Truyền thông

Băn khoăn cơ chế và nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách

Lê Hà 23/11/2023 15:34

Báo chí và các loại hình truyền thông khác được xác định là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách.

kinhtevadubao.vn-stores-news_dataimages-anhptp-062022-22-11-_1640_phuong-tien-truyen-thong-la-gi-3.jpg

Vai trò chủ lực của báo chí trong truyền thông chính sách

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí chính thống được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách. Báo chí đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và cơ quan bộ, ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách. Nhưng báo chí vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Trong đó, nhiều cơ quan, bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương còn thiếu chủ động trong cung cấp thông tin nguồn cho báo chí, hậu quả đã để xảy ra một số sự cố truyền thông làm ảnh hưởng đến việc phổ biến, tuyên truyền và triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Còn theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thì cần hiểu cho đúng về truyền thông chính sách, sự khác nhau giữa tuyên truyền chính sách và truyền thông chính sách.

Cũng như cần hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng cũng như cách thức của báo chí trong việc phổ biến, lan tỏa, đưa những chính sách đã được ban hành đến với các tầng lớp nhân dân, giúp chính sách đi vào thực tế cuộc sống.

Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách; có các giải pháp về kinh tế và công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách tại các cơ quan báo chí…

Về việc này, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đổi mới phương thức và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí. Sự đổi mới này là hết sức cần thiết. Cần phải chú trọng đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách chuyên trách tại các bộ, ngành, địa phương.

Báo chí phải tự đổi mới mình

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm trong lần phát biểu tại hội nghị Diễn đàn Tổng biên tập thì trong truyền thông chính sách, một số cơ quan báo chí còn thiếu sáng tạo, tính đặc thù của mỗi cơ quan báo chí chưa được phát huy một cách triệt để; thiếu tính phản biện, đánh giá, dự báo. Nhiều tòa soạn chưa chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách bài bản…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Diễn đàn.

Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân. Truyền thông chính sách hiệu quả sẽ giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách.

Vậy đâu là giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách, trước hết báo chí tự thân phải đổi mới. Chuyển đổi số là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần hệ thống hóa thông tin chính sách, biến thông tin chính sách trở thành dữ liệu lớn, cùng với thuật toán, dữ liệu lớn tạo ra giá trị để phát triển nền kinh tế tri thức; Phải có cách tiếp cận đa dạng hơn về các sản phẩm báo chí trong quá trình tham gia truyền thông chính sách.

Ngoài việc tạo ra các sản phẩm mang tính thông tin chính sách tới người dân và phản ánh thực tiễn xã hội tới các cơ quan hoạch định chính sách; với đặc thù bám sát công chúng, báo chí cần chủ động tham gia sâu hơn và tạo ra những sản phẩm mang tính dự báo và đo lường tác động truyền thông đến từ sự tương tác của dư luận, cử tri với chính sách.

Từng có những ý kiến đặt vấn đề là báo chí cũng cần phải nhìn lại mình khi đã thực sự làm tốt truyền thông chính sách hay chưa. Ở Việt Nam hiện nay có hơn 800 cơ quan báo chí, nhưng chỉ có khoảng gần 200 cơ quan báo chí thực sự làm công tác truyền thông chính sách.

Mặt khác các cơ quan báo chí cần phải khách quan, giữ tinh thần phản biện nhưng trên cơ sở tinh thần xây dựng. Trong thực tế thời gian qua đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khi có một số bài báo có tác động tiêu cực tới sự phát triển chung, cũng như gây ra những hiểu nhầm của người dân về một số chính sách ở một số địa phương.

Cơ chế và nguồn lực cho báo chí làm truyền thông chính sách

Hầu hết các cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ cơ quan chủ quản. Một nhà quản lý báo chí là Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã ví von: “Hiện nay rất nhiều cơ quan chủ quản đang hiểu sai về cơ chế tự chủ của cơ quan báo chí và nghĩ là tự chủ trong cái tự bơi”.

Như vậy, để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, thì phải có cơ chế và nguồn lực để báo chí sống được. Tức là cần phải cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách và kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quản.

Đồng thời cần cải thiện về mặt chính sách vĩ mô để cho báo chí có những điều kiện tốt hơn trong hoạt động tác nghiệp, để làm sao báo chí sẽ “sống được” và “dễ thở hơn”.

Truyền thông chính sách sẽ có chất lượng sâu hơn, thời lượng dày dặn hơn khi có kinh phí, hoàn thiện các thể chế chính sách về truyền thông chính sách để đặt hàng cho cơ quan báo chí hiện nay.

Các cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương cần phải nhận thức đầy đủ hơn, coi việc truyền thông chính sách không chỉ là việc của báo chí mà làm việc của chính quyền, chính quyền phải chủ động đặt hàng báo chí.

Vướng mắc hiện nay theo lãnh đạo một số cơ quan báo chí là một trong những khó khăn mà báo chí đang gặp phải cũng nằm ở chính cơ chế đặt hàng, khi các thủ tục đấu thầu đang gây khó cho chính những cơ quan báo chí có thể giành được những hợp đồng truyền thông chính sách ở trung ương và cả địa phương.

Tuy nhiên, mặt khác các cơ quan báo chí cần chủ động hơn, tận dụng chính các tổ chức báo chí của mình giúp các ban, bộ, ngành hiểu được những vướng mắc và khó khăn mà báo chí đang gặp phải trong nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Công tác truyền thông chính sách còn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện mong kiếm những nguồn lực mà còn là câu chuyện hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, câu chuyện tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách.

Nguồn lực cho truyền thông chính sách phải được đặt trong tổng thể của quá trình truyền thông, ở cả nguồn lực vật chất lẫn tinh thần, xuyên suốt tất cả các khâu từ trước, trong và sau quá trình truyền thông chính sách. Nguồn lực ấy phải được đầu tư xứng đáng, sử dụng linh hoạt, đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Chỉ khi làm được điều này, công tác truyền thông mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn cơ chế và nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO