Đời sống xã hội

Tăng cường đề phòng cháy nổ tại các cơ sở thờ tự dịp cuối năm

Ngọc Hà 13/12/2023 08:09

Dịp cuối năm và chuẩn bị Tết cổ truyền, số lượng người dân đi lễ tại các cơ sở thờ tự tăng cao. Điều này cũng đồng nghĩa với tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Chú thích ảnh
Vụ cháy ở chùa Linh Quang (Quốc Oai, Hà Tây) đã làm cháy rụi toà Tam Bảo.

Như thường lệ vào dịp cuối năm cũ và đầu năm mới Phủ Tây Hồ trở thành điểm đến của du khách muôn phương về vãn cảnh và đi lễ. Số lượng người đông bất thường, cộng với việc thắp hương nến, đốt vàng mã nhiều luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại đây, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH quận Tây Hồ phối hợp với Ban Quản lý di tích phủ Tây Hồ đã xây dựng chi tiết các phương án phòng cháy, chữa cháy.

Xác định chủ động phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho người dân là mục đích cao nhất, vào dịp này hàng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Tây Hồ tập trung kiểm tra phương tiện, lối thoát hiểm, cách sắp xếp, bố trí tài sản phương tiện, cách sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt tại các nơi thắp hương, hoá vàng mã…

Cùng với đó, tổ công tác dán tời rơi, phát tờ rơi, khuyến cáo hướng dẫn người dân thuân tủ quy định an toàn PCCC, đồng thời hạn chế tối đa việc cắm hương không đúng nơi quy định.

Hàng năm, Ban quản lý Phủ Tây Hồ đều phối hợp với Công an quận Tây Hồ tiến hành tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy trong trường hợp cần thiết.

Theo ghi nhận, trên địa bàn quận Tây Hồ những năm gần đây, việc thắp hương, hóa vàng đều được ban quản lý tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân tránh lãng phí và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các di tích, nơi thờ tự.

Các di tích trên địa bàn quận Tây Hồ đã trang bị các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thiết yếu, niêm yết nội quy di tích, nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng. Một số di tích còn lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Tiểu ban quản lý di tích phân công người trực và trông nom thường xuyên; hạn chế thấp nhất việc hóa vàng, trong trường hợp cần thiết, việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy; vàng phải được hóa trong thiết bị chứa bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy….

Còn ở chùa Tam Chúc (Hà Nam), Ban Quan lý Khu du lịch Tam Chúc đặt biển báo, phát thông báo trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ nhằm thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức người dân về PCCC như: bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế đốt vàng mã, thắp hương đúng nơi quy định…

Bên cạnh trang bị đầy đủ thiết bị chữa cháy, báo cháy tự động, Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Hà Nam làm tốt công tác kiểm tra, khắc phục sự cố và tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ PCCC cho 50 nhân viên chính quy của Đội PCCC cơ sở.

Ngoài ra, còn đào tạo dự phòng cho hơn 100 nhân viên thuộc tất cả các phòng, ban, bộ phận, bảo đảm nếu có sự cố xảy ra thì tất cả nhân viên này sẽ có mặt để kịp thời xử lý. Qua đó bảo đảm việc vận hành hệ thống PCCC được an toàn, hiệu quả.

Chủ động thực hiện tốt công tác PCCC tại các cơ sở tôn giáo và khu du lịch văn hóa tâm linh, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH các địa phương đã chủ động tham mưu, tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm PCCC tại các cơ sở.

Có thể nói công tác PCCC tại những cơ sở thờ tự, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, của ban quản lý cơ sở mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân khi đến vãn cảnh, hành hương, chiêm bái.

Do đó, mỗi người cần tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của chùa, nhà đền, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã những nơi đông người để việc du xuân trong những ngày đầu năm được an toàn tuyệt đối.

Với văn hoá của người Việt, đến các địa điểm đình, đền, chùa trong các dịp cuối năm và lễ tết là thói quen trong sinh hoạt văn hoá tâm linh. Cùng với đó, việc đốt vàng mã cũng như thắp hương với số lượng lớn tại các địa điểm này chính là những nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao đe doạ trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

Trong thực tế những năm qua, những vụ cháy đình chùa xảy ra đáng tiếc đều do ý thức PCCC chưa cao, chưa thực hiện tốt việc phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện xuống cấp và các đền chùa đều thiết kế, sử dụng bằng vật liệu dễ cháy.

Tâm lý của nhiều người trông coi di tích không muốn tắt nến, hương khi đóng cửa di tích mà thường để cho điện thờ ấm cúng. Vì vậy, khi cốc nến đổ vỡ, gây cháy, người ta không thể phát hiện kịp thời. Để xảy ra cháy nổ làm hư hỏng di tích trong trường hợp nào cũng là đáng tiếc. Chưa kể một số di tích được xếp hạng thì càng khó chấp nhận.

Nhiều đồ đạc trong di tích để không gọn gàng. Một mặt, các đền chùa thiết kế bằng nhiều cấu kiện gỗ là tác nhân khi xảy ra cháy đã gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được quan tâm.

Để chủ động phòng ngừa những tình huống cháy nổ có thể xảy ra nhất là vào thời điểm trước, trong và sau các dịp lễ tết, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định an toàn về cháy nổ tại khu vực tâm linh như đền, chùa và các cửa hàng kinh doanh vàng mã trên địa bàn.

Nhận định các cơ sở thờ tự cuối năm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ngày 13/12/2023, Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố Hà Nội đã khuyến cáo các quy định an toàn về cháy, nổ tại tại cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo và các cửa hàng kinh doanh vàng mã trên địa bàn.

Cụ thể, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo đến Ban quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn Thành phố một số nội dung sau:

  1. Tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, cũng như khách tham quan, du lịch.
  2. Ban hành các quy định, nội quy về PCCC; dự phòng điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra.
  3. Kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện.
  4. Phải có kho bảo quản để đảm bảo an toàn PCCC đối với hương, nến, vàng mã; dụng cụ đỡ hương, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.
  5. Phải có nơi hủy hương, đèn, vàng mã… Phải cử người trông coi khi khách đến thắp hương, nến để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.
  6. Không để vật tư, hàng hóa, trưng bày; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn.
  7. Chủ động trang bị phương tiện PCCC, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC hiện có đảm bảo hoạt động tốt khi có cháy xảy ra, như: nước, xô, bình chữa cháy xách tay các loại…
  8. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chính điện, kho, bãi xe…
  9. Tổ chức tập huấn cho các lực lượng chữa cháy tại chỗ về thao tác sử dụng bình chữa cháy, các điều kiện thoát nạn.
  10. Bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh.
  11. Hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương, nến thờ cúng và hóa vàng.
  12. Khi xảy ra cháy cần báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số 114 hoặc báo cho chính quyền sở tại để được hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, các vụ cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân, như: Bố trí nơi thắp hương thờ cúng không đảm bảo khoảng cách PCCC, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương nên bắt cháy sang các vật liệu dễ cháy; Vị trí đốt vàng mã không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC với các vật liệu dễ cháy; Trong quá trình hóa vàng không có người trông coi để tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh gây ra cháy.../.

Bài liên quan
  • Đảm bảo mỗi quận, huyện có tối thiểu một đội cảnh sát PCCC
    Thành phố Hà Nội hiện nay đã bố trí được 30 Đội Cảnh sát PCCC thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Theo Quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đề phòng cháy nổ tại các cơ sở thờ tự dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO