Truyền thông

Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn trong khu vực ASEAN

Anh Minh 09:13 02/10/2023

Để giải quyết thách thức về nguồn nhân lực ngành bán dẫn, các chuyên gia cho rằng cần có sự hợp tác không chỉ trong một nước, mà là hợp tác giữa các trường đại học, các công ty, tổ chức trong cả khu vực ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS) 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết Đông Nam Á đang là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ cùng tham gia và mở rộng cơ hội hợp tác trong khu vực.

“Việc chúng ta hợp tác, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật, cùng nhau tạo ra các giải pháp cho ngành công nghiệp chiến lược đầy tiềm năng này, sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và khu vực”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), cho biết ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng ổn định trong 10 năm tới, đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ngành công nghiệp này được dự báo sẽ có những thay đổi đáng kể trong 10 năm tới và ASEAN sẽ là người chiến thắng chính.

Những thiếu hụt trong nhân sự ngành bán dẫn

Ông Clark Tseng cho rằng Việt Nam có vị trí thuận lợi để nắm bắt tiềm năng của ngành bán dẫn nhờ những chuyển dịch trong chuỗi cung ứng. Các cơ sở sản xuất điện tử và các cụm bán dẫn ban đầu đã được hình thành. Sự thay đổi trong chuỗi sản xuất và cung ứng dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và các nước ASEAN.

Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ và kỹ năng, đây là tài sản quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều hỗ trợ ngành bán dẫn và ban hành nhiều chính sách động lực khuyến khích đầu tư.

img_20230929_123037.jpg
Tòa đàm Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái Đông Nam Á

Tuy nhận định Việt Nam cũng như khu vực ASEAN đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, song ông SH Kim, Tổng Giám đốc Amkor Technology Việt Nam, cho biết công ty đang đối mặt với những thách thức nhất định. Ngoài việc thiếu thiết bị và vật chất hệ sinh thái, Amkor Technology Việt Nam cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực thiếu chuyên môn về chất bán dẫn. Công ty đang phải triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, như bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư lành nghề hàng đầu, hợp tác với các trường đại học và chính phủ để phát triển lực lượng lao động.

Ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, cho biết Marvell có văn phòng ở các quốc gia khác nhau trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan. Nói về nguồn nhân lực ngành bán dẫn, ông Lê Quang Đạm cho rằng: “Ưu điểm của chúng ta là có lực lượng lao động rất tận tụy và tài năng, có cách làm việc tốt. Tuy nhiên, hạn chế của nguồn nhân lực vẫn là những yếu tố liên quan đến kỹ năng mềm, kỹ năng trao đổi thông tin”.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam hiện tại đang ở một vị thế rất tốt so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng như các ngành công nghệ cao khác. Tuy vậy, chúng ta cần tiếp tục cải thiện hơn nữa để có thể đưa vị trí của Việt Nam lên một cái tầm cao mới”, Ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam nói.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ trong công việc. Đôi lúc, các nhân sự tập trung vào các kiến thức kỹ thuật, nhưng cần nhận thức “ngoại ngữ là điều bắt buộc” trong công việc ngày nay. Ngoài ra, nhân sự Việt Nam cũng gặp khó khăn về trao đổi thông tin do đặc điểm tính cách người Việt “ít thể hiện mình”, vì vậy bị hạn chế khi trình bày hoặc diễn thuyết tại các cuộc họp.

Ông Nguyễn Đức Long, phụ trách cơ sở Hà Nội, Trung tâm ĐMST quốc gia, Bộ KH&ĐT, cho biết Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và năng lực của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, từng bước đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn toàn cầu qua nhiều giai đoạn, từ thiết kế, sản xuất đến lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm.

Cần sự chung tay của các quốc gia ASEAN để đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn

Theo ông Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET), Việt Nam đang tích cực giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong chuỗi giá trị bán dẫn, nhiều trường đại học đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn như Đại học Công nghệ Hà Nội, Đại học Bưu chính Viễn thông, Đại học FPT, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc tế Phương Đông…

Ngoài ra còn có các chương trình hợp tác giáo dục, hỗ trợ sinh viên tài năng, các chương trình học bổng, chiến lược hợp tác dài hạn giữa DN và các trường đại học. Việt Nam cũng phát triển và theo đuổi “Lộ trình phát triển nhân sự chiến lược” giữa chính phủ, các trường đại học và DN Đông Nam Á.

nhan-su.jpg
Công tác đào tạo cần có sự hợp tác, bắt tay giữa các quốc gia để nâng tầm chất lượng đội ngũ nhân sự trong ASEAN. Ảnh minh họa

Thông tin tại Tòa đàm Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái Đông Nam Á, ông Đặng Tấn Đức, Giám đốc Khu công nghiệp Khoa học & Công nghệ Becamex IDC Corp, cho biết lực lượng lao động là thách thức đối với các nhà đầu tư ngắn hạn nhưng là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư dài hạn nếu thực hiện chiến lược đào tạo đúng đắn và hiệu quả, vì Việt Nam hiện nay đã có nhiều sự chuẩn bị cho việc phát triển ngành bán dẫn.

Để giải quyết thách thức về nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng cần có sự hợp tác không chỉ trong một nước, mà là hợp tác với các công ty, tổ chức trong cả khu vực ASEAN. Làm việc, hợp tác cùng đối tác sẽ giúp các nhân sự tiếp tục học hỏi những công nghệ mới, nhờ đó sẽ cải thiện kiến thức cũng như kỹ năng theo thời gian.

Tương tự như vậy, công tác đào tạo cũng cần có sự hợp tác, bắt tay giữa các quốc gia để nâng tầm chất lượng đội ngũ nhân sự trong ASEAN, từ việc đào tạo trong trường đại học, đến các hoạt động kết nối với các trường đại học khác ở các quốc gia, kết nối với các DN, kết nối sinh viên trong các trường đại học của khu vực, đẩy mạnh toàn bộ chương trình đào tạo và toàn bộ hệ sinh thái đào tạo trong khu vực ASEAN.

Các quốc gia ASEAN sẽ tạo ra mối quan hệ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra hệ sinh thái “tất cả đều có lợi”, và các quốc gia đều hiểu rằng đây chính là thời điểm trỗi dậy của tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, chứ không phải là sự cạnh tranh giữa các quốc gia.

“Chúng ta cần phải kết hợp với nhau để kết nối nhân tài cũng như chuỗi cung và kết nối các bí quyết công nghệ”, ông Đặng Tấn Đức, Giám đốc Khu Công nghiệp Khoa học và Công nghệ ,Công ty Becamex IDC, nói.

Chung tay đào tạo nguồn nhân lực, để phục vụ các quốc gia và cả khu vực, với tinh thần chia sẻ nguồn lực, từ đó sẽ giúp cả khu vực Đông Nam Á trở thành trung tâm cung cấp tất cả các dịch vụ về ngành công nghiệp bán dẫn, không chỉ có sản xuất mà cả thiết kế chip, kiểm thử, đóng gói….

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT - Bộ TT&TT, cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp của các bên liên quan trong hệ sinh thái và một điều hết sức quan trọng nữa là sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong khu vực để đào tạo nguồn nhân lực.

“Chúng ta sẽ cần có trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo, các chương trình đổi mới đào tạo để các trường học có thể mời các chuyên gia giảng dạy. Nếu chúng ta có thể thu hút được mạng lưới đào tạo nhân sự hết sức quan trọng này, chúng ta sẽ có thêm nguồn nhân lực và có thể thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa công cuộc phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.

Bài liên quan
  • Thông điệp mạnh mẽ về một ASEAN tầm vóc, tự cường và năng động
    Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một ASEAN tầm vóc, tự cường và năng động. Tầm vóc của ASEAN ngày hôm nay là kết quả của cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của ASEAN trong suốt hành trình 56 năm qua, trên nền tảng đoàn kết, tin cậy và hợp tác.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn trong khu vực ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO