Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ hoạt động đúng pháp luật

Xuân Tuấn| 02/08/2019 15:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua đã được giải đáp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019.

Chiều 1/8/2019, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. đại diện các bộ, ban, ngành và các đơn vị liên quan đã trả lời báo chí về các vấn đề dư luận quan tâm thời gian vừa qua.

Lãnh đạo Bộ, Ban, ngành dự họp báo

Lắng nghe ý kiến các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí

Liên quan đến Quy hoạch báo chí của Chính phủ và kế hoạch triển khai của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi: Theo triển khai Quy hoạch báo chí, các báo của Hội và Hiệp hội sẽ xuống tạp chí, Ban Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có họp và thông báo với nhân viên là 80% nhân sự của báo sẽ bị cắt giảm nếu xuống tạp chí. Như vậy, chúng tôi có thể sẽ mất việc làm? 

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TTTT Nguyễn Văn Hiếu cho biếtĐề án Quy hoạch báo chí đã được Bộ Chính trị cho ý kiến và thông qua từ năm 2015. Sau đó, lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí. Trong quá trình làm việc này, lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã lắng nghe các ý kiến các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí trong đó có Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

"Về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, theo tôi được biết thì có 19 người đang được ký hợp đồng dài hạn. Vì vậy, so với các cơ quan báo chí khác, nếu phải chuyển về tạp chí thì số lượng giảm không nhiều", Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ kinh doanh đúng pháp luật

Xung quanh vấn đề, hiện Zalo chỉ được cấp phép dịch vụ OTT nhưng lại đang hoạt động như một mạng xã hội được phóng viên Báo Chất lượng Việt Nam đặt câu hỏi, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TTTT Lê Quang Tự Do cho biết: Quan điểm chung của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) là tất cả các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đang đấu tranh quyết liệt đối với các hoạt động dịch vụ trên Internet và xuyên biên giới khi vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các DN trong nước đương nhiên phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam”, ông Lê Quang Tự Do khẳng định.

Zalo ngay từ đầu xuất hiện là một ứng dụng tin nhắn OTT và theo quy định hiện hành thì ứng dụng tin nhắn OTT không cần phải cho phép.

Sau một thời gian phát triển, Zalo đã phát triển thêm nhiều tính năng khác và ứng dụng, trong đó có tính năng mạng xã hội. Tuy nhiên tính năng mạng xã hội của Zalo bước đầu chỉ gói gọn bên trong người dùng Zalo chứ không phải đại trà bên ngoài như một mạng xã hội.

Thời gian gần đây qua theo dõi và phát hiện, Bộ TTTT cùng Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh đã thấy Zalo cung cấp tính năng mạng xã hội mở rộng theo đúng nghĩa một mạng xã hội. Chúng tôi đã phối hợp để lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu Zalo phải xin cấp phép.

Quan điểm của Bộ TTTT là thực hiện xử phạt nghiêm minh nhưng cũng tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội để phát triển vì sức cạnh tranh của các DN công nghệ trong nước với các DN nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ đã cho Zalo một khoảng thời gian để hoàn tất các thủ tục nộp hồ sơ xin cấp phép và hiện nay Zalo đã nộp hồ sơ.

"Theo như chúng tôi được biết thì hiện nay theo báo cáo của Công ty VNG, đơn vị sở hữu Zalo, thì Công ty VNG có cổ phần của nước ngoài và điều này phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam. VNG cũng công khai trong các báo cáo tài chính. Bộ TTTT luôn phối hợp với Bộ Công an để theo dõi, khi phát hiện có những sai phạm sẽ xử lý", Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Sử dụng ví điện tử như thế nào?

Liên quan đến vấn đề ví điện tử, phóng viên VTV1 đặt câu hỏi: Hiện nay thị trường đang xuất hiện ví điện tử nội bộ để trao đổi, thanh toán cho hệ thống riêng của mình. Xin hỏi việc này có được phép không? Nếu có thì được xử lý thế nào? Liên quan đến những thông tin xoay quanh việc đầu tư tiền điện tử Payer của Công ty Pay Asian thông qua ứng dụng App Pay Asian chưa được cấp phép nhưng đã có giao dịch hàng tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước có sự xử lý thế nào?

Ngoài ra, phóng viên VTV1 cũng hỏi Bộ Tài chính, Thủ tướng về việc chỉ đạo kiểm tra rà soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đến thời điểm này đã có kết quả vấn đề này chưa?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời báo chí.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Về hoạt động của ví điện tử, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 3939/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, quy định rõ về nội dung cũng như quy định đối với việc sử dụng ví điện tử, chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền cho đơn vị chấp nhận thanh toán, hoàn trả tiền cho khách hàng. Không được sử dụng ví điện tử vào mục đích huy động vốn của khách hàng trên tài khoản để đầu tư.

"Vừa qua có hoạt động của Pay Asian, theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử... Không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi là Pay Asian. Đây là tổ chức không được cấp phép đang hoạt động. Sắp tới Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng sẽ có rà soát cụ thể", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ hoạt động đúng pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO