Ngày 13/12/2019, tại Hà Nội, Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Cục Thông tin Đối ngoại (TTĐN), Cục Thông tin cơ sở (TTCS) và Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Năm 2019 là năm rất nhiều áp lực, khối lượng công việc đồ sộ, cách thức điều hành công việc đòi hỏi khác hẳn trước.
Thứ trưởng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực trong công tác của các đơn vị đã có sự thay đổi lớn và cần tiếp tục phát huy.
Chỉ đạo những công tác trọng tâm cho 5 đơn vị trong năm 2020, Thứ trưởng đề nghị:
Cục Báo chí tập trung quy hoạch báo chí, cố gắng hoàn thành quy hoạch khối báo chí các hội nghề nghiệp. Tới đây, tập trung khối báo chí các bộ, địa phương, chống tình trạng báo hóa tạp chí.
Cục PTTH&TTĐT tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan với việc tổng hợp các ý kiến đóng góp.
Cục Thông tin cơ sở cần chú trọng truyền thanh cơ sở, tăng cường ứng dụng CNTT.
Cục Thông tin đối ngoại chú trọng chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Cục xem xét sự phối hợp và chuẩn bị kỹ càng cho việc xây dựng công tác quảng bá.
Cục Xuất bản – In – Phát hành cần tập trung cho chương trình Sách quốc gia và vấn đề chống in lậu.
Thứ trưởng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền. Công tác thanh tra cần có sự phối hợp thanh tra chuyên ngành và Thanh tra Bộ. Kế hoạch thanh tra phải rõ trọng tâm.
Thứ trưởng cũng yêu cầu 5 đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, để tăng cường hiệu quả công tác. Các đơn vị phải tranh thủ sự hỗ trợ của các Cục, Vụ chức năng của Bộ.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo tặng cờ thi đua Chính phủ cho Cục Báo chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2018
Tại Hội nghị, báo cáo công tác nổi bật năm 2019, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Năm 2019, công tác quản lý nhà nước về báo chí được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát. Quy hoạch quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Công tác triển khai quy hoạch được thực hiện quyết liệt.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, ứng dụng công nghệ báo chí, hỗ trợ đặt hàng báo chí phát triển báo chí được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí được đánh giá, sơ kết đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác xử lý vi phạm được tăng cường, bước đầu đã hạn chế tình trạng “báo hoá tạp chí” thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, tình trạng sách nhiễu, tống tiền.
Năm 2019, báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực tham gia giám sát, phản biện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phản bác các luận điệu sai trái, các cơ quan báo chí đã tích cực cơ cấu tổ chức, xây dựng mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, hoạt động.
Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử cùng những khó khăn của kinh tế, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in giảm nhiều, ảnh hưởng đến kinh tế báo chí. Tuy nhiên, đã có nhiều cơ quan báo chí của các Bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể cố gắng tiến tới tự chủ là nỗ lực rất lớn của các cơ quan báo chí trong việc khắc phục khó khăn, bảo đảm hoạt động.
Năm 2019, số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 39%; số cơ quan báo chí tự chủ một phần kinh phí hoạt động chiếm tỷ lệ 36% và số cơ quan báo chí được ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động chiếm tỷ lệ 25%.
Tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử năm 2019 ước đạt 4.923 tỷ đồng (trong đó báo in là 3.558 tỷ đồng, báo điện tử 1.365 tỷ đồng). Như vậy, so với năm 2018, tổng doanh thu của báo chí in và báo chí điện tử có tăng nhưng không đáng kể (năm 2018 tổng doanh thu là 4.898 tỷ đồng, trong đó báo in là 3.650 tỷ đồng, báo điện tử là 1.248 tỷ đồng).
Về doanh thu quảng cáo trên báo in và báo điện tử, trong năm 2019 cũng có những thay đổi. Tổng doanh thu quảng cáo trong lĩnh vực báo in và báo điện tử trong năm 2019 ước đạt khoảng 2.572 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ báo chí in và báo điện tử năm 2018 khoảng 2.450 tỷ đồng, trong đó báo in là 1.350 tỷ đồng, báo điện tử là 1.100 tỷ đồng).
Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo (báo in là 7459, báo điện tử là 4150, phát thanh, truyền hình là 8.798).
Toàn cảnh Hội nghị
Về lĩnh vực PTTTH&TTĐT, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng cho biết: Cục kịp thời, chủ động giám sát, quản lý thông tin trên PTTH, nội dung trên dịch vụ PTTH trả tiền (trong nội dung thông tin, hoạt động sản xuất, liên kết sản xuất chương trình, hoạt động quảng cáo, bản quyền…), xây dựng quy định hạn chế tình trạng tư nhân lợi dụng quy định về liên kết.
Năm 2019, thị trường dịch vụ PTTH trả tiền tiếp tục phát triển về thuê bao và doanh thu, tuy nhiên, tốc độ phát triển doanh thu rất chậm. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền năm 2019 ước đạt 16,5 triệu thuê bao.
Cục đã sử dụng đồng bộ các giải pháp về pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Kết quả là Facebook đồng ý chặn tất cả các quảng cáo về chính trị tại Việt Nam, đáp ứng khoảng 70% các yêu cầu chặn hạ nội dung vi phạm, cấp blue tick cho các trang báo chính thống và fanpage của cơ quan nhà nước. Google gỡ 05 kênh phản động (mỗi kênh khoảng 2.000 clip) chặn 19 kênh khác tại Việt Nam. Tổng số video clip lẻ vi phạm pháp luật được bóc gỡ trên 12.000 clip. Google và Apple đều phối hợp gỡ game vi phạm trên kho ứng dụng.
Cục đã góp phần thúc đẩy Facebook chuyển đầu tư sản xuất kính ảo Occulus về Việt Nam (Bắc Ninh), thúc đẩy việc Apple chấp thuận nộp thuế hộ các nhà phát triển nội dung số cho Việt Nam.
Công tác tuyên truyền, tập huấn về sử dụng, khai thác thông tin trên mạng, kinh nghiệm, quy trình xử lý và phối hợp thông tin xấu độc cho các bộ, ngành địa phương đã được thực hiện.
Cục cũng tổ chức họp với các doanh nghiệp xuyên biên giới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…) yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam; Tham gia rà soát, ngăn chặn việc thanh toán cho game không phép đối với các trung gian thanh toán, nhà mạng viễn thông…
Về công tác TTĐN, ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục TTĐN cho biết: Trong năm 2019, Cục đã tổ chức thành công các sự kiện trong và ngoài nước: Triển lãm ảnh và tuần phim “Việt Nam – Điểm hẹn thế giới 2019” tại Thụy Điển. Đây là sự kiện thông tin đối ngoại quan trọng do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TTTT phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thuỵ Điển, tạo dấu ấn trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
Bên cạnh đó, 03 cuộc triển lãm ảnh và phim phóng sự - tài liệu về đất nước, con người – bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu - Các dân tộc trong cộng đồng ASEAN tại tỉnh Đồng Nai, Khánh Hoà, Cần Thơ đã được tổ chức.
Cục tổ chức biên soạn và phát hành các ấn phẩm, tài liệu, phim về TTĐN trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài, phù hợp với từng địa bàn như:
Sản xuất hơn 60 phim tài liệu trong chuyên mục “Văn hoá và hội nhập”; Chương trình phim chuyên đề 2019 được phát sóng định kỳ hàng tháng trên kênh Văn hoá - Du lịch VOV, Truyền hình Thông tấn và một số đài truyền hình trong nước. Xuất bản sách “Ấn tượng Việt Nam năm 2019”.
Tổ chức sản xuất và phát sóng 09 bộ phim về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Lào, phối hợp sản xuấ các sản phẩm thông tin tuyên truyền đối ngoại (series phim về du lịch biển và văn hoá ẩm thực Việt Nam) không sử dụng ngân sách nhà nước.
Cục cũng đã thực hiện đón và hướng dẫn cho 14 đoàn phóng viên nước ngoài sang thăm và làm việc tại Việt Nam đến từ các nước; Phối hợp với Tập đoàn Naver và Hiệp hội ghi âm Hàn Quốc (KMCA) thực hiện dự án phát triển nền âm nhạc Việt Nam ra nước ngoài.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Phạm Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục TTĐN
Về lĩnh vực TTCS năm 2019, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng cho biết: Cục đã tổ chức vận động một số doanh nghiệp tài trợ đầu tư, đưa vào sử dụng 41 đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT cho một số xã đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa có đài truyền thanh hoặc đài truyền thanh xuống cấp không còn hoạt động.
Tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn công tác TTCS bằng hình thức trực tuyến, phối hợp với các Sở TTTT tổ chức 2 hội thi tuyên truyền biển, đảo cho các đối tuyên truyền lưu động 09 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cục chỉ đạo, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho hệ thống TTCS tập trung tuyên truyền, phổ biến 13 nhiệm vụ tuyên truyền đột xuất.; Tổ chức 27 nhiệm vụ tuyên truyền cơ sở được giao thực hiện trong năm 2019, tăng 7 nhiệm vụ so với năm 2018; Triển khai thực hiện 47 nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành đã tổng kết một số kết quả của lĩnh vực này.
Theo đó, số đầu sách xuất bản phẩm năm 2019 là 33.087, số đầu sách là 31.438, số xuất bản phẩm là 430.142.259. Doanh thu lĩnh vực xuất bản là hơn 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận là hơn 212 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 187 tỷ đồng. Bình quân sách/người/năm là 4,3.
Lĩnh vực in đạt hơn 96 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 7,2 tỷ đồng. Tổng lao động ngành in là 57.253 người.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đúng quy trình, thời gian rút ngắn, bảo đảm hiệu quả hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện kế hoách sản xuất kinh doanh. Cục đã xử lý số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 là 4.084 hồ sơ, tăng 0,9%.
Cục đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ xuất bản cho các Tổng Giám đốc, Giám đốc, Tổng biên tập, ban phụ trách bộ phận biên tập của các nhà xuất bản trên toàn quốc; tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu năm 2019; Tổ chức Bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ quản lý hoạt động in…
Về hợp tác quốc tế, Cục tham gia Hội chợ sách quốc tế Cu Ba năm 2019, tặng bản quyền miễn phí 21 đầu sách Việt Nam cho phía Cu Ba, xuất bản và phát hành trên lãnh thổ Cu Ba và khu vực Mỹ La tinh; phối hợp với Sở TTTT Hà Nội tổ chức thành công gian hàng Hà Nội – Việt Nam tại Hội chợ sách Frankfurt 2019.
Cục cũng tổ chức 2 lớp đào tạo nghiệp vụ xuất bản và in cho cán bộ Lào tại Viêng-chăn, Lào; tiếp nhận và đào tạo 05 cán bộ quản lý và kỹ thuật ngành in của Lào tại Việt Nam, triển khai hoạt động hợp tác với Hàn Quốc về trao đổi thông tin, tổ chức Ngày Hội bản quyền tại Việt Nam; tham gia Hội nghị thường niên tổ chức mã số sách quốc tế 2020 tại Chile…