Tăng cường truyền thông về ASEAN trên môi trường số

PV| 25/11/2022 09:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội nghị lần thứ 57 của Uỷ ban Văn hóa - Thông tin ASEAN với chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người” diễn ra tại Hội An với kỳ vọng đề ra các định hướng tăng cường truyền thông về ASEAN trên môi trường số, quảng bá bản sắc ASEAN, thúc đẩy sự đoàn kết giữa nhân dân các nước trong khu vực.

Tăng cường truyền thông về ASEAN trên môi trường số - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị lần thứ 57 của Uỷ ban Văn hóa - Thông tin ASEAN.

Ngày 24/11, tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra lễ khai mạc chính thức Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa - Thông tin ASEAN với chủ đề "Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh chủ để "Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người" của hội nghị lần này là sáng kiến rất có ý nghĩa của nước chủ nhà Việt Nam với kỳ vọng các nước ASEAN cùng thảo luận, đưa ra các biện pháp hữu hiệu hơn áp dụng công nghệ số trong hợp tác lĩnh vực văn hóa-thông tin ASEAN, tạo điều kiện giải quyết những khó khăn, hạn chế vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN.

Hội nghị tập trung thảo luận nhằm tiếp tục có những định hướng, đề ra các biện pháp gắn kết chuyển đổi số trong hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN, đồng thời xem xét và thông qua các dự án hợp tác triển khai trong năm 2023 về lĩnh vực văn hóa, thông tin ASEAN…

Chuyển đổi số đã trở thành trọng tâm chiến lược của ASEAN để thúc đẩy, phục hồi kinh tế và xây dựng cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19. Đây cũng là hướng đi để các nước trong khu vực cùng xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững, gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội, lấy con người làm trung tâm.

Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa - Thông tin nhằm thực hiện trách nhiệm thành viên ASEAN của Việt Nam trong cơ chế hợp tác chuyên ngành, triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, Chương trình hành động của Chính phủ về Tuyên truyền Quảng bá ASEAN tầm nhìn 2030, góp phần triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 đã được lãnh đạo các nước ASEAN đề ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 40, 41 tổ chức tại Campuchia đầu tháng 11/2022.

Trao đổi về chủ đề của Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam Trần Hải Vân đã cập nhật các thông tin, số liệu liên quan đến chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo đó, tính đến tháng 1/2022, khoảng 70,3% dân số Việt Nam dùng Internet; Việt Nam xếp thứ 13 trên thế giới về sử dụng mạng xã hội; mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số. Về an toàn an ninh mạng, Việt Nam tăng 25 bậc, vươn lên vị trí 25 trên tổng số 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 7 tại Châu Á-TBD và đứng thứ 4 trong ASEAN. 

Nhằm đạt hiệu quả về công tác chuyển đổi số trong hợp tác văn hóa, thông tin theo chủ đề của Hội nghị, bà Trần Hải Vân đề nghị các nước thành viên ASEAN thường xuyên hợp tác, chia sẻ thông tin, cập nhật về chính sách, lộ trình, chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường các dự án hợp về số hoá trong lĩnh vực văn hoá, thông tin đặc biệt là di sản văn hoá, điện ảnh, thư viện, phát thanh truyền hình; thúc đẩy hơn nữa các chương trình dự án hợp tác trong ASEAN và ASEAN với các nước đối thoại về nâng cao năng lực, chia sẻ kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Hội nghị lần này là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng trong chuỗi các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề: "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh," tạo ra cơ hội rất lớn để tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới hiệu các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ đến với bạn bè, du khách quốc tế, đồng thời có thể đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường truyền thông về ASEAN trên môi trường số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO