Truyền thông

Tăng cường nguồn lực hợp lý, hợp pháp cho công tác truyền thông chính sách ở tầm quốc gia, bộ, ngành và địa phương

Đại tá, ThS. Nguyễn Hồng Hải, Báo Quân đội Nhân dân 14/12/2023 08:57

Cần luật hóa công tác truyền thông chính sách bằng cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường nguồn lực hợp lý, hợp pháp cho công tác truyền thông chính sách.

myhc_39564-2.jpg

Bài viết nghiên cứu về các nguồn lực truyền thông chính sách, nêu lên thực trạng về các nguồn lực cho truyền thông chính sách hiện nay. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường nguồn lực hợp lý, hợp pháp cho công tác truyền thông chính sách ở tầm quốc gia, bộ, ngành và địa phương.

Đặt vấn đề

Truyền thông chính sách (TTCS) là quá trình tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin về chính sách giữa các cơ quan truyền thông với đông đảo công chúng nhằm tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của toàn xã hội.

Có thể hiểu ngắn gọn, TTCS là quá trình quảng bá, phổ biến, thông tin về chính sách đến người dân thông qua các phương tiện truyền thông.

TTCS là một loại hình chuyên biệt về lĩnh vực mang tính đặc thù, liên quan trực tiếp đến vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.

Ở Việt Nam, TTCS là một bộ phận trong công tác tư tưởng và thông tin - truyền thông của Nhà nước, là cầu nối đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. TTCS hướng tới mục tiêu giúp người dân có thể thực hiện được vai trò “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”. Nhờ vậy, quyền tiếp cận thông tin của người dân được bảo đảm. Đồng thời, trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền cũng được nâng cao.

Trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, công tác TTCS đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Để có được kết quả này, các nguồn lực cho TTCS là yếu tố quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu quả của công tác TTCS. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực cho TTCS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phân bổ chưa đồng đều, vô hình chung khiến hiệu quả trong công tác TTCS chưa tương xứng với vai trò, nhiệm vụ đặt ra.

Mối quan hệ giữa các nguồn lực TTCS

Như chúng ta đều biết, xét đến cùng, yếu tố giữ vai trò chi phối, quyết định sự vận động và phát triển của xã hội chính là lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất bao gồm sức lao động và tư liệu sản xuất hay nói cách khác, gồm yếu tố người và yếu tố vật của quá trình sản xuất. Yếu tố vật ở đây gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động, trong đó tư liệu lao động là những yếu tố vật mà con người sử dụng để tác động vào đối tượng lao động và phục vụ quá trình sản xuất như công cụ lao động, phương tiện vận chuyển, nhà xưởng, kho chứa, v.v.. Trong tư liệu lao động, công cụ lao động là yếu tố quan trọng nhất vì nó trực tiếp dẫn truyền sự tác động của con người vào đối tượng lao động và nhờ nó mà con người "nối dài" cánh tay của mình để tác động vào giới tự nhiên. Tư liệu lao động phản ánh trình độ phát triển của sản xuất xã hội, nó là cơ sở quyết định sự phát triển của sản xuất, là thước đo khả năng chinh phục tự nhiên của con người.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định trong lực lượng sản xuất chính là con người. Về điều này, Ph. Ăngghen đã từng nhấn mạnh rằng muốn nâng nền sản xuất lên thì một mình tư liệu lao động, dù là tư liệu cơ giới hay bất kỳ tư liệu nào khác, cũng không đủ mà còn cần có những con người có năng lực tương xứng sử dụng những tư liệu đó.

Dưới góc độ công nghệ, con người cũng là thành tố giữ vai trò chi phối, quyết định kết cấu, sự vận hành và hiệu quả của công nghệ TTCS. Thông thường công nghệ được hiểu là sự kết hợp giữa "phần cứng" và "phần mềm" với một tỷ lệ nào đó. Tuy nhiên, khi xem xét dưới góc độ hệ thống của các yếu tố cấu thành, thì công nghệ TTCS được coi là tổ hợp của bốn thành phần có tác động qua lại với nhau và cùng thực hiện một quá trình sản xuất nào đó. Bốn thành phần đó là:

1) Máy móc, thiết bị, nhà xưởng, vật liệu;

2) Con người, thể hiện ở kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm có liên quan đến nghề nghiệp;

3) Thông tin liên quan đến bí quyết, qui trình, phương pháp, dữ liệu, thiết kế, sơ đồ, bản vẽ, công thức...;

4) Tổ chức, quản lý, điều phối, tiếp thị... Mỗi thành phần công nghệ này có vai trò và chức năng riêng của mình. Thành phần máy móc, thiết bị là xương sống, cốt lõi của hoạt động chuyển hóa, nhưng nó lại do con người chế tạo ra, lắp đặt và vận hành. Thành phần thông tin là cơ sở hướng dẫn người lao động đưa ra các quyết định vận hành thiết bị trong quá trình sản xuất. Thành phần tổ chức có nhiệm vụ bố trí, sắp xếp, điều phối, liên kết các thành phần của công nghệ, kích thích người lao động để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.

Phải nói rằng, thành phần nào cũng quan trọng và tất yếu, song thành phần con người giữ vị trí quan trọng nhất và được ví như chìa khóa của công nghệ. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ thật sự trở thành nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế, khi tỷ lệ "phần mềm" trong công nghệ ngày càng làm gia tăng giá trị của sản phẩm và TTCS cũng không phải là ngoại lệ.

Ai cũng biết rằng, muốn làm tốt công tác TTCS phải có vốn, hơn thế nữa còn phải có lượng vốn rất lớn. Tuy nhiên, vốn chỉ phát huy tác dụng, trở thành nguồn lực quan trọng và cấp thiết của sự phát triển khi nó nằm trong tay những con người có năng lực và phẩm chất bảo đảm, biết sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao. Thiếu những năng lực và phẩm chất cần thiết thì "vốn liếng" sẽ trở nên thừa, thậm chí còn gây nên những tổn thất to lớn đến tài sản tập thể và quốc gia.

Hãy nhớ rằng, trong bộ Tư bản, khi đề cập qúa trình chuyển hóa của tiền tệ, C. Mác đã lý giải một cách khoa học, rằng tiền tệ chỉ trở thành tư bản thông qua sức lao động của người công nhân và nhờ vậy tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị ban đầu. Điều đó cũng có nghĩa là, vốn chỉ có sức mạnh một khi thông qua trí tuệ và lao động của con người. Vì thế, sẽ là sai lầm khi làm công tác TTCS nếu chỉ biết kêu gọi vốn đầu tư, thu hút vốn bằng mọi giá mà không quan tâm đào tạo những con người có đủ năng lực tương xứng với những nguồn vốn đó.

Như vậy, xem xét dưới góc độ nguồn lực TTCS, trong quan hệ với các nguồn lực khác, nguồn lực con người cũng tỏ rõ vai trò quyết định của mình. Điều này thể hiện ở chỗ các nguồn lực khác như vốn, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, v.v. tự nó chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. Chúng chỉ phát huy tác dụng và có ý nghĩa khi được kết hợp với nguồn lực con người, thông qua hoạt động có ý thức của con người làm TTCS.

Bởi lẽ, con người là nguồn lực duy nhất biết tư duy, có trí tuệ và ý chí, biết "lợi dụng" các nguồn lực khác, gắn kết chúng lại với nhau, tạo thành sức mạnh tổng lực, cùng tác động vào quá trình tiến hành TTCS. Các nguồn lực khác là những khách thể, chịu sự cải tạo, khai thác của con người và hết thảy chúng đều phục vụ cho nhu cầu, lợi ích của con người, nếu con người biết cách tác động và chi phối chúng. Bởi lẽ, "cho dù có đủ các nguồn lực khác mà không có những con người tương xứng, đủ khả năng khai thác các nguồn lực đó và nếu không có một môi trường kinh tế, chính trị, xã hội, tâm lý và dư luận xã hội thuận lợi cho con người hành động thì vị tất đã có thể đạt được sự phát triển mong muốn".

Thực trạng nguồn lực cho truyền thông chính sách

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam chưa tổ chức ra một cơ quan truyền thông chính sách chuyên nghiệp. Công việc này thường do cơ quan quản lý nhà nước, cổng thông tin điện tử và các cơ quan báo chí của Chính phủ thực hiện. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa chỉ đạo hoạt động truyền thông chính sách của các cơ quan báo chí. Một số bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức ra bộ phận thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách như:

Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam/Bộ Quốc phòng có chức năng tham mưu, quản lý, chỉ đạo toàn bộ hoạt động truyền thông, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

chuyen-doi-so12.jpg
Báo Quân đội nhân dân là một trong những cơ quan truyền thông chủ lực trong TTCS. Ảnh minh họa.

Bộ Công an đã thành lập Cục Truyền thông Công an nhân dân có nhiệm vụ quản lý, tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông Công an nhân dân từ Bộ tới địa phương; thiết lập và duy trì các kênh thông tin phát ngôn chính thống trong Công an nhân dân.

Vụ truyền thông – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông của ngành ngân hàng liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước…

Tuy nhiên, nhìn chung, các cơ quan này chủ yếu truyền thông về quá trình thực thi chính sách, chưa tham gia đầy đủ vào chu trình chính sách như một tổ chức TTCS chuyên nghiệp.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, khảo sát thực trạng đội ngũ và nguồn lực cho TTCS tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, đại bộ phận nhân lực làm TTCS chưa được chuẩn hoá, khâu tuyển dụng không có vị trí việc làm được thiết kế cho công tác này, cho tới bố trí nhiệm vụ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ truyền thông. Đa số nhân sự chưa được đào tạo chuyên ngành truyền thông, chưa được tập huấn về kiến thức, kỹ năng TTCS. Lực lượng báo chí truyền thông chính thống vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác TTCS chưa cao. Trang thiết bị đầu tư chưa nhiều, thiếu tính đồng bộ.

Nguồn lực tài chính đầu tư cho TTCS còn rất hạn chế. Chưa có khoản ổn định cho hoạt động chi ngân sách riêng cho hoạt động truyền thông chính sách.

Một số giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường nguồn lực hợp lý, hợp pháp cho công tác truyền thông chính sách ở tầm quốc gia, bộ, ngành và địa phương

Một là, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Trong đó, chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông nói chung, TTCS nói riêng để công tác TTCS chuyên nghiệp và hiệu quả. Khi đã có một tổ chức TTCS chuyên nghiệp rồi thì việc huy động các nguồn lực cho TTCS cũng trở nên bớt khó khăn. Theo đó, chính quyền các cấp cần có ngân sách dành riêng cho truyền thông nói chung, TTCS nói riêng, cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

chuong-trinh-dao-tao-nganh-bc3a1o-chi-trang-tuyen-sinh.jpg

Hai là, thể chế hóa, luật hóa công tác truyền thông chính sách bằng cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường nguồn lực hợp lý, hợp pháp cho công tác TTCS ở tầm quốc gia, bộ, ngành và địa phương.

Ba là, phát triển đồng bộ, hiệu quả cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn lực cho công tác TTCS; trong đó, tập trung đột phá về nguồn lực con người làm công tác TTCS. Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách nêu rõ: “Quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù họp với yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương”.

Theo đó, cần phải đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí công việc đúng với vị trí cán bộ TTCS nhằm chuyên môn hóa trong công việc. Bảo đảm cho đội ngũ này có quan điểm, thái độ, đạo đức, nhân cách và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu TTCS trong điều kiện mới. Bên cạnh việc trang bị kiến thức chính trị, người làm TTCS cần được trang bị những kiến thức về nền tảng chính trị học, chính sách công; khoa học truyền thông; mối liên hệ giữa truyền thông và chính sách công, chu trình chính sách; lý thuyết chuyên sâu trong việc quản lý, tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách;… Cùng với đó là các kỹ năng nghiên cứu, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch TTCS… Sản phẩm truyền thông cần gia tăng hàm lượng thông tin khoa học, từ các phân tích, dữ liệu, hệ thống tư liệu của kết quả điều tra cũng như từ các trung tâm nghiên cứu khoa học,... Bên cạnh đó, cần chú trọng tập huấn, đào tạo đội ngũ bình luận và phân tích chính sách để có thể nâng cao chất lượng theo chiều sâu.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đổi mới công nghệ trong công tác truyền thông chính sách, đáp ứng sự phát triển của xã hội hiện nay; chú trọng các công cụ truyền thông chính sách qua mạng xã hội, tăng tính tương tác, thích ứng với xu hướng xã hội số, công dân số. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chi đạo điều hành. Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. V.I.Lê nin, Toàn tập, tập 38, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1977
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
  3. TS. Lương Ngọc Vĩnh (chủ biên), Giáo trình Lý thuyết và Kỹ năng Truyền thông chính sách, Nhà xuất bản Lý luận chính trị.
  4. Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguồn nhân lực trong chiến lược kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2000, Tạp chí Triết học, số 4-1990, tr.
  5. Lyluanchinhtri.vn
  6. Chinhphu.vn
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Quản lý hoạt động quảng cáo số có sự tham gia của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới
    Quảng cáo số trên Internet đang dần thay thế quảng cáo truyền thống và trở thành trọng tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Việc này đặt ra nhiều thách thức về quản lý nhà nước.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường nguồn lực hợp lý, hợp pháp cho công tác truyền thông chính sách ở tầm quốc gia, bộ, ngành và địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO