng phim mạng độc hại được công chiếu công khai thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp; bất cập nằm ở chỗ những đơn vị cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng có thu phí tại Việt Nam nhưng không chịu sự quản lý, không có tư cách pháp nhân ở nước ta, dẫn đến tình trạng nhiều lần vi phạm. Hình thức xử lý mới dừng ở việc yêu cầu gỡ bỏ phim vi phạm nên dường như các nhà phổ biến phim nước ngoài trên không gian mạng vẫn đang “nhờn” luật.
Công tác tiền kiểm chưa chặt chẽ, triệt để dẫn tới một số phim độc hại “lọt lưới” trên không gian mạng. Cơ chế hậu kiểm góp phần phát hiện, ngăn chặn phim vi phạm quy định pháp luật, phản văn hóa; thế nhưng trước khi bị yêu cầu gỡ bỏ thì những bộ phim này đã được nhiều khán giả, nhất là giới trẻ đón xem, thậm chí lưu trữ về máy tính, điện thoại cá nhân.
Phim ảnh nước ngoài phổ biến trên không gian mạng có nội dung sai sót, xuyên tạc về lịch sử, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tuy nhiên thời gian qua, liên tiếp những vụ việc hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông được lồng ghép trong các sản phẩm văn hóa lưu hành ở nước ta đã gióng lên hồi chuông đáng báo động về âm mưu của nước lớn và ý thức cảnh giác của người dân đối với vấn đề xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Như đã nêu trên, không chỉ phim chiếu rạp mà hệ thống nền tảng phim trực tuyến cũng chứng kiến sự thống trị của các hãng nước ngoài. Không ít nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền đã được phát hiện trên các ứng dụng này. Đơn cử như Netflix nhiều lần phát các bộ phim vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, xuyên tạc lịch sử dân tộc ta, có thể kể đến các series phim từng gây chú ý như: “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Một đời một kiếp”, “Little Women”...
Tháng 7/2021, bộ phim trực tuyến Pine Gap cũng có các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam khi hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2, và phút 52 của tập 3 bộ phim. Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) (Bộ TT&TT) đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim này.
Trước đó bộ phim Bà Ngoại trưởng (Madam Secretary) vào tháng 8/2020 của Netflix cũng có cảnh vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đã bị cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ các phim vi phạm. Bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích” xuất hiện nội dung phản ánh không chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 mất tích của Malaysia.
Sau khi nghiên cứu ý kiến của các cơ quan chức năng, ngày 11/4/2023, Bộ TT&TT có văn bản nghiêm khắc yêu cầu Netflix gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật trong bộ phim tài liệu nêu trên. Thế nhưng Netflix vẫn tiếp tục vi phạm; tháng 7/2023, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn yêu cầu Netflix gỡ bỏ phim “Hướng gió mà đi” bởi lại xuất hiện nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều bộ phim có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp phát hành trên một số nền tảng khác như: Bộ phim Nhất sinh nhất thế (Một đời một kiếp) phát sóng trên nền tảng iQiyi Việt Nam; đầu tháng 8/2021, phim Trung Quốc Em là niềm kiêu hãnh của anh, được phát sóng trên WeTV Việt Nam cũng bị phát hiện có bản đồ “đường lưỡi bò” trong tập 9...
Có thể nói, hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trong nhiều bộ phim chiếu rạp, phim ảnh trên các nền tảng xuyên biên giới, các cuốn sách, game online, màn hình ôtô, in trên áo du khách, in trên hộ chiếu... Tất cả những sự việc sau khi xảy ra đều đã xử phạt nghiêm minh, thu hồi sản phẩm song đã chứng tỏ thủ đoạn tinh vi cho chiến dịch tuyên truyền bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Để tuyên truyền về bản đồ “đường lưỡi bò”, việc lồng ghép hình ảnh này vào các sản phẩm văn hóa, công nghệ mà đối tượng bị tác động là đông đảo quần chúng nhân dân, phần lớn là người trẻ hay du khách quốc tế là âm mưu có chủ ý.
Sự tác động từ nhãn quan đến ý thức một cách thường xuyên, liên tục, từ đó dần dần “gặm nhấm” và hình thành nhận thức sai lệch về bản đồ “đường lưỡi bò” trong người dân Việt Nam theo hướng có lợi cho Trung Quốc là mục đích chiến lược tuyên truyền nguy hiểm này hướng tới.
Không chỉ ở Việt Nam, chiến lược tuyên truyền cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp cũng được phía Trung Quốc áp dụng ở nhiều nước, nhiều tổ chức. Chỉ trong thời gian ngắn, hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông đã thẩm lậu vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau. Một phần trong chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc hiện nay là hợp tác với truyền thông nước ngoài để tạo ra các bộ phim điện ảnh và phim tài liệu ủng hộ Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã và đang tiến hành hợp tác hoặc mua lại nhiều công ty truyền thông, công ty công nghệ nước ngoài để thực hiện ý đồ quảng bá hình ảnh Trung Quốc đồng thời thực hiện âm mưu sản xuất các sản phẩm có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp. Đây là một âm mưu có tính toán của nước lớn; họ đã làm điều này và sẽ còn tiếp tục làm.
Chính vì vậy, việc chủ động tuyên truyền, phản bác luận điệu phi lý về bản đồ “đường lưỡi bò”, vạch trần âm mưu thâm độc của Trung Quốc trong chiến dịch cài cắm, thẩm lậu “đường lưỡi bò” bằng nhiều con đường khác nhau, đồng thời chủ động, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sơ hở trong quản lý, điều hành để hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” xâm nhập vào nước ta là hết sức cần thiết.
Những kết quả đạt được trong việc hoàn thiện thể chế chính sách, phát hiện, xử lý sai phạm trong hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng
Tính chất “nhanh chóng, bất tận, đa chiều, khó lường” của không gian mạng hiện nay đòi hỏi công tác quản lý, giám sát cũng phải thường xuyên được cải thiện, đổi mới để phù hợp với thực tiễn. Khái niệm “chủ quyền trên không gian mạng”, “trận địa trên không gian mạng”... ra đời đã làm mờ dần suy nghĩ không gian mạng là không gian ảo, mơ hồ và ít ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội. Giờ đây, không gian mạng được nhìn nhận là “trận địa chính, nơi quyết định thành bại” và quyết tâm “không bỏ trống trận địa” tiến tới “làm chủ trận địa” này.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới
Trong những năm qua, Bộ TT&TT đã chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành hơn 10 Nghị định và nhiều Thông tư để hoàn thiện hành lang pháp lý, quản lý hiệu quả hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, bao gồm:
(1) Các Nghị định: Nghị định số 72/2013/ NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ; Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Nghị định số 81/2016/ NĐ-CP ngày 07/01/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/ NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử...;
(2) Các Thông tư: Thông tư số 09/2014/TT- BTTTT ngày 19/8/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang TTĐT và MXH; Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới; Thông tư số 17/2016/TT-BTTTT ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định chi tiết về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; Thông tư số 08/2017/TT-BTTTT ngày 23/06/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/ TT-BTTTT quy định chi tiết về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động...
⁃ Tháng 01/2024, Bộ TTTT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/ NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định mới để quản lý chặt chẽ hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, tạo sự bình đằng giữa doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước như:
(1) Yêu cầu các MXH trong nước và xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam;
(2) Rút ngắn thời gian ngăn chặn gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật từ 48 giờ xuống 24 giờ, yêu cầu các MXH trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia;
(3) Bổ sung quy định để quản lý hoạt động livestream;
(4) Bổ sung các quy định bảo vệ quyền lợi của người sử dụng MXH trong nước và xuyên biên giới...
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng
Bộ VHTT&DL đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh năm 2022 và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh phù hợp với thực tiễn, trong đó có hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Cụ thể:
a) Quy định về phổ biến phim
Một trong những điểm mới của Luật Điện ảnh năm 2022 là quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định các điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Điện ảnh 2022 thì phổ biến phim là việc đưa phim đến người xem thông qua các hình thức chiếu phim trong rạp chiếu phim, tại địa điểm chiếu phim công cộng, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, trên hệ thống truyền hình, không gian mạng và phương tiện nghe nhìn khác.
b) Quy định đối với việc tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng sau khi tiếp nhận yêu cầu của CQQL nhà nước được quy định tại Điều 15 Nghị định 131/2022/NĐ-CP. Theo đó, đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh 2022 và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng sau khi tiếp nhận yêu cầu phải thực hiện dừng, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ.
Đối với các nội dung vi phạm khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTT&DL thì tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng sau khi tiếp nhận yêu cầu phải tiến hành xử lý trong vòng 3 - 5 ngày.
c) Quy định bảo đảm thực hiện những nghĩa vụ đối với việc tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh 2022.
d) Quy định về thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng:
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2023/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh; Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, quy định cụ thể 15 nội dung của Luật Điện ảnh mới, trong đó có nội dung về điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng. Theo đó, cùng với việc quy định rõ 3 điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng, Nghị định 131 cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.
đ) Quy định xử lý các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng
Căn cứ Luật Điện ảnh 2022, ngày 30/12/2022 Chính phủ ban hành đã ban hành Nghị định số 128/2022/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2023) để sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm về điện ảnh, trong đó có các hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.
Tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 128/2022/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10, mục I, chương II của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo. Trong đó, tại khoản 7, Điều 10, mục I, chương II quy định về phạt tiền đối với một trong các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng.
Cụ thể, các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, tùy mức độ hành vi vi phạm. Mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi không thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTT&DL trước khi thực hiện phổ biến phim theo quy định; từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi không triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm theo quy định.
Mức phạt tiền cao nhất từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi: Không bảo đảm một trong các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định; Không thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim, để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm theo quy định; Không ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9, Luật Điện ảnh và các quy định của pháp luật khác có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, hành vi không thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTT&DL trước khi thực hiện phổ biến phim theo quy định sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.
Cùng với các mức phạt tiền sẽ bị áp dụng, biện pháp khắc phục hậu quả mà các đối tượng vi phạm phải thực hiện là buộc phải gỡ bỏ phim trên không gian mạng.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, Nghị định 71 đảm bảo quản lý phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển.
Như vậy, việc Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh 2022 và Chính phủ kịp thời ban hành các Nghị định 71, Nghị định 128 và 131 đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, hoạt động cung cấp dịch vụ PTTH theo yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam đã đầy đủ. Điều này sẽ đưa hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng của các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam đi vào khuôn khổ, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng với DN trong nước.
Sử dụng kỹ thuật công nghệ, xử lý dùng dữ liệu lớn, nâng cao năng lực rà quét, giám sát liên tục 24/7 trên không gian mạng, phát hiện sai phạm và cảnh báo và xử lý kịp thời.
Song song với việc tổ chức tuyên truyền trên báo chí, PTTH về các quy định của Luật điện ảnh 2022 và quy định về quản lý thông tin mạng, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã triển khai giải pháp công nghệ để thực hiện truyền thông chủ động trên không gian mạng nhằm lan tỏa thông tin tích cực, phát hiện các sản phẩm văn hóa, điện ảnh có nội dung sai phạm. Việc đổi mới tư duy, tăng cường ứng dụng công nghệ để lưu chiểu điện tử, hệ thống giám sát, rà quét để đo lường, đánh giá nội dung thông tin trên không gian mạng trong từng thời điểm cụ thể giúp kịp thời điều tiết, điều hướng, định hướng thông tin, phát hiện các hành vi vi phạm.
Đồng thời, Bộ TT&TT cũng liên tục tổ chức nắm bắt dư luận trong và ngoài nước về tình hình Việt Nam, tiếp nhận các thông tin từ người xem người nghe các ấn phẩm văn hóa, phim ảnh liên quan đến Việt Nam; nắm bắt thông tin để hướng dẫn báo chí giải thích, làm rõ, đấu tranh, bác bỏ các thông tin sai trái, xuyên tạc về tình hình Việt Nam.
Các cơ quan chức năng, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, điện ảnh, du lịch, báo chí, xuất bản, truyền hình đã nêu cao tinh thần cảnh giác, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân về mưu đồ phi pháp, ngang ngược nhằm chiếm đoạt, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Việt Nam tại Biển Đông; thẩm định kỹ nội dung của các sản phẩm văn hóa, điện ảnh trước khi đến tay khách hàng, người tiêu dùng; tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm phim ảnh trên các nền tảng truyền hình trả tiền, các nền tảng xuyên biên giới.
Tăng cường tuyên truyền, giải thích, làm cho mọi người hiểu được tác hại của hành vi này đang gặm nhấm dần và làm sai lệch nhận thức của người dân về chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc. Đấu tranh kịp thời và ngăn chặn những thủ đoạn mới về “đường lưỡi bò”; đấu tranh triệt để, bất cứ đâu có “đường lưỡi bò” cần xóa bỏ ngay, phải đập tan ý đồ ngang ngược của Trung Quốc bắt đầu từ “đường lưỡi bò”.
Xây dựng Quy tắc ứng xử và cẩm nang
Bên cạnh việc chú trọng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, để quản lý hiệu quả các loại hình thông tin trên Internet cũng như hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, Bộ TT&TT còn tập trung xây dựng, ban hành hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành bộ quy tắc ứng xử, cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật. Cụ thể:
- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH với những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH giúp người dùng Internet trong nước nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm khi tham gia cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng, khắc phục dần lối suy nghĩ không gian mạng là “vô danh nên vô trách nhiệm”.
- Phối hợp với Bộ VHTT&DL xây dựng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm mục đích xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Bộ Quy tắc này dành riêng một điều khoản (Điều 8) về những điều không được làm, quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
- Ban hành “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng mạng Internet để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả tin giả, tin sai sự thật, thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một bộ tài liệu hướng dẫn đầy đủ quy trình xử lý, cách thức thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện tin sai sự thật, tin xấu độc.
Công tác đấu tranh chủ động với các nền tảng xuyên biên giới
Công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên mạng (bao gồm cả phim có nội dung sai phạm) đã kết hợp sáng tạo, linh hoạt giữa đấu tranh trực diện (đấu tranh pháp lý) và đấu tranh gián tiếp (thông qua truyền thông, kinh tế và kỹ thuật).
Từ năm 2017 đến nay, Bộ TT&TT đã kiên quyết, kiên trì tổ chức nhiều đợt đấu tranh cứng rắn, quyết liệt với các DN cung cấp nền tảng xuyên biên giới (Facebook, YouTube, TikTok, Netflix...) buộc các nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Việt Nam.
Để đấu tranh hiệu quả với các DN này, Bộ chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường rà quét và bằng những biện pháp đấu tranh quyết liệt, khôn khéo (thực hiện đồng bộ các giải pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông...), qua đó đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, buộc các nền tảng này phải thiết lập cơ chế làm việc với Chính phủ Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xóa bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại, sai phạm, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, an ninh trật tự, nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng...
- Giải pháp pháp lý:
(1) Thường xuyên tổ chức các cuộc họp, đàm phán định kỳ, đột xuất với Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam hoặc cấp cao hơn của các nền tảng xuyên biên giới lớn như Facebook, Google, TikTok, Netflix, Apple... để nhắc nhở, đôn đốc các nền tảng này thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện nội dung thỏa thuận giữa Bộ với các nền tảng này.
Hai bên cũng duy trì kênh liên lạc thường xuyên qua email, điện thoại và ứng dụng nhắn tin để thông tin kịp thời các yêu cầu chặn gỡ và kết quả xử lý. Kiểm tra toàn diện hoạt động TikTok tại Việt Nam, xác lập các hành vi vi phạm, có biện pháp xử lý nghiêm nhằm chấn chỉnh hoạt động của TikTok tại Việt Nam, cũng như qua đó cảnh báo, răn đe các nền tảng xuyên biên giới khác.
(2) Siết chặt hoạt động quản lý nội dung phim trên dịch vụ OTT TV xuyên biên giới, cụ thể: Yêu cầu các doanh nghiệp chuyển sang chỉ cung cấp phim theo quy định pháp luật về điện ảnh gỡ bỏ nội dung không phải phim và thực hiện theo đúng quy định pháp luật về Điện ảnh đối với hoạt động phổ biến phim; Dừng cập nhật nội dung không phải phim, dừng tiếp nhận đăng ký thuê bao mới tại thị trường Việt Nam và thực hiện theo đúng quy định pháp luật về Điện ảnh đối với hoạt động phổ biến phim; Phối hợp với Bộ VHTT&DL theo dõi, giám sát hoạt động phổ biến phim trên dịch vụ OTT TV xuyên biên giới.
(3) Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (OTT Pay TV phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định: Ngay khi Nghị định 71/2022/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ đã đấu tranh với 06 nền tảng OTT Pay TV xuyên biên giới lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (06 OTT PayTV lớn nhất tại Việt Nam gồm: Công ty Netflix (Netflix); Công ty Apple (AppleTV); Công ty Amazon (Prime Video); Công ty Tencent (WeTV); Công ty IQIY1 (IQIYI); Công ty: Hồ Nam Happy Sunshine Interactive Entertainment Media - Công ty Hồ Nam - Mango TV), yêu cầu các nền tảng này phải xin cấp phép cung cấp dịch vụ theo quy định tại Nghị định 71/2022/NĐ-CP hoặc theo Luật Điện ảnh (sửa đối) năm 2022, nếu không sẽ bị buộc dừng hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, để tăng sức ép, Bộ đã làm việc, sau đó có công văn chính thức gửi 5 DN sản xuất và cung cấp TV thông minh lớn nhất tại Việt Nam (bao gồm: Samsung, TCL, LG, Casper, Sony) yêu cầu gỡ các OTT Pay TV chưa có giấy phép trên các TV thông minh bán tại Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet và trung tâm dữ liệu rà soát hoạt động hợp tác, không cho thuê dịch vụ đối với các OTT không phép này.
⁃ Giải pháp truyền thông: Bộ TT&TT đã liên tục rà quét để thu thập bằng chứng vi phạm của các nền tảng này và tổ chức truyền thông mạnh mẽ để gây sức ép, buộc họ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
⁃ Giải pháp kinh tế: Từ thực tiễn quản lý, Bộ TT&TT nhận thấy Facebook, Google, TikTok, Netflix đều có doanh thu khá lớn từ hoạt động quảng cáo (chiếm 70% thị phần quảng cáo trực tuyến) và các hoạt động kinh doanh khác tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ nghiên cứu, triển khai các biện pháp tác động về mặt kinh tế để tăng thêm sức ép với các DN này, như:
(1) phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để rà soát dòng tiền, doanh thu, buộc các đơn vị phải đóng thuế; Phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
(2) Nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các cơ quan báo chí, các trang, kênh sạch trong nước thông qua: Tăng cường rà quét, phát hiện và xử phạt các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng có hành vi vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới; Triển khai sáng kiến “White List” và “Black List” với việc xây dựng và công bố Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng đã được cấp phép, các trang, kênh, tài khoản có đăng ký với Bộ (White List) và Danh sách nội dung vi phạm pháp luật gồm các trang, kênh, tài khoản vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới (Black List); khuyến nghị các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng quảng cáo trong White List, yêu cầu chấm dứt quảng cáo trong Black List.
- Giải pháp kỹ thuật: Song song với các giải pháp về pháp lý, truyền thông, kinh tế, Bộ cũng kết hợp biện pháp về kỹ thuật để tăng hiệu quả đấu tranh, như:
(1) Thành lập Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng với khả năng rà quét 300 triệu thông tin/ngày để kịp thời phát tán nguồn thông tin vi phạm, yêu cầu các nền tảng ngăn chặn, gỡ bỏ;
(2) Hạn chế dung lượng máy chủ của các nền tảng này tại Việt Nam.
Nhìn chung, công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới đều có những bước tiến theo từng giai đoạn, hiệu quả của giai đoạn sau vượt trội hơn gian đoạn trước. Đối với các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền: Trước sức ép quyết liệt từ Bộ, ngày 28/4/2023, Netflix đã nộp hồ sơ thành lập pháp nhân tại Việt Nam để được tiếp tục cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam; 5 OTT còn lại đã đăng ký với Bộ VHTT&DL để được cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến tại thị trường
Việt Nam theo Luật Điện ảnh 2022. Đến tháng 12/2023, cả 6 DN nước ngoài đang cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu đều đã có văn bản báo cáo Bộ TT&TT việc tạm thời chỉ duy trì phổ biến phim theo quy định của Luật Điện ảnh và sẽ tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị cần thiết để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ PTTH trả tiền tại Việt Nam.
Công tác ngăn chặn thông tin, phim ảnh có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên các trang không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, máy chủ đặt tại nước ngoài.
Với nhóm đối tượng này, giải pháp duy nhất là dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, gỡ bỏ. Vì vậy, Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ hệ thống kỹ thuật để điều phối và giám sát việc triển khai chặn lọc kỹ thuật của 11 nhà mạng với nhóm đối tượng này. Tổng số lượng lệnh được thực hiện chặn là: 1.461 website/blog xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng Việt Nam; trong đó có nhiều trang phổ biến phim bất hợp pháp.
Nhiệm vụ, giải pháp tăng cường QLNN về hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng trong thời gian tới
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng trong thời gian tới, ngoài việc duy trì các giải pháp đang triển khai, cần tập trung chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ và giải pháp như sau:
1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Điện ảnh năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành về quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng theo hướng đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và sự phát triển của truyền thông số;
Tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm và thẩm định chặt chẽ các sản phẩm điện ảnh trên không gian mạng; bảo đảm duy trì thực hiện những nghĩa vụ đối với việc tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng...
2. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là giữa Bộ TTT&TT với Bộ VHTT&DL, Bộ Công an để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng theo hướng ai quản lý mảng nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng, trong đó:
- Chú trọng sử dụng các biện pháp công nghệ để đưa thông tin cảnh báo, chặn trang web phân phối, ngăn ngừa việc phim bị sao chép trái phép đưa lên không gian mạng; yêu cầu tổ chức, cá nhân xâm phạm chấm dứt hành vi và gỡ bỏ phim phân phối trái phép; xử lý hành vi xâm phạm SHTT theo thẩm quyền.
- Tăng cường thẩm định, rà soát, xử lý đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng có nội dung sai phạm, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán sản phẩm văn hóa, phim ảnh đồi trụy; cương quyết chuyển cơ quan điều tra truy tố, xét xử đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm để bảo đảm tính răn đe, nghiêm trị.
- Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác của mỗi người dân Việt Nam nhằm chủ động phát hiện, tố giác hành vi cài cắm, tuyên truyền “đường lưỡi bò” phi pháp vào các tác phẩm văn hóa, điện ảnh để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời. Đối với những quốc gia khác còn chưa hiểu rõ âm mưu “đường lưỡi bò” thì nhiệm vụ của chúng ta phải cung cấp thông tin chính thống cũng như lên tiếng mạnh mẽ tại các diễn đàn quốc tế về biển và đại dương, các hội thảo quốc tế về biển Đông, các phiên họp Liên Hợp Quốc cũng như các diễn đàn khu vực để bạn bè quốc tế hiểu rõ bản chất của “Đường lưỡi bò”, đồng thời vạch trần âm mưu thâm độc của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.
- Đối với công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới:
(1) Duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung sai phạm, xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao; tập trung gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn;
(2) Xử phạt và buộc các nền tảng xuyên biên giới phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.
Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng mạng lưới công nghệ thông tin (CNTT) nhằm hiện đại hóa các phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông qua:
(1) Thúc đẩy các doanh nghiệp cùng hợp tác phát triển hạ tầng viễn thông theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ, nâng cao trách nhiệm của các DN hạ tầng trong việc tuân thủ pháp luật, từ chối hợp tác, kinh doanh với các tổ chức, DN có hành vi vi phạm pháp luật và ngăn chặn, không để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng hạ tầng viễn thông, hạ tầng Internet để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phổ biến phim bất hợp pháp;
(2) Phát triển công cụ rà quét, tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin trên không gian mạng theo hướng nhanh hơn, chủ động hơn, chính xác hơn;
(3) Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ rà quét, phân loại, đo lường hiệu quả trong hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.
4. Coi trọng công tác dự báo khoa học về những xu hướng truyền thông trên mạng tác động trực tiếp tới sự thay đổi về thủ đoạn, cách thức, phương tiện chống phá kiểu mới của các thế lực thù địch, phục vụ hiệu quả cho việc lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, trúng, có tầm nhìn chiến lược, chủ động trong mọi tình huống;
Chú trọng điểm báo, nắm dư luận trên mạng xã hội, báo chí trong nước và nước ngoài, nhất là các fanpage, group về phim ảnh trên MXH, hình thành đội ngũ cộng tác viên MXH... để kịp thời thu thập thông tin về nội dung phim ảnh trên không gian mạng, dự báo tình hình, chuẩn bị các phương án xử lý.
5. Đầu tư nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý TTĐT, văn hóa, điện ảnh... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng công tác tập huấn chuyên đề và kỹ năng kiểm tra, giám sát, rà quét trên không gian mạng; Nâng cao kiến thức và kỹ năng cho những người làm công tác quản lý TTĐT, văn hóa, điện ảnh trên không gian mạng về CNTT như cách tìm kiếm và phát hiện những nguồn thông tin sai phạm, thông tin phá hoại và sai sự thật trên những nền tảng không gian mạng như Facebook, Tiktok, Twitter, Reddit, Youtube, Netflix...
Hình thành bộ máy tiếp nhận, xử lý các phản ánh về thông tin phim ảnh sai phạm trên mạng Internet từ cộng đồng. Tổ chức xây dựng và áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý, lưu trữ dữ liệu về tình hình hoạt động phổ biến trên không gian mạng phục vụ công tác nghiệp vụ;
Khai thác phim lưu trữ, phim kinh điển Việt Nam và mua bản quyền các bộ phim truyện có chất lượng do Việt Nam sản xuất để đăng phát, phổ biến trên các nền tảng MXH và Cổng Thông tin đối ngoại Quốc gia tại tên miền www.vietnam.vn nhằm lan tỏa, quảng bá nền điện ảnh, văn hóa Việt Nam ra thế giới, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam.
6. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp nhận và thưởng thức sản phẩm văn hóa trên không gian mạng, trong đó có các thể loại phim ảnh; Coi trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân sử dụng Internet tuân thủ luật pháp, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, biết phân biệt đúng sai, thật giả, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên Internet đi đôi với tăng cường quản lý thông tin; Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp xuyên quốc gia trong công tác quản lý phổ biến phim trên không gian mạng.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)